Rùa biển

Cập nhật, 13:31, Chủ Nhật, 04/10/2020 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Những cồn cát màu da bánh mật thoai thoải trong chiều muộn như những cô gái đồng trinh nằm nghiêng nghiêng mặc cho sóng mơn man lời ru êm đềm của biển hiện ra trước mắt Nhung. Cô sinh ra và lớn lên ở xóm vạn chài mùa đông buồn lê thê.

Khi trời ủ dột, gió bấc về rét buốt, những người đàn ông men theo bãi bờ tìm bắt cù ki (rùa biển). Những nàng rùa biển đáng thương từ trùng dương thăm thẳm mải miết bơi vào đất liền kiếm nơi an toàn để đẻ, ngờ đâu giao trứng cho ác.

Người ta lật ngửa những con rùa biển nằm vảnh chân lên trời bất lực, chờ xẻ thịt đem bán, rồi háo hức xăm cát tìm ổ trứng trắng phau, tròn trĩnh như những trái bóng bàn do rùa biển đẻ ra đem luộc, no lòng. Sau khi “vượt cạn”, rùa đào nhiều hầm giả, duy nhất một hầm có trứng để ngụy trang bảo vệ “cốt nhục”, mong có một ngày những đứa con thơ dại sẽ trở về với mẹ, với đại dương bao la. Vậy mà sự tinh khôn của những cô rùa đáng thương không thoát khỏi bàn tay con người.

Ngày ấy, Nhung và Dũng rất yêu quý những chú rùa con xinh xắn may mắn thoát chết từ trong trứng nước, bò lổm ngổm ra mé sóng để về với mẹ ngàn khơi.

Cô cậu vuốt ve chúng với lời nhắn gởi như với người: “Rùa con ơi! Hãy về với mẹ đang đợi ngoài kia. Ngày sau lớn lên đừng bao giờ vào đây nữa nhé! Nơi này người ta đang săn tìm rùa biển đấy!”

Và hơn một lần đôi bạn trẻ đi dọc bờ biển, tìm những con ốc xinh xinh, chợt phát hiện cô rùa biển cực lớn đang nằm chổng vó. Có lẽ nó lên bờ để đẻ không may gặp nạn.

Nhung và Dũng cùng gắng sức lật con rùa để giải thoát cho nó, nhưng không tài nào lật nổi. Đột nhiên Dũng reo lên: “Tớ có cách rồi!” Nhung còn đang ngơ ngác, Dũng đã dùng tay moi cát lia lịa, cô bé chợt hiểu ra, mừng quýnh: “Hay quá chừng luôn!”

Cô cậu chụm đầu moi cát sát vào mu rùa một hồi thành cái hầm. Con rùa biển ngã úp trở lại, quạt quạt bốn chân, trườn lên, hướng về mép nước tiến thẳng ra biển.

Đợi cho con rùa bơi khuất dạng, đôi bạn mới bắt đầu lo sợ người lật rùa trở lại bắt đền, co giò sải chạy. Chắc là người nào đó một mình không kham nổi con rùa nặng trên năm mươi ký nên quay về nhà gọi người đến xẻ thịt.

Sau này đi học xa nhà, những bức thư Dũng gởi cho Nhung đều bắt đầu bằng câu chữ tràn ngập yêu thương: “Rùa bé nhỏ, em yêu của anh! Rùa con yêu dấu!

Rùa ngọc ngà nhung nhớ!” Họ yêu sinh vật biển, yêu biển bằng tình yêu da diết. Tình yêu ấy khiến cả hai lớn lên đều theo ngành hải dương học. Họ thề non hẹn biển, vậy mà lần nào Nhung cũng về quê một mình, tha thẩn với biển chiều ăm ắp kỷ niệm đẹp mơ màng.

Cô đi tìm hình bóng của ngày xa với những điều ước trong trẻo của tuổi mới lớn. Biển vẫn thế, vẫn ngọt ngào như thế. Vậy mà Nhung không ngờ lời dặn dò ngây ngô ngày nào với rùa biển giờ đã trở thành sự thật.

Má nói những năm qua không hề có rùa biển vào bãi bờ sinh sôi như ngày trước. Chuyện Thần Kim Quy hiện lên cảnh tỉnh An Dương Vương “giặc ở sau lưng” từng được Dũng và Nhung liên tưởng khi đặt những chú rùa biển ngo ngoe trên tay vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Những con hải sâm vùng biển của Nhung ngày xưa nhiều vô kể, giờ đã trở nên hiếm hoi, thật đáng buồn.

Một ngư phủ tóc bạc trắng như cước đi dọc theo con sóng nhặt nhạnh những chiếc phao đủ hình thù, màu sắc trôi dạt từ ngoài khơi. Ông ngước nhìn Nhung như nhìn vật thể lạ.

Nhung nhìn lại ông, cười mỉm, tự nhủ thầm, một cô gái lang thang trong hoàng hôn nhập nhoạng ở nơi thanh vắng không là thất tình cũng là lập dị, lãng đãng.

Ngày xưa, Nhung và Dũng háo hức tìm những vỏ ốc đẹp như ngọc ngà về xỏ thành xâu treo trên cửa sổ để ngắm nhìn thỏa thích. Còn lão ngư này rất có thể tìm những chiếc phao về bán cho các chị mua đồng nát, hoặc cho con cháu vá lại những đồi lưới bị sóng đánh sút cước cột phao.

Có lẽ nhìn gương mặt Nhung không có gì biểu hiện là kẻ bất bình thường nên ông lão lẳng lặng bước đi trong ánh chiều vàng suộm hắt xuống mặt sóng thành những túi bông dựng lên rồi vỡ tan trong tích tắc.

Nhung nằm nhoài xuống cát, nghiêng người, một tay chống cằm nhìn những con dã tràng màu trắng xám giương mắt tí xíu lên cảnh giác với loài người hiếu động. Chúng chân yếu tay mềm, song chạy nhanh như gió mỗi khi có người rượt đuổi.

Chúng chạy dài theo tuổi thơ của Nhung, trở thành nỗi nhớ cồn cào trong những ngày đông nơi ký túc xá thời sinh viên.

Ngày đông, ba má, anh chị ngồi bên bếp lửa. Mọi người đưa hai bàn tay về phía trước; nơi có ngọn lửa ấm nồng. Nhung cũng đưa hai bàn tay bé xíu, nhìn người thân hoan hỉ.

Má túm lấy hai bàn tay Nhung áp vào má, ôm Nhung vào lòng thơm lên mái tóc sợi mỏng mảnh, vàng ươm của ngày hè rơi rớt lại. Cái không khí gia đình ấy cứ nao nao mỗi độ đông về.

Rồi những ngày lễ hội hát lăng cầu ngư, một đoàn người áo mão xênh xang với cờ gióng, trống rung, trẻ con trong làng lon ton chạy theo sau, xấn xải ra biển “nghinh ông” về lăng để hát bội cầu ngư, cầu cho ngư phủ cá bạc đầy khoang, cầu cho mọi người yên bình trước sóng to, gió lớn.

Biển chuyển dần sang màu xanh thẫm. Xa xa những con thuyền trôi dật dờ như những gã say rượu bước đi vô định. Ở tận chân trời có những dãy núi bông trắng xóa. Những tiếng sột soạt đánh thức hoài niệm biển. Má đến nhẹ nhàng như một bà tiên trong truyện cổ tích.

Bà tiên sung sướng trên thiên đình, còn má Nhung ở trần gian một đời tảo tần buôn bán nuôi được tú tài, kỹ sư: “Má biết thế nào cô kỹ sư biển của má cũng tìm đến nơi này để thả hồn mông lung. Về thôi con gái, cả nhà đang đợi cơm”.

Nàng cười cười, gỡ tóc rối, nhõng nhẽo: “Má làm mất tiêu tơ tưởng đẹp của con với biển. Con muốn ngồi thêm chút nữa. Ngày mai xa rồi tìm thấy biển đâu”. Người đàn bà nhìn con, cười bằng mắt, định nói một câu. Điện thoại chợt réo: “Em ơi! Mai anh về thăm quê. Em có về không?”.

Người con gái bật dậy làm cát văng tung tóe: “Em đang ngồi trước biển, anh Dũng ơi!” Bên kia đầu dây thảng thốt: “Em nói thật không? Em đang ngồi với ai? Nói anh nghe xem nào!” Tiếng cười của cô gái nghe nghèn nghẹn: “Thật mà! Em đang ngồi với má ngoài cồn cát, nơi chúng mình…

Anh về đi! Em đợi anh!” Giọng cười của người đối thoại nghe giòn giã: “Đợi trọn kiếp được không hở rùa con của anh?”

Cô gái hạ giọng: “Ừa, người ta đợi chờ trọn kiếp được chưa? Biển đẹp lắm anh ơi! Về đi!” Nhung đứng lên âu yếm cầm tay má dắt đi, lòng ngập tràn hạnh phúc. Cô vừa đi, vừa hát vang vang một tình khúc của Trịnh: “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về…”.

 TRẦN QUỐC CƯỠNG (Phú Yên)

Các tin khác: