Hồi ký: "3 lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ"

Cập nhật, 11:02, Thứ Sáu, 30/04/2021 (GMT+7)

(VLO) Tôi sinh ra vào những năm tháng đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh chống Mỹ. Các anh tôi, từ năm 1967 đến 1969 cứ mỗi năm lần lượt hết anh Hai, đến anh Ba, rồi anh Tư lên đường nhập ngũ mang theo tinh thần "phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang" ước mong một ngày đất nước thanh bình.

Má tôi cũng ba lần tiễn con ra trận và chỉ có một anh trở về (ảnh minh họa).
Má tôi cũng ba lần tiễn con ra trận và chỉ có một anh trở về.

Lúc tôi mới lên ba, lên năm không biết sao lâu lâu lại không thấy một anh. Và mỗi lần như thế tôi cứ khóc mè nheo đòi anh với má. Má cũng không giải thích với tôi mà chỉ im lặng...

Lớn lên chút, chừng 6, 7 tuổi gì đó, tôi thấy má cứ lâu lâu lại chở một xuồng, sau đuôi đặt máy KOHLE 4, phía dưới là gạo, mắm muối, thức ăn, thuốc men, mùng mền, bên trên che lại bằng lá dừa từng bó, từng bó đi đâu đó vài hôm mới về. Không biết má đi đâu, nhưng tôi cũng khóc đòi đi theo cho bằng được.

Cuối cùng có một ngày rồi cũng tôi được má cho đi theo. Cũng đầy ắp những vật dụng ấy, chiếc xuồng băng băng lướt sóng qua những con sông có rộng, có hẹp đầy dừa nước, lau sậy, tràm, đước...cứ đi mãi, đi mãi. Trong mắt tôi lúc đó má rất oai phong, rất anh hùng!

 Xuồng chạy liên tục 4- 5 tiếng đồng hồ, trời tối, cuối cùng má tấp vào một nơi hoang vu, rừng rậm, nhưng rất nhiều bộ đội.

Và bất ngờ hơn, tôi được gặp anh Hai, anh Ba của mình mà trong lòng thấy mừng mừng tủi tủi. Các anh giải thích là đi theo cách mạng để đáng Mỹ, giải phóng thống nhất đất nước.

Các anh cho biết đây là vùng căn cứ kháng chiến ở xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Bộ đội cũng thân thiện, chăm sóc tôi rất chu đáo, thương yêu tôi như em gái của mình.

Tôi được các anh cho những bọc bánh hình xoắn vị sầu riêng rất lạ, rất ngon (giống bánh snack hiện nay) và được các anh ấy giải thích là chiến lợi phẩm thu được sau những trận đánh với Mỹ.

Tối ấy tôi được chơi, được ngủ với anh Hai, anh Ba thật là vui. Rồi tờ mờ sáng, tôi và má lại bịn rịn chia tay các anh về lại quê nhà.

Một lần, chạng vạng tối má lại lấy xuồng chở đầy ắp những vật dụng như mấy lần trước, cũng máy KOHLE chở tôi đi, bảo rằng đi thăm anh Tư. Lần này đi gần hơn, độ gần 1 giờ là tới. Má ghé vào một nơi hoang vu, chung quanh là dừa nước, lau sậy, ôrô...

Tình cờ hôm ấy là ngày lễ cưới của 2 anh, chị bộ đội, được trang hoàng rất lạ mà lần đầu tôi mới thấy. Trên trời che một cái dù rất to, to ơi là to (dù bằng chiến lợi phẩm thu được từ trái pháo sáng của địch), bên dưới là các hàng dài trải mặt bàn cao su hoa, bánh ngọt và xôi, chung quanh trang trí bằng các khẩu hiệu  "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ", "Tổ quốc là trên hết"... 

Khi lớn lên tôi mới biết đó là đám cưới trong vùng kháng chiến được tổ chức theo đời sống mới, gọi là tuyên hôn, tuyên bố gì đó.

Sợ địch phát hiện nên không tổ chức ban ngày, chỉ tổ chức ban đêm, không nấu nướng và phải che dù hạn chế ánh sáng và khói. Và nơi ấy là khu trù mật ở xã Song Phú, giáp Ngãi Tứ, Tam Bình.

Một ngày cuối tháng 7/1973, tôi thấy má đi ra đi vào, nước mắt rưng rưng, lặng người, buồn buồn cả ngày không làm được chuyện gì cả.

Nhưng tôi còn nhỏ quá cũng không suy nghĩ nhiều, cũng không biết nói gì để chia sẻ cùng má. Cho đến một lần đâu khoảng cuối năm 1974 gì đó, tôi đòi đi thăm anh Hai, anh Ba, má mới cho tôi xem 2 giấy báo tử và nói “Anh Hai, anh Ba con đã hy sinh rồi”! Tôi và má  ôm nhau khóc...

Đất nước hòa bình, tâm nguyện của anh Hai, anh Ba cùng hàng vạn chiến sĩ chiến đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đã hoàn thành...

Ngày độc lập, mừng khi anh Tư trở về nguyên vẹn, nhưng lòng má tôi luôn đau đáu khi chưa tìm được mộ anh Hai, anh Ba để đưa về với má. Mỗi lần nghe câu hát "Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ..." là lòng tôi cứ thắt lại. Câu hát ấy như ám vào chính cuộc đời má tôi. Má tôi cũng ba lần tiễn con ra trận và chỉ có một anh trở về khi đất nước thanh bình!

Tựa theo bài hát "Đất nước" của Phạm Minh Tuấn

THANH THỦY (TPVL)