Họa sĩ Bùi Dương Phương Bình: Nương về hồn quê

Cập nhật, 05:59, Thứ Bảy, 29/05/2021 (GMT+7)

 

Anh Phương Bình cùng tác phẩm “Múa lân” đạt giải trong Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL năm 2017. Ảnh nhân vật cung cấp
Anh Phương Bình cùng tác phẩm “Múa lân” đạt giải trong Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL năm 2017. Ảnh nhân vật cung cấp

(VLO) Bùi Dương Phương Bình thổi hồn quê vào từng tác phẩm của mình. Bức tranh khắc gỗ về nông thôn mới đầy công phu, cổng cưới lá dừa tỉ mỉ hay đơn giản hơn là những món ăn trong gia đình đều được anh chăm chút bằng tình yêu thương.

Tranh khắc gỗ nối truyền thống với hiện đại

Từ nhỏ, Bùi Dương Phương Bình đã có niềm yêu thích đặc biệt với giấy màu, cọ vẽ mà theo anh, “trong gia đình hổng có ai theo nghệ thuật, cũng hổng biết tình yêu ấy từ đâu mà có”.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm mỹ thuật Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, anh về quê công tác ở Trường Tiểu học thị trấn Cái Nhum (Mang Thít).

Đến năm 2015, với bức tranh khắc gỗ “Múa lân”, anh giành giải nhì trong cuộc thi vẽ tranh dành cho giáo viên trong tỉnh.

Và bức tranh này bất ngờ đạt giải khuyến khích trong hàng trăm tác phẩm xuất sắc gửi về Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL năm 2017. Đây là chất xúc tác, cũng là động lực to lớn để họa sĩ trẻ tiếp tục đeo đuổi đam mê.

Anh Bùi Dương Phương Bình (bìa trái) là thành viên BCH Phân hội Mỹ thuật tỉnh nhiệm kỳ 2019- 2024.
Anh Bùi Dương Phương Bình (bìa trái) là thành viên BCH Phân hội Mỹ thuật tỉnh nhiệm kỳ 2019- 2024.

Ở tuổi 32, Phương Bình là “em út” ở Phân hội Mỹ thuật thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Anh cũng là một trong số ít những họa sĩ trong tỉnh theo đuổi dòng tranh khắc gỗ.

Đối với các họa sĩ hiện đại, rất kén người lựa chọn chất liệu khắc gỗ để sáng tác bởi trải qua nhiều công đoạn và từ việc làm phác thảo, đến việc chuyển phác thảo sang gỗ, rồi khắc, in rất công phu. Một tác phẩm trải qua hàng tháng trời thực hiện.

Công đoạn khắc mất nhiều thời gian và khoảng thời gian có thể làm cảm xúc mất dần đi do phải chuyển tải qua nhiều công đoạn.

Ở tranh của Bùi Dương Phương Bình, chỉ với 2 màu đen trắng phải chuyển tải cảm xúc thông qua bố cục và sự nhuần nhuyễn của mảng đậm nhạt.

 Nghệ thuật khó nhất ở những câu chuyện kể. Người nghệ sĩ có gì để kể? Và câu chuyện đó là họ tìm thấy, vay mượn hay chính những va vấp, trải nghiệm từ cuộc sống. Điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải luôn luôn quan sát cách mọi thứ vận hành.

Như anh Phương Bình chia sẻ: “Sau những bức tranh về văn hóa như múa lân, hát bội, tôi bắt đầu sáng tác về đề tài nông thôn mới.

Trong thời gian được tham gia công tác cùng đoàn BCĐ về xây dựng nông thôn mới, tôi được đi nhiều nơi ở quê mình, chứng kiến những đổi thay từ điện, đường, trường, trạm…

Có hôm đang chạy xe máy thì thấy cảnh cánh đồng vào mùa gặt lúa nhộn nhịp, tôi dừng xe lại chụp ảnh ngay”… Tất cả đều là cảm hứng và chất liệu ra đời tác phẩm “Lưới điện cao áp”, “Công trình nông thôn mới”…

Đôi bàn tay chai sần, anh Phương Bình chăm chút từng nét khắc mang hơi thở cuộc sống, nối truyền thống và hiện đại. Người xem sẽ cảm thấy có một phần của mình trong đó, với những khoảnh khắc hết sức gần gũi của chính quê hương mình với một không khí lạc quan, vui tươi.

Giữ gìn những giá trị xưa

Với đôi tay khéo léo, anh Phương Bình thổi hồn quê vào những cổng lá dừa.Ảnh nhân vật cung cấp
Với đôi tay khéo léo, anh Phương Bình thổi hồn quê vào những cổng lá dừa.Ảnh nhân vật cung cấp

Thời gian rảnh ngoài giờ dạy học, vợ chồng anh Phương Bình kinh doanh hoa và dịch vụ cổng cưới. Mấy năm nay, nhiều cặp đôi thích trang trí kiểu truyền thống, làm cổng cưới bằng lá dừa như thời của ông bà, cha mẹ.

Sau mấy mươi năm, hình ảnh thân thương đậm hồn quê trong những dịp cưới hỏi đã trở lại. Nắm bắt điều này, anh Phương Bình bắt tay vào chăm chút cho những cổng cưới đậm chất miền Tây.

Cổng có những bông hoa to nhỏ, con công, phượng, chữ hỷ bằng lá dừa, những tấm màn bằng lá dừa non, tất cả chỉ bằng nguyên liệu duy nhất là lá dừa và lá dừa nước.

Anh Phương Bình chia sẻ: “Người trẻ bây giờ muốn tìm lại những giá trị xưa cũ ngay ở cổng cưới của mình. Hình ảnh bà con xúm nhau phụ dựng rạp gợi lên biết bao nhiêu kỷ niệm một thời cuộc sống còn khó khăn.

Bây giờ chúng tôi muốn tái hiện lại cổng cưới tận dụng ngay những cây lá quê nhà, vừa có mới lại vừa có cũ, hoa văn thẩm mỹ hơn, cầu kỳ, hoành tráng hơn”.

Những ai yêu ẩm thực còn nhiều lần bắt gặp họa sĩ Phương Bình ở… cuộc thi nấu ăn. Từ cấp xã đến dự thi ở khu vực ĐBSCL, anh Bình đều có mặt.

Năm 2020, đại diện cho tỉnh dự thi “Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương” ở Tiền Giang, anh Phương Bình mang về giải nhì.

Đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo là lợi thế để anh tỉa hoa, kết lá dừa, bày biện trang trí cho món ăn vừa ngon nhưng cũng thật đẹp mắt.

“Cuộc sống hiện đại khiến người ta không còn nhiều thời gian, đến giờ cơm chỉ vào quán ăn cho thật nhanh, tiện lợi. Nhưng theo tôi bữa cơm gia đình rất quan trọng, nhất là với người trẻ.

Gia đình tôi lúc nào cũng duy trì bữa cơm gia đình. Vợ nấu đồ ăn, chồng phụ sơ chế, bày biện, vừa giữ lửa vừa quây quần gắn kết nhau hơn mà những bữa ăn cũng tốt hơn cho sức khỏe”- anh Phương Bình kể.

Miệt mài với tranh khắc gỗ, tỉ mẩn làm cổng cưới hay chăm chút cho bữa cơm gia đình, ở mỗi vai trò khác nhau người ta đều bắt gặp nghệ sĩ trẻ Phương Bình nương về hồn quê.

Anh sinh ra ở miền quê, giữ gìn nét đẹp quê nhà qua những tác phẩm nghệ thuật. Tận sâu bên trong từng tác phẩm là tình yêu với quê hương thân thuộc, với người dân mộc mạc, chân chất.

Ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long- nhận xét: Xuất phát từ gia đình lao động cần cù, cũng là một thầy giáo, Bùi Dương Phương Bình vừa là trí thức cũng vừa là người lao động chân chất nên có sự đồng cảm, thấu hiểu. Anh là họa sĩ trẻ triển vọng, nổi bật với những đề tài gắn bó với hơi thở cuộc sống, với phong trào nông thôn mới của quê hương.


Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ