Sớm khôi phục di tích chùa Minh Sư

Cập nhật, 21:15, Chủ Nhật, 24/12/2017 (GMT+7)

Qua hàng chục năm với nhiều lần hội thảo, dù còn nhiều vấn đề nhỏ chưa thống nhất nhưng tất cả đều công nhận, chùa Minh Sư ở Phường 2 (TP Vĩnh Long) là cơ sở cách mạng quan trọng những năm 20 và những năm 60 của thế kỷ XX.

Ông Ngô Hòa Hiệp- cháu nội ông Ngô Văn Hóa- trong khuôn viên ngôi nhà xưa đã được xây dựng lại, cùng khu mộ dòng họ Ngô phía sau.
Ông Ngô Hòa Hiệp- cháu nội ông Ngô Văn Hóa- trong khuôn viên ngôi nhà xưa đã được xây dựng lại, cùng khu mộ dòng họ Ngô phía sau.

Nhiều năm qua, nơi đây chỉ còn là phế tích- bãi đất hoang vu cây cỏ rậm rạp, nằm sâu trong hẻm nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám. Rất cần sớm khôi phục lại vật thể và những giá trị phi vật thể, để di tích này xứng đáng tầm vóc của mình với đóng góp quan trọng trong tiến trình lịch sử của tỉnh Vĩnh Long.

Những đóng góp to lớn mà thầm lặng

Gọi là thầm lặng vì nhiều năm rồi không còn mấy ai biết được về ngôi chùa Minh Sư ở ngay trung tâm TP Vĩnh Long và gia thế của dòng họ Ngô với những bậc tiền hiền, hậu hiền có nhiều đóng góp cho cả làng Tân Giai thuộc tổng Bình Long xưa.

Trong khi từ 20 năm về trước, những ngôi chùa Minh Sư cùng thời ở các tỉnh Tiền Giang, TP Cần Thơ, đều đã được xây dựng trang nghiêm, lộng lẫy và được công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Chùa Minh Sư ở Vĩnh Long được xây dựng và giữ gìn bởi dòng họ Ngô và đến hậu duệ đời thứ ba là bà Ngô Thị Hạnh (không chồng con), thì trở thành phế tích cho đến ngày nay.

Trong khi đó, chỉ riêng ông Ngô Văn Hóa (Ngô Hoằng Hóa- đời thứ hai) đã là một nhân sĩ, bậc trí giả lớn có nhiều đóng góp cho phong trào Đông Du, cùng nhiều tác phẩm bằng chữ quốc ngữ, chữ Nho còn lưu lại.

Minh Sư có nguồn gốc giáo phái Thiền tông ở Trung Quốc được chấn hưng sau đời Tổ Huệ Năng (638- 713), khi nhà Minh bị lật đổ đạo Minh Sư chủ trương “phản Thanh, phục Minh”.

Đạo được truyền vào Việt Nam từ Trưởng lão Đông Sơ Trương Đạo Dương (1835- 1879), ngài lập Phật đường gọi là Chiếu Minh Phật đường, tại Cầu Kho- Chợ Lớn và Quãng Tế Phật đường do lão sư Ngô Cảm Tuyền lập tại phường Đa Kao- Sài Gòn.

Những ngôi chùa Minh Sư đầu tiên được xây dựng chủ yếu thu hút người Minh Hương, với tư tưởng tinh thần Tam giáo và những hình thức sinh hoạt tôn giáo gần gũi với người Việt Nam; khẩu hiệu: “phục Minh, bài Thanh” được đổi thành: “phục Nam, bài Pháp”. Trong thời gian ngắn, Minh Sư đã ảnh hưởng rộng rãi ở Nam Bộ.

Lớp người đầu tiên của dòng họ Ngô lập chùa Minh Sư ở Vĩnh Long là ông Ngô Văn Thân và các phu nhân. Ngôi chùa được 3 người con của ông Ngô Văn Thân tu hành trông coi, là ông Ngô Văn Hóa (Ngô Hoằng Hóa), bà Ngô Thị Xuyến và Ngô Thị Vàng.

Sau này, là bà Ngô Thị Hạnh (bà Chín Hạnh) con ông Ngô Văn Trí (em ông Ngô Văn Hóa), tiếp tục tu hành và mất năm 1986. Từ đó, ngôi chùa không người trông coi, dần trở nên hoang phế cho đến ngày nay.

Cô Hai Dung- cháu bà Chín Hạnh- xúc động khi được dự hội thảo về chùa Minh Sư.
Cô Hai Dung- cháu bà Chín Hạnh- xúc động khi được dự hội thảo về chùa Minh Sư.

Đây là nơi diễn ra sự kiện lịch sử, kết nạp 3 thanh niên đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, từ đó dẫn đến việc thành lập Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Ngã Tư Long Hồ, còn gọi là “Chi bộ Ngã Tư”.

Và cũng từ đó, tổ chức Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở Vĩnh Long ra đời vào tháng 8/1929, là nền tảng để tháng 2/1931, Tỉnh ủy Vĩnh Long đầu tiên được thành lập.

Trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Minh Sư là nơi nuôi chứa cán bộ, bộ đội trong những giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất. Chiến dịch Mậu Thân 1968, ngôi chùa là nơi ém quân của Tiểu đoàn 306 chuẩn bị tấn công vào TX Vĩnh Long.

Đây chỉ là những nét tóm lược trong cả quá trình hình thành và gắn bó với tiến trình lịch sử của tỉnh Vĩnh Long.

Còn nhiều vấn đề thú vị như liên hệ với phong trào Đông Du, những tác phẩm “Canh tân học luận” bằng chữ quốc ngữ, “Việt Nam Bửu giám” bằng chữ Nho của ông Ngô Hoằng Hóa để lại, cùng nhiều sáng tác thơ văn khác…

Khôi phục, tôn vinh những giá trị lịch sử- văn hóa

Đã hỏi kỹ đường đi nước bước- tôi vẫn đi lạc, dù không lạ gì con đường Hoàng Hoa Thám đi ngang qua xóm cần xé quen thuộc.

Hỏi thăm ai cũng lắc đầu, người ta chỉ biết chùa Ông, chùa Cậu gì đó, còn hỏi chùa Minh Sư thì chịu; thậm chí tôi đi ngang qua địa điểm ngôi chùa đến 2 lần cũng không biết. Chỉ khi hỏi đúng con cháu của dòng họ Ngô thì mới được dẫn đường đúng chỗ.

Chị Thảo nhà ở kế bên cho biết đã về đây sống hơn chục năm, nhiệt tình dẫn tôi ra bãi đất hoang vu, cây cỏ rậm rạp lút đầu, để chỉ ngôi mộ của bà Chín Hạnh.

Di tích chỉ còn có thế thôi, sự hoang lạnh đến mức chị Thảo nói có người đi cùng mới dám vô đây dù là ban ngày. Thiệt tình cũng không biết phải ghi hình ảnh gì để mọi người cùng thấy được chút nào đó dấu tích ngôi chùa Minh Sư.

Do đó, khi nghe “phong phanh” sẽ phục dựng lại di tích này, những hậu duệ dòng họ Ngô rất mừng, có nhiều người hiện đang sinh sống nước ngoài, họ rất sẵn lòng đóng góp nếu mai này công trình được tiến hành.

Cách một con rạch là khuôn viên ngôi nhà xưa rộng hơn công đất, phía sau là khu mộ của ông Ngô Hoằng Hóa và các phu nhân.

May mắn, tôi gặp được ông Ngô Hòa Hiệp (sinh năm 1950) là cháu nội ông Ngô Hoằng Hóa, ở TP Hồ Chí Minh về thăm nhà, là người tiếp quản nhà từ đường và gia phả, nên còn biết khá nhiều thông tin cụ thể. Đó là những câu chuyện thú vị mà có dịp sẽ tiếp tục trong đề tài khác về làng Tân Giai cùng các bậc tiền hiền, hậu hiền ngày xưa.

Thay mặt lớp cháu con dòng họ Ngô, ông Hiệp bày tỏ có 2 nỗi trăn trở cũng là mong ước về quá trình phục dựng di tích chùa Minh Sư.

Đó là việc tên đường Ngô Văn Hóa trước đây ở TP Vĩnh Long, giờ đã không còn nữa; nên chăng con đường Hoàng Hoa Thám hiện nay đi ngang qua cả phần đất đai, di tích, nếu được giữ lại chính tên cụ Ngô Văn Hóa thì mừng biết bao!

Câu chuyện thứ hai, ông Hiệp cho biết cũng đã có đơn kiến nghị cơ quan chức năng, về việc quy hoạch một con đường đi ngang sau nhà, sẽ giải tỏa di dời phần mộ cụ Ngô Văn Hóa và các phu nhân của ông, là điều bất an, lo lắng của con cháu dòng họ Ngô.

Hội thảo khoa học do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vừa qua, thống nhất công nhận những đóng góp quan trọng của chùa Minh Sư trong tiến trình lịch sử của tỉnh Vĩnh Long.

Qua đó, Thường trực Tỉnh ủy cũng đã đồng ý chủ trương có kế hoạch khôi phục lại di tích này xứng tầm với vai trò lịch sử.

Cũng là khá muộn màng so với những di tích chùa Minh Sư khác ở Long An, Tiền Giang và Cần Thơ, nhưng cũng là tin vui khi Vĩnh Long sắp có thêm địa điểm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, là các bước đi thận trọng và tiếp tục lắng nghe những ý kiến từ các nhà nghiên cứu, học giả và tâm tư, tình cảm của lớp hậu duệ dòng họ Ngô, để di tích sớm được phục dựng một cách toàn mỹ nhất.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG