Ký ức kháng chiến

Ngừng bắn ăn tết

Cập nhật, 21:27, Thứ Sáu, 12/02/2021 (GMT+7)

 

Đặc san xuân năm 1966 của Báo Giải Phóng (tờ báo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, nay là Báo Vĩnh Long).
Đặc san xuân năm 1966 của Báo Giải Phóng (tờ báo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, nay là Báo Vĩnh Long).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, nhất là khi quân Mỹ trực tiếp tham chiến, cuộc chiến trở nên rất dữ dội, thương vong của 2 bên và ở cả dân thường đều tăng lên. Vì thế, những ai đã từng sống trong thời kỳ này đều cảm nhận được sự quý giá của những phút giây đất nước im tiếng súng!

Thỏa thuận “ngừng bắn ăn tết”

Thấu hiểu lòng dân khao khát im tiếng súng- nhất là trong các ngày Tết Nguyên đán cổ truyền, sau ngày Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, những người kháng chiến qua tổ chức Mặt trận đã nêu sáng kiến: lực lượng vũ trang của 2 bên sẽ ngừng bắn trong dịp tết để mọi người dân được yên tâm về đoàn tụ với gia đình.

Sáng kiến này được Mặt trận nêu công khai trên Đài Phát thanh Giải phóng về mục đích, các điều kiện và thời gian ngừng bắn cụ thể của lực lượng vũ trang giải phóng.

Đồng thời cũng kêu gọi phía chính quyền Sài Gòn hưởng ứng và cùng tuân thủ thực hiện đầy đủ các thỏa thuận. Ở một thế khó để cưỡng lại một đề nghị xuất phát từ lòng dân, Quân đội Mỹ và Chính quyền Sài Gòn sau đó buộc phải thực hiện một việc tương tự trên Đài Phát thanh Sài Gòn.

Từ thời gian đó, người dân nói nhiều đến việc ta và địch có thỏa hiệp “ngừng bắn ăn tết”. Nhạc sĩ Huỳnh Anh Kiệt- nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Cửu Long (nay là Vĩnh Long) có một kỷ niệm về việc này: Tháng 7/1962, ông được cử đi học lớp bồi dưỡng cho các nhạc sĩ do R (Trung ương Cục Miền Nam) mở tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre).

Nhạc sĩ Quách Vĩnh Chương là giảng viên của lớp có phổ biến một bản nhạc do ông sáng tác được nhiều người đánh giá kịp thời phục vụ cho một thời điểm chính trị.

Theo trí nhớ của nhạc sĩ Huỳnh Anh Kiệt, lời bản nhạc có tên “Xuân ngừng bắn” ấy như sau: “Tiếng súng im trên toàn miền Nam/ Khắp nơi reo mừng Xuân ngừng bắn/ Chim líu lo vui hòa ca/ Tiếng hát vang của bao em đoàn văn công/ Có chiến đấu mới có được ngày nay/ Rộn ràng ngày tết niềm vui chan hòa/ Tiếng trống múa lân tùng xòa”.

Những năm sau khi Mặt trận Giải phóng ra đời, ĐBSCL đã có 3 vùng được phân chia theo quyền làm chủ của lực lượng kháng chiến: vùng giải phóng do ta làm chủ, vùng tranh chấp giữa ta và địch và vùng tạm thời bị địch kềm kẹp. Do mức độ ác liệt của bom đạn, với nhiều người, việc “ngừng bắn ăn tết” có ý nghĩa nhiều hơn tại các vùng giải phóng và vùng tranh chấp.

Vùng giải phóng “ăn tết ngừng bắn”

Ở các vùng giải phóng thời đó, đảng bộ và các đoàn thể quần chúng địa phương, các gia đình người dân bám trụ-  kể cả ở vùng bị địch “tát dân” mạnh bằng bom đạn, người dân phải bỏ vườn tản ra đồng cất chòi bám trụ để theo kháng chiến- dù khó khăn nhưng đều chuẩn bị đón tết.

Mọi hoạt động có vẻ rộ lên ngay khi ngày ngừng bắn đầu tiên của đôi bên bắt đầu. Ở nhiều nơi, từ nửa khuya khi bắt đầu vào ngày 30 tết, đầu trên đến xóm dưới vang vang tiếng quết bánh phồng nếp, tiếng la eng éc đây đó ở các nhà làm heo chia thịt trong xóm, tiếng ơi ới gọi nhau đi chợ tết…

Bà con cập rập như thế là để tránh bị binh lính địch cướp hết thực phẩm dành ăn tết trong các cuộc càn quét “tất niên” trước đó. Trong các chòi trên đồng hay các ngôi nhà người dân để lại trong vườn cho lực lượng kháng chiến ở đều được dọn sạch sẽ, bàn thờ Tổ quốc và bàn thờ ông bà được bày biện lại…

Trước đó, tranh thủ thời gian không có giặc càn, mọi người đã tranh thủ tu sửa các con đường và vẽ các khẩu hiệu mừng xuân, ưu tiên nhất là làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ. Có một việc quan trọng không kém của đảng bộ xã và các cơ quan ban ngành huyện, tỉnh đóng trên địa bàn là phân công người sẽ thay mặt tổ chức đi chúc tết bà con- nhất là ở các cơ quan làm công tác tuyên truyền và binh vận…

Riêng cơ quan báo chí hàng năm đều có kế hoạch đặc biệt phục vụ tết: bung lực lượng phóng viên đi cơ sở viết tin bài để kịp cộng tác với các chương trình tết của Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Phát thanh Hà Nội. Theo truyền thống, tờ báo Đảng của tỉnh năm nào cũng tăng trang in 2 màu và có thêm hình phản ánh không khí đón tết của nhân dân.

Riêng Tết Mậu Thân 1968, đặc san xuân của báo Đảng tỉnh (Báo Vĩnh Long ngày nay) phải ra số thứ hai mới phản ánh đúng cái không khí hiệp đồng tiến công và nổi dậy của quân và dân trong tỉnh với toàn miền Nam. 

Xóm làng từ sáng 30 tết thật là vui, dưới sông tấp nập ghe xuồng xuôi ngược, trong vườn cây các bãi gài trái nổ theo địa hình ấp chiến đấu được “khóa” lại để các chủ vườn về thăm vườn an toàn. Cán bộ, chiến sĩ giúp bà con thu hoạch hoa trái và củi đốt, có trường hợp còn giúp họ tát mương, khui đìa bắt cá tôm…

Vui nhất là tại các điểm tổng duyệt tiết mục của các đội văn nghệ để chuẩn bị phục vụ đồng bào tràn ngập tiếng cười của các “nghệ sĩ xóm” và bọn con nít… Tết vùng giải phóng ngày ấy gần như không có tiếng pháo, nhưng có một việc mà ai cũng trông chờ là đợi lúc giao thừa, bên khói hương đón ông bà sẽ được nghe giọng nói ấm áp của Bác Hồ chúc tết đồng bào cả nước trên Đài Phát thanh Hà Nội qua chiếc radio nhỏ…

Cái không khí đón “Tết ngừng bắn” ít vui hơn trong giai đoạn địch “bình định cấp tốc” sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968 bởi đồn địch giăng giăng, nhưng rộn ràng trở lại sau những thắng lợi của “mùa hè rực lửa” năm 1972 buộc địch phải ký kết Hiệp định Paris và Mỹ rút quân, đồn bót địch rút chạy hàng loạt…

Có những chuyện rất ấn tượng trong những “tết ngừng bắn” mà nơi xảy ra lẫn nhân vật chính đều được giấu tên vì lý do an toàn cho họ. Đó là những chuyện người của hai bên gặp nhau.

Điển hình như: ở cái thế lực lượng ta- địch “cài răng lược”, tại một xã nào đó có chuyện du kích ta và lính dân vệ trong đồn địch có mối quan hệ họ hàng rất gần gũi, cũng có thể là bạn thân thời nhỏ, trong các ngày “tết ngừng bắn” thông qua người thân, họ chẳng ngại ngùng ngồi chung mâm rượu đoàn tụ mừng xuân trong vùng giải phóng và có cả trong… đồn địch nào đó!

Thường sau các ngày “tết ngừng bắn”, 2 bên tố cáo nhau vi phạm thỏa thuận. Sự thật là có những vụ máy bay Mỹ thảm sát nhiều bà con về ruộng vườn cũ vùng giải phóng trong thời gian này mà chúng không thể chối cãi, như các vụ xảy ra ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình), Mỹ Thuận (Bình Minh) thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Có thể súng đã nổ tại một số nơi nhưng là tiếng súng của du kích trừng trị nhóm quân địch vi phạm ngừng bắn vốn đã được ghi rõ trong thỏa thuận. Có một vụ mà địch luôn lu loa là ta “lật lọng”.

Đó là sự kiện Tết Mậu Thân 1968, quân Giải phóng đồng loạt tiến công 37/44 tỉnh- thành, 5/6 đô thị lớn, 64/242 quận lỵ và hầu hết các ấp chiến lược. Cũng có một sự thật là trước đó phía Mỹ luôn không muốn ngừng bắn và nghi ngờ các hoạt động của ta năm ấy nên đến sát tết, chúng đặt lực lượng mình trong tình trạng báo động.

Và chiều 29/1/1968, quân đội Mỹ và quân chư hầu đơn phương hủy bỏ lệnh ngừng bắn và sau đó (22 giờ ngày 30/1/1968), chính quyền Sài Gòn cũng hủy bỏ lệnh ngưng bắn trên toàn lảnh thổ. Họ chính là bên hủy bỏ lệnh ngừng bắn trước khi đại bộ phận quân ta tiến công!

Trên thực tế, một chiến dịch tiến công địch quy mô rộng lớn như thế phía ta phải chuẩn bị trước một thời gian dài và rõ ràng đó là quá trình của nghệ thuật chiến tranh nhân dân và không thể thiếu thế trận của lòng dân. Đó là sự thống nhất mục tiêu chiến lược, nghi binh, giử bí mật, tạo bất ngờ, nghệ thuật “3 mũi giáp công” (quân sự- chính trị- binh vận) và “3 miền” (nông thôn- miền núi- đô thị).

Đề  nghị “ngừng bắn” luôn do phía ta chủ động trước, thế nhưng trong Đại thắng mùa Xuân 1975 có một lần đối phương đề nghị trước: Lúc 9 giờ 25 phút (giờ Hà Nội) ngày 30/4/1975, trên làn sóng Đài Phát thanh Sài Gòn đã phát đi lời tuyên bố ngừng bắn và chờ bàn giao chính quyền do chính Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc, tuyên bố có đoạn:

“…Tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng…”.

Đúng 80 phút sau đó kể từ lúc Tổng thống Dương Văn Minh ngưng tiếng nói, tức 10 giờ 45 phút chiếc xe tăng đầu tiên của Lữ đoàn 203 Quân Giải phóng đã hất tung cánh cửa của dinh Độc Lập mở ra một thời kỳ mới với triển vọng ngưng tiếng súng lâu dài!(1)

Người viết từng được hưởng cái không khí ấm cúng của những ngày “tết ngừng bắn” cùng bà con trong vùng giải phóng dọc các tuyến sông Mây Tức, sông Ngã Hậu và sông Nhị Long- các vùng giải phóng mạnh của huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) liên hoàn với vùng giải phóng huyện Càng Long (Trà Vinh).

Ở đây, bà con bám trụ ngoài đồng rất đông, được nhiều cơ quan tỉnh và huyện chọn đóng cơ quan. Ban ngày, chúng tôi đón tết với bà con bám trụ hay đón thân nhân ở xa vào thăm. Ban đêm, chúng tôi tập trung lực lượng ra vùng tranh chấp chúc tết bà con. Đây cũng là dịp các người làm công tác binh vận “được mùa”.

Họ có thể bí mật giao việc trực tiếp cho cơ sở hay gặp gỡ vận động người phía bên kia khi họ về ăn tết với gia đình… Ở các gia đình chúng tôi đến chúc tết, bà con rất vui và đều có quà. Quà nhiều nên chúng tôi thường cảm ơn hay chỉ lấy một ít để bà con vui. Ở trong căn cứ những ngày này, chúng tôi cũng đi chúc tết lẫn nhau.

Năm 1972, tôi ấn tượng nhất là đoàn chúc tết của Văn phòng Huyện ủy Vũng Liêm do Bí thư Huyện ủy Ba Trần (Hồ Văn Ân) dẫn đầu. Tháp tùng đoàn có cả một đội lân mà đầu lân là cái rổ phủ khăn rằn choàng tắm và đuôi lân cũng bằng 2 cái khăn kết lại, trống lân là… “Trống miệng” của các người đi kèm, không thấy có ông Địa.

Trưởng đoàn Ba Trần đi đầu, một tay cầm ly một tay cầm chai, không hiểu bên trong chứa nước hay rượu trân trọng khom mình rót rượu xin vào “nhà”, sau đó nói lời chúc năm mới ngắn gọn rất tếu khiến ai cũng bật cười trong tiếng “trống” lân rộn ràng và ông lân nhảy múa không cần bài bản.

Lúc ấy trông ông không còn vẻ gì là một “tư lệnh” mà mấy ngày trước thôi đã xông xáo chạy dọc bờ chiến đấu của ấp Trung Hòa 1 (xã Trung Hiếu cũ) đốc thúc nhóm cán bộ trẻ chúng tôi xuất kích cùng anh em địa phương quân huyện đang hò hét nổ súng rượt tụi lính bảo an Vũng Liêm đi càn chạy cuốn vó ra đồng Gò Găng.

Khi chúng tôi nhắc ông là chúng tôi làm gì có súng, ông nạt: “Cứ rượt, thấy đông nó chạy!”. Vậy là tay không chúng tôi bung ra đồng vừa chạy vừa hét hết cỡ: “xuất kích!”…

HỒNG VÂN

  1. Theo “Biên bản chiến tranh 1- 2- 3- 4- 75 của tác giả Trần Mai Hạnh, trang 388- 389 do Nhà xuất bản Sự thật phát hành.