Truyện ngắn

Bí mật của bạn rượu

Cập nhật, 11:51, Chủ Nhật, 31/12/2017 (GMT+7)

Thông thường người ta hay nói “Trà tam rượu tứ” nhưng có vẻ không đúng lắm với nhóm bạn rượu ba người là Hai Ly, Tư Thới và Sáu Ti, bởi họ hẹn nhau đi uống rượu đầy đủ nhất thường chỉ có ba người, nhưng hai người cũng vui, thậm chí một người cũng uống đến say mèm…

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Ở cái xóm rẫy này ai mà không biết nhóm bạn rượu ba người có tuổi ngót nghét trên dưới 40 này. Người nổi nhất là Hai Ly được coi là trưởng nhóm có biệt danh là “Hai Trút Ly”.

Tên của y thoạt nghe tưởng rất…văn nghệ sĩ- Trúc Ly- nhưng thật ra có được là từ cái tật uống rượu của y, đã cầm ly rượu thì ngửa mặt uống một lần cạn đáy với cái lý uống lắt nhắt thì làm “nát” rượu, uống xong còn “trút ly” xuống mặt đất- để cho thấy rượu không còn một giọt…

Hai Ly là “thợ vịn” cho các trại ghe ở xóm đáy sát bên xóm rẫy. Tên nghề nghe có vẻ hơi tếu nhưng nói được công việc của y là khi các trại ghe làm xong phần khung ghe đến khi lắp các tấm ván vào các thanh cong thì cần người vịn và sai vặt giúp cho thợ chính đóng đinh. Nhờ có việc làm ổn định nên Hai Ly nhiều lần bỏ tiền túi bao các khoản rượu cho cả nhóm.

Có lẽ vì vậy mà y nói gì thì được hai người kia nghe theo, bởi họ vốn là các “thợ đụng”- đụng chuyện gì, ai mướn cũng làm- có thu nhập hàng ngày khá eo xèo lại còn “bữa đực bữa cái”.

Nói về gia cảnh, Hai Ly không con cái, vợ chết đã lâu nhưng chưa người đàn bà nào ở đây dám nhảy vào do ngán cái tật nát rượu của y.

Còn Tư Thới và Sáu Ti thì có vẻ khá hơn, có vợ có con nhưng do mê rượu nên nhà nghèo rớt mồng tơi. Cùng cảnh ngộ và cùng sở thích, họ dễ dàng đến với nhau bên bàn nhậu để lai rai chuyện đời…

Mấy ngày qua, xóm đáy tất bật vì các trại ghe trúng mấy cái hợp đồng đóng mới ghe tàu nên chiều chiều người ta không thấy thợ vịn Hai Ly ở quán nhậu bình dân của bà Tư- điểm hẹn của nhóm bạn nhậu ba người.

Thế nhưng Tư Thới và Sáu Ti thì hình như đến sớm hơn mà nhậu mồi màng cũng khá sung. Theo lời bà Năm chủ quán, họ tiết lộ với bà là vừa trúng mánh trong việc dời ngôi mộ của chồng một bà chủ ghe cào ở đầu xã với giá hời.

Quán nhậu của bà Năm có vị trí đắc địa, ở giáp ranh xóm rẫy và xóm đáy lại có trục giao thông liên xã đi qua trước cửa, từ lâu quán được nhiều người coi như một trạm “phát thanh làng”.

Khách của bà khá đông và đủ các ngành nghề mà khi đến quán thì “rượu vào lời ra” nên không ít thông tin đủ loại xuất phát ở đây, từ các chủ trương mới của các cấp chánh quyền đến các vụ… đánh ghen hay xe đụng.

Có điều ai cũng biết là có nghe cũng đừng quá tin vì lúc đó là… rượu nói! Nhưng cái chuyện mà Sáu Ti khi quắc cần câu lè nhè trách Tư Thới mà bà Năm mới nghe được thì bà ta tin một trăm phần trăm.

Đó là cái chuyện bọn họ trúng mánh giá cả khi bốc mộ chồng của bà chủ ghe cào tưởng đâu quá đã, không dè thằng cha Tư Thới bầy hầy bộp chộp gây ra chuyện khó làm bây giờ uống rượu thấy…đắng nghét!

Bằng kinh nghiệm của người có nhiều năm mở quán nhậu chỉ với cách gợi chuyện vừa ngọt vừa xốc được hỗ trợ bởi một dĩa phao câu vịt đầy vun cùng một xị rượu thuốc khuyến mãi lúc hai người đã gần xỉn, bà Năm đã biết được cái chuyện “đắng nghét” của Sáu Ti kèm theo lời lè nhè giao ước của y “đây là chuyện bí mật của tụi tui, bà nghe rồi không được nói với bất cứ ai…”.

Theo bà Năm, chuyện bí mật đó đúng là chuyện “động trời”: Lúc chuẩn bị ra bốc mộ cho chồng thì bất ngờ bà chủ ghe cào lên tăng xông. Cả nhà họ quýnh quáng đưa bà ra trạm xá, sau đó chuyển thẳng bà lên bệnh viện huyện.

Do gia đình họ đơn chiếc nên tạm giao chuyện bốc mộ cho Sáu Ti và Tư Thới thực hiện vì đã xem được ngày giờ tốt đâu thể lùi lại.

Chính vì công việc bốc mộ không có mặt gia chủ nên họ đã để xảy ra một nhầm lẫn, đã thế Tư Thới còn bày ra cái việc ăn chặn tiền cái khoản tắm hài cốt người đã khuất bằng nước ngũ vị hương nữa chứ.

Ở gò mả này, mấy tấm bia trước mộ thì cái còn cái mất do trâu bò vào ăn cỏ giẫm đạp. Cho nên, việc nhầm lẫn khi bốc mộ đó có một phần bắt nguồn từ tính bộp chộp của Tư Thới khi xác định vị trí của ngôi mộ, nhưng phần lớn có lẽ là do để “lên gân” trước khi bắt đầu một việc mà trước nay họ chưa từng làm thì mỗi người đã nốc khan mấy ly rượu nên cả hai đều lần xần.

Gia chủ nói rõ ngôi mộ đó là “ngôi mộ thứ năm ở ngoài cùng của gò mả phía bên cánh đồng và tính từ bụi trâm bầu 4 cây”.

Bụi trâm bầu 4 cây rất to ở đầu gò mả được định danh là tên của cả gò mả thì không thể lầm, chết nỗi là từ đó đến ngôi mộ phải bốc có một cái mả lạn nhỏ có thể là mả của con nít nên gia chủ không tính đến.

Do khi đi xác định vị trí, Tư Thới đã không lưu ý cho Sáu Ti nên mới xảy ra cớ sự, vì lẽ ra nếu tính cả cái mả lạn nhỏ như Tư Thới đã đếm thì họ phải bốc ngôi mộ thứ sáu từ bụi trâm bầu mới đúng.

Chính vì vậy khi mở nắp áo quan ra, cả hai mới ngã ngửa khi phát hiện tóc người chết không phải là tóc đàn ông vì nó nhiều và quá dài.

Nếu đến đó họ dừng lại để tìm cách khắc phục thì đỡ rồi. Đằng này cũng chính Tư Thới khi có rượu vào đã bàn ẩu là đã lầm thì “lỡ” luôn vì chỉ có “trời biết, đất biết và hai người họ biết thôi”.

Bây giờ, mọi việc coi như xong xuôi, hài cốt người chết đã giao cho gia đình và tiền công cũng đã nhận nhưng sao ngồi nhậu mà Sáu Ti cứ thấy lo lo chứ không nhơn nhơn như Tư Thới…

Người cũng có cái lo như Sáu Ti là bà Năm. Bà biết nhóm bạn rượu ba người này tuy có tật là mê rượu nhưng họ vốn thật thà trước nay chưa làm việc gì bậy ngoài cái chuyện bà vừa biết.

Bà cũng biết bà chủ ghe cào ở cùng xã là người lâu nay giải quyết mọi việc rất sòng phẳng nên chuyện này mà lộ ra thì chắc chắn Sáu Ti và Tư Thới không được yên thân…

Biết Hai Ly có uy tín với hai người kia, đợi lúc y đến quán một mình, bà Năm lựa lời kể lại việc này. Vừa nghe xong, Hai Ly nhảy dựng lên: “Trời đất, chỗ đó hổng chừng là mả của vợ tôi!” rồi y tức tốc chạy ra gò mả…

Chiều hôm sau, nhóm ba người hẹn gặp nhau ở quán bà Năm. Lần đầu tiên họ gặp nhau mà không có rượu nhưng có đủ bốn người, người thứ tư là bà Năm chủ quán.

Là người lớn tuổi nhất, bà Năm mở đầu bằng chuyện xác định đây là chuyện nghiêm trọng vì đụng đến mồ mả chứ không đơn giản như Tư Thới và Sáu Ti nghĩ, phải giải quyết ngay.

Nếu để chậm, bà chủ ghe cào xây mả đá cho chồng xong mà chuyện đổ bể ra thì càng gay…Tư Thới và Sáu Ti biết lỗi ngồi nín khe, hết gãi đầu đến gãi tai.

Chừng nghe Hai Ly báo ngôi mộ mà họ bốc nhầm chính là ngôi mộ của vợ mình thì bụm miệng trợn trắng mắt kêu trời. Một lát sau, Sáu Ti là người lên tiếng trước, giọng ngắt quãng như ngạt nước:

- Anh Hai đừng… chấp nhất. Anh… tính dùm… tất cả tại tụi em ngu…

Hai Ly trầm ngâm chưa nói gì thì bà Năm đỡ lời :

- Chuyện lỡ thì đã lỡ rồi, là bè bạn lâu nay thằng Hai bỏ chín làm mười cho hai thằng em nó nhờ. Tao tính vầy, tao cho bây mâm rượu và trà bánh để mang qua nhà bà chủ ghe cào chịu lỗi và xin lại hài cốt vợ thằng Hai để đưa về chỗ cũ. Mộ chồng bà ấy, bây chưa đụng tới chắc bả không làm khó…

Nhậu thì giỏi nhưng cả ba người bàn tới tính lui mãi cũng chẳng có cách nào hay hơn, đành làm theo lời bà Năm.

May mắn là bà chủ ghe cào đang vui vì vừa qua một cơn bạo bệnh mới từ bệnh viện về nhà, họ lại được bà Năm tình nguyện đi theo có lời nhẹ nhàng phân tích, nên bả chỉ lớn tiếng mắng họ một trận rồi mau mắn đồng ý trả hài cốt vợ Hai Ly.

Nhưng, liền đó bà tuyên bố dứt khoát xé hợp đồng bốc mộ chồng với Sáu Ti và Tư Thới. Còn món tiền công đã trả cho hai người, bả cũng xù luôn coi như xù một xui xẻo, hơn nữa bả cũng biết tỏng đối với họ đó là món nợ…khó đòi.

Chuyện còn lại là chuyện của ba ông bạn rượu giải quyết với nhau, Hai Ly hùng hổ tuyên bố: Đã “rượu vào” thì… “lời ra”, không kín miệng được thì đừng làm mấy chuyện tào lao!

Nghĩ tình bạn rượu lâu nay nên phạt Tư Thới và Sáu Ti một cái đầu heo cùng một can rượu 5 lít và nhang đèn để tạ lỗi với vợ y trong ngày chôn lại hài cốt bà ấy tại nơi mà hai người đã lấy lên.

Như vậy, “tội ẩu đã tha, nhưng tội lếu láo thì không thể tha”, từ nay đến hết năm, hai người phải lo các khoản nhậu khác khi anh Hai cần.

Sáu Ti và Tư Thới mừng húm vừa xá xá Hai Ly vừa vâng dạ cam kết chấp hành hình phạt tuy trong bụng chẳng biết mình có thực hiện nổi không…

Hồng Đào