Truyện ngắn

Con Mén

Cập nhật, 16:08, Chủ Nhật, 06/08/2017 (GMT+7)

Qua dãy hàng cá là tới dãy bán rau cải, nó nằm ở cuối chợ gần sát mé sông. Chợ đã có từ trăm năm qua, người bán từ đời ông bà đến cháu chít, không thân bằng quyến thuộc cũng có đầu dây mối nhợ mới ngồi bán đây được!

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Vừa bước vô khu này, đã nghe ruồi nhặng bay vèo vèo, bốc mùi khăn khẳn. Bến chợ qua một thời gian rất dài chịu đựng với những lá môn, lá sen, lá chuối quăng vương vãi ngập ngụa bến sông.

Khu chợ không bao lớn nhưng chứa đầy mùi. Mùi ống cống thải ra đen ngòm, mùi xác thực vật hoai mục, mùi cá chết, các thứ hòa quyện nhau thành một mùi không tả nổi.

Giờ đến thời bọc ny lông trôi lềnh bềnh dưới sông trên bờ, nhìn đâu cũng thấy bọc đủ màu xanh đỏ. Nước ống cống, nước trên sàn chợ vẫn nồng nặc mùi hôi. Con Mén lớn lên ở đó!

Khi mẹ nó mang bầu, tính ngày tháng sao không biết mà đang ngồi bán thì bụng đau xé mây. Bà Bảy bán dưa cải phải bỏ công việc chở đến nhà thương. Số may, vừa đến nhà thương chút đã lọt ra đứa bé gái. Mẹ nó nằm nhà được mười ngày phải quấn khăn choàng hầu ra ngồi chợ.

Không ra chợ lấy gì sống? Lấy gì cho thằng chồng nghiện rượu ngồi gục gặc trên mâm. Thằng chồng nhậu say đánh chửi vợ như người ở.

Khi con Mén được 3 tuổi thì mẹ nó chết vì tai nạn xe cộ, chồng cũng bỏ con đi mất biệt. Con Mén ra chợ nằm co ro trên kệ thịt.

Chị em buôn bán thấy vậy, người cho quần áo, người cho bánh cho cơm sống qua ngày. Người trong khu chợ nói với bà Bảy: “Bà chở mẹ nó đi đỡ đẻ, có trước có sau, giờ đem về nuôi đi, sau về già nhờ nó nấu cơm”.

Bà Bảy nghĩ mình không con cháu gì và thấy Mén động lòng thương nên đem Mén về nuôi. Về với bà Bảy, Mén sạch sẽ hơn, ấm no hơn không còn cảnh vất vơ vất vưởng ở chợ.

Mỗi khi bà Bảy ra chợ thì dắt Mén theo ngồi bên. Ngờ đâu ở với bà vài tháng, bụng Mén to phình, mặt xanh xao gầy yếu. Bà Bảy bỏ việc buôn bán chạy chữa thuốc thang không ngơi nghỉ.

Đôi khi bà muốn chùn bước, nhìn con Mén số phận sao mà hẩm hiu, mẹ chết, cha bỏ đi, sống côi cút giờ mang bịnh như vầy! Chị em ở chợ nói: “Bà Bảy mắc nợ con Mén, giờ phải ráng tới đâu hay tới đó, chẳng lẽ bỏ nó, càng tội nghiệp hơn!”

Ngày tháng qua, con Mén lay lất vượt qua cơn bịnh. Nó dần bình phục và ra chợ với bà Bảy. Con nhỏ ra chợ thường đến những bãi rác kiếm ăn, cái gì ăn được thì bỏ vào miệng.

Bà Bảy biết được thì rầy la, cấm không được ăn như vậy! Bà Bảy luôn để mắt không cho Mén đi lang thang, luôn chăm sóc tắm rửa mặc quần áo lành lặn, ăn uống sạch sẽ.

Mén được cái rất dễ dạy. Bà Bảy dạy Mén từ lời ăn tiếng nói đến đi đứng. Dù mồ côi nhưng con bé rất sáng dạ, chỉ dạy một hai lần là làm theo nên chị em ở chợ đều thương. Mấy người ở chợ khi rảnh rỗi thì viết chữ lên giấy dạy Mén đọc theo đánh vần từ chữ a, buộc Mén lấy viết đồ theo.

Vừa đồ theo vừa đọc. Con nhỏ sáng dạ ghê, vậy mà không bao lâu Mén đọc chữ trên giấy báo được! Chữ viết đầu tiên không thẳng hàng nhưng có tên ba mẹ của nó.

Bài học mà nó nhớ đời là ăn dơ. Một buổi sáng Mén cầm gói bánh bèo ăn vô ý để rơi một cái xuống đất, nó tiếc quá nên lượm lên bỏ vào miệng ăn.

Bà Bảy kịp thời ngăn lại nói: “Rớt xuống đất dơ bẩn lắm bỏ đi, con còn trên tay dù ít nhưng sạch, ăn cái sạch, không ăn cái bẩn. Ăn bẩn đem vi trùng vào bụng hại sức khỏe.

Từ nay con phải nhớ đó!” Mén nhìn bà Bảy ánh mắt rưng rưng thèm thuồng nhưng không dám cãi bà Bảy. Từ đó Mén nhận ra “dơ sạch” trong ăn uống.

Từ miếng lá chuối bao bì nơi chỗ ngồi bán, bà Bảy cũng sai bảo Mén dọn dẹp đem bỏ vào thùng rác. Mén dọn xong đến dọn dẹp tiếp mấy người bán gần đó không nệ công sức.

Ai bận gì Mén giúp, ai kêu mang hàng Mén mang cho. Vì thế nên Mén rất được nhiều tình thương, chiều về người ta gom tiền cho Mén cũng được chút đỉnh. Mỗi sáng, Mén được ăn hủ tiếu hoặc cháo, trưa chiều ăn cơm với bà Bảy.

Qua những ngày mưa nắng trong tình thương của các dì ở chợ, Mén nhận ra một điều là sống ở đời phải lao động, phải làm việc gì đó tùy theo khả năng của mình để có cái ăn cái mặc.

Bà Bảy dạy cho Mén buộc chùm tóc lên cho gọn gàng, dạy Mén đánh răng, chải tóc mỗi khi ra chợ.

Thấy Mén ngoan, ham học hỏi, bà Bảy ra phường làm giấy khai sanh cho Mén được đến trường học. Ngày Mén dậy sớm bưng xách đồ cho bà Bảy ra chợ, đến giờ tới trường, về ra phụ bán với bà Bảy.

Những khi bà Bảy bị cảm biếng ra chợ thì bà bảo Mén ra chợ bán dưa cải. Điều rất lạ, Mén bán chạy hơn bà Bảy, có người cho là Mén “có giang (duyên) mua bán”.

Bán gì cũng được. Hàng ngày, Mén để ý bà Bảy cân đo đong đếm, mỗi thứ khác nhau, có thứ tính bằng ký lô, có thứ tính bằng chục, chục mười hai, chục mười bốn nên con nhỏ biết rất rành.

Sự đùm bọc và tình thương ở chợ làm cho Mén cảm thấy không còn côi cút, mà thấy ấm áp dù sống với bà Bảy không máu mủ ruột rà gì. Tình thương ấy ngày ngày một gắn bó hơn với Mén.

Khu chợ được Ban quản lý sắp xếp ngày một bớt hôi hám, nhưng không sao tránh khỏi sự vất bừa bãi các thứ sau khi tan chợ. Việc của Mén làm hàng ngày là lượm những thứ rác rưởi thuộc phần của bà Bảy bỏ vào thùng, còn dư công nó đi lượm xung quanh cho sạch sẽ.

Chưa hết, Mén còn dùng bao ny lông trùm những món hàng thực phẩm bày bán, tránh không cho ruồi nhặng đậu vào nên ai cũng thích.

Các bà bạn hàng chợ nói: “Chỗ bán dơ dáy, con Mén dọn dẹp hết, nhưng mình đừng để nó dọn tội nghiêp!” Mỗi người giữ gìn một chút cho khu chợ sạch đẹp, vui hơn.

Không ngờ, bắt nguồn từ động cơ “sợ con Mén cực” mà khu chợ ngày càng nề nếp, sạch sẽ, không còn cảnh rác thải tràn lan sau buổi chợ như ngày nào. Những mặt hàng như mắm, khô được bao bọc không cho ruồi nhặng đậu như ngày nào. Giờ bước vô khu chợ, ai cũng thấy vệ sinh hơn!

Bài học mà con Mén học được ở bà Bảy là việc “hút hàng”. Những mặt hàng vào vụ có đầy, giá rẻ như bèo thì bà Bảy mua dự trữ đến khi qua mùa thì tung ra chợ, đắt như “tôm tươi”.

Mới mười sáu tuổi đầu mà Mén thành thạo mua bán như người lớn đảm trách phần công việc cho bà Bảy. Từ khi Mén tham gia buôn bán, mọi việc thuận lợi, tiền lời được tích tụ.

Bà Bảy không ngờ được có số tiền kha khá như vầy. Căn nhà ổ chuột, vách mái tôn mục rỉ sét, mùa mưa không ngủ được, Mén đề nghị bà Bảy nâng nền lên cao, xây tường gạch, phòng khách phòng ngủ rất là khang trang.

Sau buổi chợ về, bà Bảy và Mén có những giấc ngủ ngon, bữa cơm sạch trong căn hộ của mình cho dù đó là thứ hạnh phúc nhỏ nhoi.

Con Mén ăn mặc dơ dáy ngày nào nay biết chưng diện nói năng từ tốn “dạ thưa”. Mỗi ngày ra chợ, Mén như một bông hồng tươi tắn, ai cũng thích ngắm nhìn.

“Ngày nào vắng con Mén như thiếu cái gì đó, chợ buồn.” Các bà ở chợ nói như vậy! Mén biết dùng nụ cười chia sẻ với các dì, biết ngỏ lời góp vui khi các dì buồn chuyện nhà.

Mén như một niềm vui cần phải có đối với khu bán cá và rau cải hàng ngày. Người ở chợ không ngớt lời khen: “Bà Bảy có phước sao á. Con nuôi mà ngoan hơn con ruột, tìm khắp thế gian này chưa ai được như con Mén”.

“Khu chợ trăm năm, xuống cấp trầm trọng đến lúc phải xây dựng quy hoạch lại, các lô được phân chia bán theo thứ tự và có sự sắp xếp”. Tin được đưa ra, các bà, các chị mua bán ở đây có phần hoang mang, sợ mất nơi mất chỗ mua bán và sợ mất mối nữa.

Ban quản lý chợ trao đổi cần cử người đứng ra làm đại diện, dân chợ đồng loạt đề nghị cho con Mén và bà Sáu, bà Tám làm đại diện thay mặt bà con bán ở khu chợ cá và rau cải cùng tham gia đóng góp ý kiến trong phần quyền lợi của mình.

Người ta nói: “Con Mén là con gái chưa chồng, dù sao nó vẫn là con nít mới lớn, các bà có đủ niềm tin không?” Bà con đồng thanh: “Mén sẽ làm được mọi thứ cho bà con ở chợ, các ông tin đi!”

Khu chợ cá ọp ẹp trăm năm rồi đây trong tương lai nó sẽ thành chợ văn minh đầy đủ tiện nghi, ngăn nắp, người bán người mua ăn mặc sạch sẽ.

Nhưng, người ta có phần lo lắng: cái tình chợ cá, còn giữ được nguyên vẹn không, nhất là con Mén còn được ngồi bán hay theo chồng mất biệt!

NHẬT HỒNG (TP Cần Thơ)