Chuyện làng văn nghệ

Nguyễn Khắc Phê với con số 9

Cập nhật, 05:07, Thứ Bảy, 23/05/2020 (GMT+7)

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê có một bài viết thú vị vào năm 2009 nói về Những “nút” số 9 của đời tôi. Nếu tạm để ra ngoài những “nút” số 9 chỉ có ý nghĩa đánh dấu mốc tại thời điểm năm 2009, thì vẫn thấy con số 9 thật là kỳ lạ đối với cuộc đời ông.

Thế này nhé, thân mẫu ông sinh được 9 người con. Nguyễn Khắc Phê sinh năm 1939, vợ ông sinh năm 1949. Ông tốt nghiệp Trường giao thông vào tháng 3/1959, trùng với thời điểm Đoàn 559 ra đời- tiền thân của Binh đoàn Trường Sơn sau này- khai sinh “đường mòn Hồ Chí Minh”.

Ông không là lính 559, nhưng lại sát cánh với đội quân giữ đường Trường Sơn, tại cung đường lên đèo Mụ Dạ. Bài báo đầu tiên được đăng trên báo Văn học lại chính là bài viết về mấy người bạn cùng lớp sung vào Đoàn 559.

Những chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 759 anh hùng là bạn thân thiết với ông, về sau đã trở thành những nhân vật chính trong cuốn sách của nhà văn, đó là “Vì sự sống con đường” và bộ tiểu thuyết nghìn trang “Đường giáp mặt trận”, “Chỗ đứng người kỹ sư”.

Thêm nữa: 3 lần đi ô tô bị đổ. 5 phen hứng khói bom Mỹ sặc sụa và một “keo” để thuyền độc mộc xuôi thác Tam Lu bị chìm (do đi thăm vợ dạy học ở Trường Sơn), tổng cộng là 9 lần suýt chết.

Trước khi được chuyển sang làm văn nghệ, trong 15 năm ở ngành giao thông, nhà văn đã chuyển qua 9 địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Hà Đông, Nghệ An, Quảng Bình, v.v...

Nhờ có cuốn sách đầu tay, Nguyễn Khắc Phê được mời ra học Trường bồi dưỡng viết văn trẻ khóa 3 và đã tốt nghiệp năm 1969 sau 9 tháng theo học.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã làm việc ở Tạp chí Sông Hương 9 năm (1983- 1991), làm Tổng Biên tập 9 tháng. Được kết nạp Đảng sau 19 năm bền bỉ giữ danh hiệu “đối tượng”, “cảm tình”. Lễ kết nạp vào một ngày tháng 9. Hẳn là năm 2019, nhà văn làm lễ kỷ niệm về con số 9.

PHAN THƯ SOAN- biên soạn

Các tin khác: