Tạp văn

"Bánh mì đây!"

Cập nhật, 06:02, Thứ Hai, 07/08/2017 (GMT+7)

Ở giữa thế kỷ trước, các người ở thành thị về thăm quê thường mua nhiều bánh mì để làm quà biếu người thân, nhiều trẻ em ở nông thôn như chúng tôi thời đó coi bánh mì là món quà hiếm, nếu là bánh mì Sài Gòn thì nhất hạng!

Ảnh: Từ www.yan.vn
Ảnh: Từ www.yan.vn

Ngày ấy, buổi trưa nằm võng nhẩn nha nhai từng mẩu bánh mì nhỏ sẽ cảm nhận được vị ngọt lịm của nó lan ra đến tận đầu lưỡi.

Nhà tôi đông anh em, một ổ bánh mì cỡ hai gang tay như ổ bánh trung bình bán ở chợ ngày nay thường được mẹ tôi cắt làm ba phần đều nhau mới đủ chia cho các con.

Có điều trùng hợp là bao giờ chúng tôi cũng tranh nhau lấy cái phần đầu của ổ bánh, không phải phần này nhiều hơn phần ở giữa mà do độ cứng của vỏ và cái gu ở đầu ổ bánh ăn có vẻ thú vị hơn.

Sau này qua các bè bạn trang lứa, tôi mới phát hiện đây là một nét rất chung của trẻ em nông thôn chúng tôi thời ấy.

Nó cũng giống như cái cảm giác đầu tiên khi chúng tôi được tiếp xúc với nước đá cục, nếu không được ai nói trước thì hầu hết đều cảm nhận là nó… nóng chứ không phải lạnh buốt, có đứa còn cầm cục nước đá chuyền hết tay này sang tay kia, miệng không ngớt xuýt xoa, rồi bí quá đành bỏ vào… túi áo!

Bánh mì là một trong những thực phẩm chế biến có lâu đời nhất trên quả đất này, có xuất xứ từ Châu Âu. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột mì nhưng khi du nhập vào Việt Nam nó đã thật sự có nhiều biến đổi do được pha trộn thêm một tỷ lệ bột gạo nhất định.

Ổ bánh đã cứng hơn, đặc biệt là vỏ bánh trở nên dày thơm phưng phức và giòn rụm khi còn nóng nhờ người chế biến quét lên vỏ bánh các dung dịch phụ gia riêng của mình, để khi ổ bánh được nướng chín cho ra các hương vị khác nhau thích hợp với khẩu vị của người Việt, nhưng lại có vẻ lạ lẫm ngay cả một số người ở các nước coi loại bánh đó là một trong những thực phẩm chính trong các bữa ăn.

Có sự trùng hợp nào chăng khi có lần tôi được nghe một người có uy tín kể rằng ông ta đã thấy một ông Tây uống “la de” (bia) với vỏ bánh mì Việt?

Từ loại bánh mì lạt bình thường, theo thời gian chúng tôi được làm quen với các chủng loại của nó nhiều hơn.

Đó là các loại bánh mì có dáng hình thoi với nhiều kích cỡ, độc đáo là loại bánh không ruột nhỏ cỡ ngón chân cái và dài nhiều gang tay người lớn mà người ta gọi với cái tên rất Tây là bánh mì ba- gết (baguette có nghĩa là cái que, chiếc đũa).

Có loại bánh mì khác rất thu hút lũ trẻ quê chúng tôi từ mùi thơm đến cái vị ngọt cùng hình dáng mềm mại ngồ ngộ của chúng: chiếc bánh mì ngọt.

Hồi ấy, chúng tôi ít được tiếp xúc loại bánh mì ngọt to có hình khối như một chiếc gối nhỏ, mà rất thích loại bánh được tạo hình con heo, con cua, con cá,… Có trong tay một ổ bánh mì ngọt xinh xinh như thế chúng tôi thường không nỡ ăn…

Từ ăn bánh mì suông, sau này khi lớn lên chúng tôi thấy người ta học theo người Tây ăn bánh mì với thịt, trứng hay cá mòi.

Trong các đám tiệc, dần dần có món bánh mì ăn với ca ri, giò chả, thịt bò kho, thịt gà quay,… Trên hè phố xuất hiện ngày càng nhiều hơn các xe bán bánh mì dồn thịt heo phá lấu hay thịt pa tê vào buổi sáng hay buổi tối.

Và, trên các con đường trong thị xã, thị trấn, sáng sáng hay tối tối, mọi người lại nghe tiếng rao vang “Bánh mì đây!” của những người bán dạo.

Bánh mì sau mấy chục năm du nhập vào nước ta đã trở thành món ăn khá quen thuộc của nhiều người nhưng tiếng rao bán vẫn thế, không thay đổi!

Có lẽ không bao giờ tôi quên lúc lên mười một tuổi được theo ông cậu lên Giảng chơi (hồi ấy người ta hay gọi TP Vĩnh Long như thế) và được cậu dẫn vào một tiệm ăn của người Hoa có tên là Đồng Hính ở gần bến tàu.

Tại đây, lần đầu tôi được thưởng thức một món điểm tâm có nguồn gốc Tây và Tàu kết hợp. Đó là món bánh mì ăn với xiếu mại.

Món điểm tâm đơn giản rẻ tiền đó dù mới được nếm một lần lúc đó nhưng đến nay qua hàng chục năm có vẻ như còn đủ các hương vị trong tôi…

Bây giờ với bánh mì, người ta có thể viết thành sách từ ẩm thực đến các khía cạnh xã hội của nó. Có hơi thú vị khi đọc tâm sự của một Việt kiều lớn tuổi trên mạng.

Ông ấy đã ví sự mâu thuẫn trong cái gia đình mình đang sống tại một đất nước tiên tiến xa xôi ấy như “một ổ bánh mì kẹp thịt”: phần thịt ở giữa là sự hấp dẫn nhưng đầy mâu thuẫn.

Một bên là vợ chồng ông với mong muốn giữ lại các giá trị truyền thống của dân tộc và gia đình, còn bên đối diện là con cái đang phải đối mặt với các đổi thay từng ngày trong cuộc sống thực dụng đầy phức tạp ở xứ người…

Ngày nay, có người đã làm giàu được từ bánh mì, có người nhờ bánh mì lây lất nuôi sống cả gia đình.

Có qua các nước phương Tây, thử ăn bánh mì dồn thịt mới thấy nó khác với ở quê nhà, bánh mì mềm mà thịt thì quá nhiều, không hoặc rất ít rau, khi cắn bánh, bơ có thể trào ra dính lỗ mũi mới hiểu vì sao ở các nơi đó có nhiều Việt kiều sống được với nghề bán “bánh mì dồn thịt có rau kiểu Việt Nam”…

Còn ở đây, khắp nơi người ta cũng đã chế biến nhiều loại bánh mì có nhân và không nhân với các mùi vị khác nhau.

Thú vị là mới đây có một người ở Châu Đốc (An Giang) còn làm một việc khá táo bạo là sản xuất ra những ổ bánh “khủng”, tuy có hình dạng như lúc nó mới xuất hiện phổ biến ban đầu nhưng có trọng lượng từ 3- 5kg và dài hơn thước. Không phải họ làm ra để xem chơi mà để bán mới đáng nể (ảnh).

“Bánh mì đây!” có kể nữa chắc là còn dài dòng lắm…

Hồng Vân (TP Vĩnh Long)