Siết chặt quản lý tiền công đức để bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Cập nhật, 21:48, Chủ Nhật, 19/04/2020 (GMT+7)

 

Thời gian tới, sẽ có hướng dẫn cụ thể quản lý thu, chi tiền công đức, dâng cúng cho lễ hội và di tích. Trong ảnh: Nghi thức lễ cúng tại đình Tân Giai (Phường 3- TP Vĩnh Long).
Thời gian tới, sẽ có hướng dẫn cụ thể quản lý thu, chi tiền công đức, dâng cúng cho lễ hội và di tích. Trong ảnh: Nghi thức lễ cúng tại đình Tân Giai (Phường 3- TP Vĩnh Long).

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thu- chi tiền công đức, dâng cúng cho lễ hội và di tích. Những vấn đề được xem là khó và nhạy cảm, đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến trước khi chính thức áp dụng. Tại Vĩnh Long, công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích được quan tâm, trong đó có việc thu- chi tiền công đức và chính sách xã hội hóa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Sẽ hướng dẫn cụ thể quản lý thu- chi tiền công đức

Sau hơn 1 năm Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thu- chi tiền công đức.

Theo dự thảo thông tư, đối với các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ bằng tiền (gọi chung là công đức- PV), Bộ Tài chính đề nghị các tổ chức, cá nhân công đức trực tiếp hoặc chuyển khoản. Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích phải mở tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận khoản công đức được chuyển khoản và phải ghi chép đầy đủ, chính xác toàn bộ số tiền được công đức.

Riêng với các khoản công đức bằng hiện vật như kim cương, đá quý, kim loại quý hoặc hiện vật có giá trị khác, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích phải bán cho ngân hàng thương mại hoặc tổ chức bán đấu giá. Số tiền thu được sẽ được ghi nhận như đối với khoản công đức bằng tiền.

Ngoài ra, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích có thể tiếp nhận tài trợ các hiện vật khác như công trình xây dựng cơ bản, thiết bị, máy móc; đất đai… hay các khoản phi vật chất như ngày công lao động đều phải ghi vào sổ công đức.

Còn về việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội, Bộ Tài chính cũng nêu rõ đơn vị tổ chức theo nguyên tắc tiền công đức là tự nguyện, công khai, minh bạch khoản các công đức và không được tiếp nhận khoản công đức có mục tiêu… Khi gửi hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội, đơn vị tổ chức lễ hội phải gửi kèm cả phương án thu chi tài chính đến các cơ quan quản lý nhà nước để được xem xét, chấp thuận theo quy định.

Một điểm đáng chú ý trong thông tư là trước đây một số ý kiến nêu ra cần quy định về số hòm công đức tối đa được phép đặt ở một di tích, nhưng dự thảo thông tư này chỉ quy định tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích có trách nhiệm bố trí đặt hòm công đức hợp lý trong các di tích, thuận tiện cho việc công đức mà không quy định số lượng giới hạn cụ thể.

Quản lý chặt chẽ để giữ gìn, phát huy giá trị của di tích

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, các di tích lịch sử, văn hóa trong tỉnh, kể cả di tích đã được xếp hạng thì lâu nay đều theo cơ chế tự quản tiền công đức trên cơ sở cộng đồng quản lý, công khai, minh bạch. Những người được chọn trong ban quản lý phải là những người uy tín, trách nhiệm để quyết định thu chi tiền công đức bởi từ đó mới tạo lòng tin với người dân, khách tham quan muốn thể hiện tấm lòng, đóng góp tiền nhang khói, tôn tạo di tích.

Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) được đánh giá là một trong những nơi thực hiện tốt công tác quản lý thu- chi tiền công đức. Trên bức tường ở di tích luôn treo một tấm bảng ghi chi tiết số tiền thu- chi, tiền tổ chức lễ hội, các hoạt động từ thiện, ủng hộ quỹ vì người nghèo, tặng học bổng cho trẻ em nghèo…

Lễ hội Lăng Ông diễn ra vào đầu năm 2020, chỉ từ 29 đến hết mùng 4 tết, nơi đây đón trên 12.000 lượt khách về dự. Ông Từ Hoàng Đương- Phó Ban Quản lý di tích- cho biết: “Trong 5 năm, từ 2014- 2018, bà con đóng góp công đức gần 1 tỷ đồng để tổ chức lễ giỗ, hợp đồng đoàn hát tuồng, các đội nhạc dân tộc, mua sắm bàn ghế, sơn phết kiến trúc, sửa hệ thống điện, mua sắm trang trí đồ thờ tự,…

Những hiện vật được kiểm kê chi tiết và bảo quản, tiền công đức được công khai minh bạch. Vào 6 tháng và 1 năm, chúng tôi có sơ, tổng kết báo cáo tình hình cho các thành viên và ban ngành liên quan”.

Đình Tân Giai (Phường 3- TP Vĩnh Long) là ngôi đình cổ xưa nhất trong tỉnh. Ông Nguyễn Kim Phát- Trưởng Ban quản lý đình- cho biết: “Trải qua hàng trăm năm, ngôi đình cùng đi qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử đất nước. Tất cả các thế hệ người Vĩnh Long đều cố gắng để giữ gìn ngôi đình, đó là giá trị tinh thần, giá trị lịch sử và tâm linh. Chúng tôi luôn đảm bảo minh bạch thu- chi. Trong mấy năm vừa qua, từ nguồn tiền xã hội hóa đã xây dựng được nhà khói và dựng hàng rào bảo vệ tài sản ở đình. Chúng tôi tạo mối quan hệ tốt với người dân để cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh quanh khu vực ngôi đình tọa lạc”.

Toàn tỉnh hiện có gần 700 di tích, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh. Giám sát công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử trên địa bàn vào cuối năm 2019, ông Lưu Thành Công- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- nhấn mạnh cần quan tâm chính sách về xã hội hóa, thông qua đó, nâng cao vai trò quản lý, định hướng của Nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.

Và khi thông tư của Bộ Tài chính được ban hành chính thức, khi chính quyền quyết liệt trong quản lý với những cơ chế và quy định pháp luật rõ ràng, thì việc quản lý thu- chi tiền công đức, dâng cúng cho lễ hội và di tích sẽ minh bạch, dễ dàng hơn, đồng thời góp phần ngăn chặn các vấn đề phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh, đặc biệt là vấn đề sử dụng tiền công đức.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh- cho biết: “Các di tích do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh quản lý như các khu lưu niệm danh nhân trong tỉnh chưa đặt hòm công đức. Chúng tôi đã có ý kiến trình bày với Tỉnh ủy, tham khảo cách làm của tỉnh Bến Tre, Long An… để trong tương lai, nếu đặt hòm công đức thì làm sao thật hài hòa, quản lý chặt chẽ, bài bản, đúng pháp luật và được sự đồng thuận của cộng đồng. Xu thế lâu dài là cần có nguồn đóng góp của xã hội để cùng Nhà nước quản lý hiệu quả, bảo tồn, phát huy giá trị di tích”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Các tin khác: