Mấy suy nghĩ về chiến lược văn hóa Việt Nam

Cập nhật, 21:23, Chủ Nhật, 18/07/2021 (GMT+7)
Nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (ảnh minh họa, chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát).
Nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (ảnh minh họa, chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát).

Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, thì nhiệm vụ thứ 4 là xây dựng văn hóa con người Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) Nguyễn Văn Hùng, vì vậy ngành phải tập trung cụ thể hóa để thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm này.

Trên cơ sở tổng kết chiến lược văn hóa giai đoạn trước và xây dựng dự thảo chiến lược văn hóa giai đoạn mới của ngành, chúng ta thấy nhiều cái đáng mừng nhưng cũng không tránh khỏi ít nhiều băn khoăn.

Cụ thể hóa mục tiêu và giải pháp

Tóm tắt dự thảo chiến lược, Thứ trưởng Bộ VH, TT và DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh mấy vấn đề chính: Chiến lược văn hóa hướng tới mục tiêu chung cơ bản và xuyên suốt là khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Trong chiến lược này, Bộ VH, TT và DL đưa ra 10 mục tiêu phát triển văn hóa, nổi bật là: 100% các bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao; 95-100% di tích quốc gia đặc biệt và 65-70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo, 65-70% số di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị; doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Mục tiêu khá rõ ràng, nhưng vấn đề xã hội quan tâm chính là giải pháp. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu, chiến lược Bộ VH, TT và DL đề xuất hệ thống 12 nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, xác định xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa lành mạnh là gốc của chiến lược, cần tập trung thực hiện, địa bàn hướng tới là cơ sở dân cư, cộng đồng doanh nghiệp. Nếu đầu tư đúng hướng, đúng trọng điểm sẽ tạo ra môi trường văn hóa, đời sống văn hóa tốt.

Bên cạnh đó là các vấn đề như: Mục tiêu tài chính tăng mức đầu tư cho văn hóa lên 2% tổng chi ngân sách hàng năm; xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế, các loại phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác là phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh; khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, tăng khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng.

Đầu tư “phần cứng” và những giải pháp “mềm”

Trước tiên điều đáng mừng là chiến lược đã đề ra mục tiêu cụ thể với đầu tư tôn tạo di tích, di sản theo từng cấp độ. Đồng thời và mục tiêu tài chính khi tăng mức đầu tư cho văn hóa lên 2% tổng chi ngân sách hàng năm, giúp cho ngành phần nào giải tỏa được áp lực kinh phí eo hẹp cho những mục tiêu quan trọng, đặc biệt là công tác trùng tu, tôn tạo di tích, di sản.

Bên cạnh đó, những mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng là đòi hỏi thiết yếu, nhưng chúng ta đã có những bài học về đầu tư dàn trải và thiếu hiệu quả, do tính chất không phù hợp với tình hình thực tế địa phương, chưa tính đến những yếu tố văn hóa bản địa, đặc thù. Do đó, áp dụng một “mẫu số chung” trong mô hình đầu tư văn hóa cho cả nước đã từng gây ra những bất cập, nặng tính hình thức hơn là đi vào thực chất vấn đề.

Tuy nhiên, đây là những mục tiêu “phần cứng” dễ nhìn nhận, đánh giá mức độ hoàn thành, hiệu quả; nhưng có những “tiêu chí mềm” rất khó kiểm soát, đặc biệt quan trọng là trong phần giải pháp thực hiện. Trong đó, 2 vấn đề cộng đồng xã hội quan tâm chính là mảng đầu tư công nghiệp văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc. Đây chính là 2 yếu tố quan trọng trong việc góp phần xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến mà đậm đà bản sắc dân tộc. Cho đến hiện tại, dường như ngành VH,TT và DL đã “hụt hơi” trong nhiệm vụ vô cùng quan trọng này. Khi mà phần hiện đại, tiên tiến chưa đạt được những thành quả nhất định, thậm chí có sự chệch hướng ở một số lĩnh vực, nhất là trong đầu tư công nghiệp văn hóa và phần nào sự nhạt nhòa, lãng quên những giá trị văn hóa bản sắc của lịch sử và dân tộc.

Liệu một ngành văn hóa có thể đưa ra những giải pháp hoàn thiện trên phạm vi, phạm trù bao trùm các lĩnh vực không gian mạng, văn hóa mạng đã trở thành “áp đặt cuộc chơi”; đồng thời thực hiện một cách căn cơ nhất những vấn đề, giá trị gia đình, giá trị sống, đạo đức cá nhân và xã hội…? Một giải pháp cần sự kết nối “cứng” bằng những cơ chế giữa các ngành văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học và các đoàn thể chính trị, doanh nghiệp…; cùng với đó là có sự giao thoa “mềm” trong việc vừa phối hợp, vừa phân chia những nhiệm vụ, cũng là trách nhiệm trong chuỗi giải pháp đa dạng, đa ngành của xã hội.

Do đó, dự thảo Chiến lược xây dựng văn hóa Việt Nam cần có sự đóng góp, phản biện không chỉ từ “nội bộ” ngành VH, TT và DL.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG