Thi sĩ Hoàng Tố Nguyên và tuyệt phẩm Gò Me

Cập nhật, 15:51, Thứ Năm, 22/07/2021 (GMT+7)

Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên tên thật  Lê Hoằng Mưu, sinh năm 1929 tại gò Me, làng Bình Ân, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công (nay là ấp Gò Me, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).


Sau khi hoàn tất bậc tiểu học ở Gò Công và bậc trung học ở Trường Collège de Mytho (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho), ông lên Sài Gòn học Trường Mỹ thuật Gia Định. Ngày 23-9-1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Nam bộ bùng nổ.

Theo tiếng gọi của non sông, ông gia nhập lực lượng vũ trang chiến đấu ở nội thành Sài Gòn, rồi hoạt động văn nghệ và tuyên truyền. Từ năm 1947 - 1949, ông ra vùng kháng chiến, làm Chủ tịch Hội Học sinh mỹ thuật kháng chiến Gia Định. Mặc dù còn rất trẻ, nhưng trong thời gian này ông đã có thơ đăng trên các báo.

Một trong hai nhà thơ điển hình nhất của thi ca miền nam giai đoạn 1945 - 1950

Nhận xét về thơ của ông, nhà phê bình văn học Thế Phong, trong quyển Lược sử văn nghệ Việt Nam - Nhà văn tiền chiến, viết như sau: “Về bình diện thi ca miền Nam giai đoạn 1945 - 1950, chỉ có hai nhà thơ điển hình nhất là Vũ Anh Khanh và Hoàng Tố Nguyên. Họ bao trùm các nhà thơ khác, như Ái Lan, Tố Phong, Trúc Khanh, Khổng Dương…

Hoàng Tố Nguyên là tác giả của nhiều bài thơ đăng rải rác trên báo, mặc dù chưa in một tác phẩm nào… Những bài như: Vọng hướng sao rơi, Xuân về say ý nhạc… đăng trong tuyển tập thi ca Mùa giải phóng (tháng 5-1949)…

Từ năm 1950 - 1952, ông là Trưởng ban Tuyên truyền Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương), Ủy viên Ban Chấp hành Phân hội Văn nghệ liên tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một - Biên Hòa). Từ năm 1952 - 1954, ông là cán bộ Sở Thông tin Nam bộ, Biên tập viên Báo Cứu quốc Nam bộ rồi Báo Vì Chúa, Vì Tổ quốc của lực lượng Công giáo kháng chiến Nam bộ.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm Biên tập viên Báo Văn Nghệ. Năm 1956, ông là Ủy viên Thường trực Ban Đại diện Văn nghệ Nam bộ ở miền Bắc.

Năm 1957, ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và công tác tại Trung ương Hội Nhà văn. Năm 1959, ông trở lại với nghề báo, làm Biên tập viên Báo Độc Lập.

Năm 1969, theo sự phân công của Ủy ban Trung ương các Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật, ông nhận nhiệm vụ xây dựng phong trào văn nghệ ở tỉnh Hà Tây, sau đó ở tỉnh Thái Bình (vào năm 1974).

Thời gian này, sống trong cảnh “ngày Bắc đêm Nam”, ngoài việc tích cực gầy dựng hoạt động văn hóa - văn nghệ ở địa phương, ông đã miệt mài và bền bỉ sáng tác.

Các truyện thơ và tập thơ của ông liên tiếp được ra đời, như Đổi đời (truyện thơ, năm 1955), Cô gái bần nông sông Hồng (truyện thơ, năm 1956), Đất nước (tập thơ, 1956), Gò Me (tập thơ, năm 1957), Từ nhớ đến thương (tập thơ, năm 1960), Quê chung (tập thơ, năm 1962), Gởi chiến trường chống Mỹ (năm 1966)...

Tháng 6-1975, ông mất tại Hương Canh, Thái Bình sau một cơn bạo bệnh. Một năm sau, tập thơ Tên quê hương của ông được xuất bản. Năm 1980, trong lời đề tựa tập thơ được tái bản Từ nhớ đến thương, nhà thơ Chế Lan Viên viết: “… Tôi nhận được tin anh mất ở Sài Gòn, ngẩn ngơ vì thương tiếc một cây bút, những dòng thơ…

Tôi tiếc cho Hoàng Tố Nguyên (Lê Hoằng Mưu) đã có một quê hương Gò Me - Nam bộ lúc ra đi, đã có một quê hương Hương Canh -  miền Bắc lúc trở về, có cả một Tổ quốc thống nhất xã hội chủ nghĩa, giữa ngày sắp được đoàn tụ, thế mà không sống đến phút đoàn tụ ấy. Tôi cũng tiếc cho Gò Me, Gò Công quê anh đã không có anh trở về…

Trong mấy nhà thơ Nam bộ tập kết ra Bắc hồi ấy, phải nói rằng anh là một trong mấy người có tài hơn cả… Lần đầu tiên khi thơ anh xuất hiện ở thủ đô, nó đã được nhiều người yêu mến và giới sành thơ trân trọng...”.

Tuyệt phẩm bài thơ gò me

Trong các tập thơ của ông, tập thơ Gò Me của ông gồm 13 bài thơ được xuất bản năm 1957 đã gây được tiếng vang lớn. Nội dung tập thơ chủ yếu thể hiện tấm lòng thương nhớ quê hương của tác giả. Trong tập thơ này, bài thơ Gò Me viết về quê hương của ông là đặc sắc nhất:

Quê tôi đó! Mặt trông ra bể,
Đóm hải đăng tắt lóe đêm đêm.
Con đê cát đỏ cỏ viền,
Leng keng nhạc ngựa ngược lên chợ Gò.
Ruộng vây quanh, bốn mùa gió mát,
Lúa Nàng - keo chói rực mặt trời.
Ao làng trăng tắm, mây bơi,
Nước trong như nước mắt người tôi yêu.
Quê tôi sớm sớm, chiều chiều,
Lao xao vườn mía.
Mái lá khoan thai thở làn khói nhẹ,
Những chị, những em má núng đồng tiền.
Nọc cấy, tay tròn, nghiêng nón làm duyên,
Véo von điệu hát cổ truyền.
Tre thôi khúc khích, mây chìm lắng nghe:
“Hò ơ... Trai Biên Hòa lụy gái Gò Me,
Không vì sắc lịch, mà chỉ vì mê giọng hò”.
Ôi, thuở ấu thơ,
Cắt cỏ, chăn bò.
Gối đầu lên áo,
Nằm dưới làn me, nghe tre thổi sáo.
Lòng nghe theo bướm, theo chim,
Mạ non cong vắt lưỡi liềm,
Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ.
Ôi, vui sao những lễ hội đình chùa,
Rước sắc cuối năm, giựt giàn tháng bảy.
Thân áo vá quàng, lại thay vạt mới,
Hẹn hò, đổi guốc trao khăn.
Trống giục thâu đêm, gối bỏ không nằm,
Tóc bạc nghe kinh, tuổi xanh tình tự.
Tôi, sáu tuổi trong lòng bà, hớn hở,
Xem tuồng “Đoạt Võ Trạng Nguyên”.
Để ra về mơ mãi chuyện thần tiên,
Moi đất sét nặn quả chùy Nguyên Bá.
Ôi! Những tháng mưa dầm lạnh giá,
Đường làng thụt móng chân trâu.
Tre, cau phờ phạc,
Cánh cò mặt nước đồng sâu.
Hai bên hàng xóm têm trầu,
Áo tơi, nón lá, gọi nhau đổ lờ.
Những trưa nắng thơm mùa gặt hái,
Mái đình cong, cu gáy xa xa.
Con đê nắng đổ chói lòa,
Me xanh tỏa bóng, gió hòa trong cây.
Già  phanh áo, gối tay, ríu mắt,
Gái dụm đầu bói Lục Vân Tiên.
Trai làng kính cẩn ngồi yên,
Giọng ông tôi lại cất lên, kể rằng:
“Cửa Cần Giờ vào năm khởi nghĩa,
Sóng Cần Giờ đỏ khé máu tươi!
Gò Công oanh liệt một thời!
Ông Trương “Đám-lá-tối-trời” đánh Tây”.
Ruộng Gò Công cò bay thẳng cánh,
Ao Gò Me nước gánh không vơi.
Đất lành màu mỡ sinh sôi,
Nếp than, nấm rạ làng tôi vẫn nghèo.
Trước khi nhắm mắt thân yêu,
Bà tôi dám ước mơ nhiều hơn đâu.
Một vuông khăn đỏ bịt đầu,
Nợ nần truyền kiếp trông vào con thơ.
Ôi!  Gò Me,
Các bác, các cô.
Các dì, các cậu,
Mồ hôi muối trắng hai vai áo.
Đêm không đèn húp cháo thay cơm,
Nhặt từng hạt lép trong rơm.
Nhìn bầu sữa cạn, thương con héo gầy.
(Lúa đâu dám phụ người cày
Nhà ai ngói đỏ, lẫm đầy lúa khô!)
Qua đường lưới cá, mò cua,
Ngó con sông bạc mà lo phận nghèo!
***
Quê hương tôi bao nhiêu thay đổi,
Ngọn tầm vông, nón cói buổi đầu.
Trong lòng đất nước khổ đau,
Đứng lên không một sức nào chuyển lay.
Chín năm chúng ruồng, vây, giết, đốt,
Chín năm ta diệt bốt, gài chông.
Máu Trương Công Định anh hùng,
Qua tay Đảng, rót vào lòng nhân dân.
Trên đất Bắc xanh mầm hy vọng,
Đêm như ngày, tôi ngóng từng tin.
Gò Công đẫm máu biểu tình,
Gò Me, tuy vắng trống đình bao năm.
Tắt tiếng hát đêm trăng hò hẹn,
Chỉ còn vang tiếng biển thét gào.
Tôi nằm trên võng mẹ đưa,
Có chim cu gáy giữa trưa hanh nồng.
Tiếng ai vút đầu bông lúa chín,
Gió dìu vương xao xuyến bờ tre:
“Hò ơ... Trai Biên Hòa lụy gái Gò Me
Không vì sắc lịch, mà chỉ vì mê giọng hò!”
Chị tôi má đỏ thẹn thò,
Giã me bên trã canh chua ngọt ngào.
Thơ tôi như chiếc hôn đầu,
Gò Công yêu dấu, đâu nào má em?

Theo Báo Ấp Bắc