Bảo tàng Hà Nội "kể chuyện" văn hóa nghìn năm đất Thăng Long

Cập nhật, 14:08, Thứ Hai, 25/03/2019 (GMT+7)

Bảo tàng Hà Nội sẽ “kể” câu chuyện về Thăng Long-Hà Nội trong suốt chiều dài hơn 1.000 năm lịch sử, từ thủa hình thành đất Thăng Long đến giai đoạn hiện nay, thông qua ba không gian trưng bày.

Khách tham quan tìm hiểu các tài liệu, hiện vật tại lễ tiếp nhận của Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Khách tham quan tìm hiểu các tài liệu, hiện vật tại lễ tiếp nhận của Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Sau 9 năm hoàn thành phần “vỏ,” sắp tới, người dân và du khách sẽ có một địa chỉ mới để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội suốt chiều dài lịch sử hơn 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội khi Bảo tàng Hà Nội hoàn thành nội dung trưng bày chính thức.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết so với các bảo tàng trên địa bàn Thủ đô, Bảo tàng Hà Nội ra đời muộn hơn, vì vậy cần có những đổi mới và đặc thù riêng để thu hút công chúng.

Dấu ấn của Thăng Long-Hà Nội

Cuối tháng Hai vừa qua, thành phố Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Đây là tín hiệu vui cho ngành văn hóa và người dân Hà Nội sau nhiều năm chờ đợi với không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình đi tìm phần “hồn” cho Bảo tàng Hà Nội.

Bảo tàng Hà Nội sẽ “kể” câu chuyện về Thăng Long-Hà Nội trong suốt chiều dài hơn 1.000 năm lịch sử, từ thủa hình thành đất Thăng Long đến giai đoạn hiện nay, thông qua ba không gian trưng bày (tầng 2, 3, 4) gồm 7 chủ đề.

Nội dung được nhiều người quan tâm là chủ đề Hành trình đến Thăng Long và Thăng Long thời Đại Việt khi chuyển tải quá trình hình thành, phát triển đất Thăng Long, diện mạo kiến trúc, đời sống kinh tế -xã hội của kinh đô thời đó, cũng như quá gìn giữ, xây dựng và phát triển của đất Thăng Long.

Bên cạnh đó, chủ đề giới thiệu về Hà Nội thời cận đại với những thay đổi của đô thị, thay đổi lối sống và hình thức sản xuất sẽ là nơi tạo ấn tượng với khách tham quan. Lịch sử hào hùng của Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ kết hợp hiện vật và công nghệ sẽ đem lại trải nghiệm thú vị và là dấu ấn trong trưng bày của Bảo tàng Hà Nội.

Có thể thấy, dấu ấn văn hóa Thăng Long-Hà Nội thấm đẫm trong các nội dung trưng bày của Bảo tàng Hà Nội, dù mỗi không gian đều chuyển tải những chủ đề khác nhau.

Đề cương và kịch bản trưng bày tại Bảo tàng được các chuyên gia Pháp tư vấn, xây dựng, sau đó được điều chỉnh để phù hợp với lịch sử, văn hóa Hà Nội cũng như khả năng trưng bày của Bảo tàng.

Trong quá trình trưng bày, Bảo tàng Hà Nội không dùng hiện vật tái tạo, hiện vật phục chế, có chăng chỉ là không gian tái tạo để đưa đến gần nhất cảm xúc của người xem.

Bên cạnh các hiện vật gốc, trưng bày còn sử dụng các giải pháp công nghệ, các tư liệu bổ trợ, màn hình tra cứu, màn hình trình chiếu lớn sẽ được đưa vào trong trưng bày.

Nhìn chung, hình thức trưng bày của Bảo tàng Hà Nội đảm bảo tính đổi mới, cung cấp nhiều thông tin câu chuyện đến với khách tham quan.

Bên cạnh đó, bảo tàng còn có các khu trải nghiệm phục vụ khách tham quan theo nhiều nội dung khác nhau, ứng dụng công nghệ hiện đại, hấp dẫn.

Hoàn thành vào cuối năm 2020

Tổng diện tích trưng bày trong nhà Bảo tàng rộng gần 9.000m2, vì vậy để hoàn chỉnh nội dung trưng bày sẽ là một khối lượng công việc tương đối lớn. Hiện nay, Bảo tàng đang khẩn trương thực hiện thiết kế chi tiết và chuẩn bị nội dung cho thiết kế chi tiết.

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, cho biết theo tiến độ, đến cuối năm 2019, Bảo tàng Hà Nội sẽ hoàn thiện nội dung để phục vụ thiết kế chi tiết và đến quý 1/2020, sẽ hoàn thiện thiết kế chi tiết, bắt đầu triển khai thi công trưng bày.

Bộ dụng cụ khảm trai do ông Dương Văn Sinh, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội hiến tặng. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Bộ dụng cụ khảm trai do ông Dương Văn Sinh, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội hiến tặng. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Để đảm bảo tiến độ, Bảo tàng thực hiện theo hình thức vừa thiết kế và vừa thi công trưng bày, dự kiến thời gian hoàn thành vào quý 4/2020.

Theo thiết kế tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng, tổng số hiện vật sẽ đưa ra trưng bày là 3.349 hiện vật. Tuy vậy, hiện vật đã có trong kho bảo tàng là 2.237 hiện vật.

Với 1.112 hiện vật cần bổ sung, trong những năm qua, Bảo tàng Hà Nội đã phát động nhiều đợt hiến tặng hiện vật trong nhân dân, kết hợp đi sưu tầm bổ sung. Các đợt phát động đã nhận được sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức.

Cuối năm vừa qua, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật hiến tặng với 1.181 hiện vật, tư liệu hình ảnh từ các tổ chức, cá nhân hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội, kịp thời phục vụ cho công tác thiết kế trưng bày.

Bên cạnh đó, Bảo tàng đã sưu tầm, khai thác bản quyền từ các cơ quan lưu trữ trong nước, các tổ chức, cá nhân với tổng số 3.771 tư liệu để phục vụ công tác trưng bày.

Để đa dạng hóa công tác trưng bày, Bảo tàng Hà Nội sẽ trưng bày nội dung với nhiều loại hình: hiện vật, tư liệu, bản đồ, phim, mô hình...

Đối với mỗi loại hình trưng bày với khối lượng lớn, đa ngành, cần sự tham gia của nhiều ngành, nhiều nhà khoa học khác nhau nên cần nhiều thời gian để nghiên cứu và xây dựng nội dung.

Hiện Bảo tàng đã xây dựng 307 bài giới thiệu trưng bày, 94 phim tư liệu, 14 màn hình tương tác của các chủ đề để truyền tải thêm thông tin trưng bày đến công chúng. Cùng với đó là hệ thống sơ đồ, bản đồ, phòng trải nghiệm cho khách tham quan, không gian tái tạo, sắp đặt, mô hình trưng bày.

Thời gian từ nay đến cuối năm 2020 không còn quá xa, công tác thiết kế, triển khai thi công vừa thực hiện khẩn trương nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, thận trọng để mang lại một nội dung trọn vẹn, hấp dẫn cho Bảo tàng Hà Nội, phục vụ công chúng một cách tốt nhất.

Bảo tàng Hà Nội đang được kỳ vọng sẽ trở thành địa chỉ thu hút khách tham quan, không chỉ ở kiến trúc độc đáo mà còn ở sự hấp dẫn trong nội dung trưng bày./.

Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+