Nghệ thuật tạo hình độc đáo chùa Phù Ly 1

Cập nhật, 06:22, Thứ Hai, 11/10/2021 (GMT+7)

 

Các hình tượng được trang trí tại quần thể cột cờ tạo nên những nét nổi bật trong không gian nghệ thuật kiến trúc tạo hình của chùa Phù Ly 1. Ảnh do chùa Phù Ly 1 cung cấp
Các hình tượng được trang trí tại quần thể cột cờ tạo nên những nét nổi bật trong không gian nghệ thuật kiến trúc tạo hình của chùa Phù Ly 1. Ảnh do chùa Phù Ly 1 cung cấp

Đồng bào Khmer Vĩnh Long tham gia sinh hoạt tôn giáo tại 13 chùa Phật giáo Nam Tông. Hầu hết các ngôi chùa đều có kiến trúc sắc sảo, nghệ thuật tạo hình tinh tế, tạo nên nét đẹp rất riêng. Trong đó, có chùa Phù Ly 1 (xã Đông Bình- TX Bình Minh).

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, chùa là “ngôi nhà thứ hai”, sống gửi thân, chết gửi cốt ở chùa, vì thế chùa đóng vai trò quan trọng trong đời sống và sinh hoạt của đồng bào Khmer. Đây còn là trung tâm, nơi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Khmer.

Sư cả Thạch Thanh Tùng- Trụ trì chùa Phù Ly 1, cho biết, chùa được xây dựng vào năm 1672 của thế kỷ 17, trên diện tích hơn 2ha. Trải qua những biến thiên của lịch sử, chùa được trùng kiến để trở nên bề thế, uy nghiêm như hôm nay. Chùa Phù Ly 1 gồm các hạng mục: cổng chùa, chánh điện, sala, trai đường, tháp cốt, quần thể cột cờ, tượng phật nằm, phật cảnh, lò hỏa táng,… xung quanh chùa là những cây sao, dầu, thốt nốt hơn 100 năm tuổi, tỏa bóng mát quanh năm và tạo không gian thâm nghiêm, cổ kính.

Trong từng công trình kiến trúc của chùa, những người thợ, nghệ nhân Khmer đều trang trí, đắp nổi các phù điêu liên quan đến linh vật, nhiên thần và hình tượng đức Phật Thích Ca. Những hình tượng này vừa mang dáng dấp của Phật giáo (hoa sen, hình tượng đức Phật trong nhiều tư thế) và vừa mang dáng dấp của đạo Bà La Môn (hình tượng Thần Bốn mặt, thần Tê-vô-đa, Yeak (chằn), Reahu, nữ thần Kây No, rắn nhiều đầu, Hoong (chim Phượng Hoàng), hình tượng Lân- Sư, chim thần Krut,…). Đối với hình tượng chim thần Krut và nữ thần Kây No là những biểu tượng được các nghệ nhân quan tâm và tác tạo khá phổ biến. Mỗi biểu tượng đều có những ý nghĩa, giá trị nhân văn, tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt của cộng đồng người Khmer.

Tại chùa Phù Ly 1, nổi bật và quan trọng nhất là chánh điện. Chánh điện là tượng trưng cho ngọn núi Mêru- một ngọn núi thiêng và là nơi các vị thần đến tu học thuyết Bà La Môn, xung quanh chánh điện là những ngôi tháp cốt có chiều cao thấp hơn chánh điện, tượng trưng cho những ngọn núi nhỏ bao quanh ngọn núi thiêng Mêru.

Chánh điện chùa Phù Ly 1 được xây trên nền cao, bao phủ bởi màu vàng rực sáng trong ánh nắng ban mai. Trên nóc chánh điện có một đỉnh tháp. Xung quanh tháp các nghệ nhân trang trí, đắp nổi nhiều hình tượng rồng ngẩng cao đầu hướng về hai bên. Thân rồng được trang trí như những chiếc thuyền đua giữa mênh mông sóng nước. Đuôi rồng uốn lượn cong vút vươn lên trời xanh. Phía dưới nóc mái chánh điện, có nhiều hình tượng nữ thần Kây No với vẻ mặt xinh xắn, hiền từ, có đôi cánh dang rộng, hai chân đứng thẳng, ưỡn ngực ra phía trước, hai cánh tay đưa cao đỡ diềm mái, làm điểm kết nối giữa các hàng cột với mái chánh điện, tạo nên sự uyển chuyển, nhẹ nhàng trong nghệ thuật kiến trúc của người Khmer. Nghiên cứu một số tài liệu cho thấy, nữ thần Kây No là những nàng tiên xinh đẹp, duyên dáng và có kỹ năng múa hát điêu luyện.

Tham quan chùa Phù Ly 1, phật tử và du khách còn nhận thấy hình tượng chim thần Krut cũng được tạo tác như nữ thần Kây No. Nhưng đây là hình tượng có dáng người, đầu chim, trang trí chính ở đầu cột 4 góc chánh điện, nâng đỡ mái chánh điện. Ngoài ra, còn có hàng trăm hình tượng chim thần Krut được đắp nổi trang trí trên các mảng tường dọc theo chân chánh điện. Quanh chánh điện là dãy cột có đắp nổi hình tượng thần Bốn Mặt (Kabil Maha Brum) nhũ vàng, 4 mặt của thần quay về 4 hướng Đông- Tây- Nam- Bắc, qua đó cũng truyền tải ý nghĩa khác là đại diện cho từ, bi, hỷ, xả trong Phật giáo.

Hệ thống hình tượng và kiến trúc nghệ thuật trên mái và bên ngoài chánh điện chùa Phù Ly 1. Ảnh: Minh Triết
Hệ thống hình tượng và kiến trúc nghệ thuật trên mái và bên ngoài chánh điện chùa Phù Ly 1. Ảnh: Minh Triết

Vào trong chánh điện, chúng ta sẽ thấy tượng đức Phật Thích Ca to lớn tọa tòa sen trong tư thế đang thuyết pháp, được thờ tự ngay trung tâm chánh điện. Các bức bích họa trên vách tường trong nội thất chánh điện thể hiện cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và quá trình hoằng dương Phật pháp của đức Phật Thích Ca.

Điểm nổi bật trong nghệ thuật kiến trúc của chùa Phù Ly 1 còn thể hiện qua hệ thống quần thể cột cờ. Gọi là quần thể, bởi cột cờ được xây ở giữa khuôn viên chùa trên khoảng sân rộng, xung quanh là nhiều tượng sư tử, nữ thần, rồng, rắn thần Naga với màu vàng chủ đạo. Quần thể kiến trúc này được dựng trên 3 lớp tam cấp. Lớp tam cấp dưới cùng có diện tích lớn nhất với 8 tượng sư tử đặt ở 4 hướng.

Hàng năm, tại chùa Phù Ly 1 diễn ra nhiều lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer như: Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sel Dolta, lễ Ok Om Bok, lễ Dâng y Katina…

MINH TRIẾT