Bông điên điển mùa nước nổi

Cập nhật, 18:59, Thứ Bảy, 13/11/2021 (GMT+7)

 

(VLO) Ở ĐBSCL, mùa nước nổi thoạt nhìn trông rất dữ dội nhưng thực sự nó rất hiền hòa và vô cùng dung dị. Vào mùa này bà con thường gọi là nước về hay nước tràn bờ, mùa cá, mùa của nỗi nhớ quê man mác trong lòng những người con xa xứ.

Hàng năm mỗi khi tới tháng bảy, tháng tám âm lịch, cũng là lúc con nước mới bắt đầu lên mấp mé ở bờ sông hay tràn lên những cánh đồng, vườn tược, thì điên điển cũng theo con nước trồi lên mặt nước rồi trổ bông từng chùm, từng chùm nho nhỏ treo lủng lẳng và vàng rực cả một góc trời hòa lẫn, giữa màu đục của phù sa và màu xanh của cây lá, nó mang một nét rất quê riêng biệt của ĐBSCL.

Điên điển chỉ trổ bông vài ba tháng ngắn ngủi, nhưng chừng đó thôi cũng đủ để nó trở thành biểu tượng của miền sông nước ĐBSCL. Điên điển là loại cây trổ bông mỏng manh trên mặt nước, một cơn gió thổi qua cũng khiến cho bông rụng đầy rồi trôi lềnh bềnh trên khắp các dòng kinh.

Tuy yếu đuối là vậy, nhưng nó đã bám trụ cùng người dân ĐBSCL qua biết bao mùa nước nổi. Điên điển là tên gọi mỹ miều, nhưng nghe đâu tên dân dã là bông mùa lũ hay bông cứu đói.

Ngày xưa khi cuộc sống còn khó khăn, xuồng ghe đi lại chưa nhiều, mùa nước lũ về, lúa không trồng được, trái cây cũng không có, chỉ có bông điên điển là loại bông “ăn được”.

Người dân miền sông nước nhờ có nó mà vượt qua mấy tháng nước nổi. Bông điên điển không chỉ đẹp mà còn tượng trưng cho sự đầy đủ và ngon lành mùa nước nổi.

Bông điên điển như là sự bù đắp của thiên nhiên, tặng cho vùng đất này thoát khỏi cái cảnh trắng trời, trắng nước, làm bớt đi vẻ đìu hiu, nhờ cái màu vàng tươi roi rói của nó mà đã trở thành một điểm nhấn, thành biểu tượng đặc trưng của mùa nước ĐBSCL.

Cũng không quá đáng chút nào khi có người ưu ái gọi nó bằng một cái tên mỹ miều khác là “mai vàng mùa lũ”. Bông mai kiêu sa khoe sắc vàng lộng lẫy vào những ngày tết, còn bông điên điển khoe màu vàng tươi rực rỡ vào mùa nước nổi, nó đã đi vào lòng người như một quy luật của cuộc sống.

Bông điên điển còn theo chân người dân quê đi ra chợ, mấy bà nội trợ mua mớ bông điên điển về để nấu canh chua cá linh, làm gỏi hay xào với tép rong... 

Bông điên điển đã đi vào bữa ăn của từng gia đình người dân quê mộc mạc như vậy đó. Ở ĐBSCL có thể có rất nhiều món ăn ngon được làm từ bông điên điển, tạo nên dấu ấn khó quên đối với những người con xa xứ.

Bông điên điển và con cá linh không biết có hứa hẹn gì hay không mà hễ cứ mỗi năm mùa nước nỗi về, lại gặp nhau rồi kết đôi đầy duyên tình, hữu ý, tạo nên món canh chua quen thuộc của xứ này.

Cá linh thịt ngọt lại béo, xương mềm, chỉ bỏ ruột rồi rửa sạch không đánh vảy nấu nước canh sôi cho cá chín thì mới bỏ bông điên điển vào sao cho bông vừa tái là ăn ngon nhất, ngọt nhất, chinh phục được sự kén chọn ẩm thực của rất nhiều người.

Bông điên điển ngon một phần là do trời ban, phần nữa chính là sự khéo léo của các bà nội trợ, để thứ bông dân dã này trở thành sự hoài niệm của nhiều người con xa xứ. Mỗi khi con nước tràn bờ mà thiếu bông điên điển thì không còn là mùa nước nổi nữa- bông mai vàng mùa nước nổi của đồng bằng Nam Bộ.

VÕ HOÀNG NAM