Căn cứ Tà Thiết- địa chỉ đỏ du lịch đầy ý nghĩa

Cập nhật, 04:20, Thứ Bảy, 26/08/2017 (GMT+7)

Tà Thiết là một sóc nhỏ nằm sâu trong cánh rừng nguyên sinh rộng lớn thuộc ấp Cần Dực (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

Đây là khu căn cứ chỉ huy của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng, nơi tập trung cho tâm lực, trí tuệ xuất sắc nhất cho giai đoạn nóng bỏng của cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam.

Đầu tháng 6, đoàn Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long có chuyến về thăm di tích Tà Thiết và chụp hình lưu niệm tại Bộ Chỉ huy Miền.
Đầu tháng 6, đoàn Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long có chuyến về thăm di tích Tà Thiết và chụp hình lưu niệm tại Bộ Chỉ huy Miền.

Theo chân của hướng dẫn viên vào khu rừng- nơi ở và làm việc của các cán bộ, chiến sĩ; con đường nhỏ quanh co, uốn lượn, dẫn vào sâu trong căn cứ.

Ngày trước, người dân trong vùng quen gọi nơi này bằng cái tên “rừng Chính phủ” bởi tại đây, dưới những tán cây lớn, được bao bọc bằng rừng le đan chằng chịt là những công trình nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp trong Bộ Tư lệnh Miền: Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Lê Đức Anh,…

Nhân dân biết rõ đây là căn cứ đầu não quan trọng nhưng căn cứ không hề bị lộ trong một thời gian dài. Ngoài yếu tố quan trọng là căn cứ lòng dân, được dân xung quanh đùm bọc, che chở và bảo vệ thì mọi sinh hoạt trong khu căn cứ này phải đảm bảo những quy tắc nghiêm ngặt, bí mật, an toàn tuyệt đối.

Mặc dù hoàn cảnh sống thiếu thốn về mọi mặt nhưng các cán bộ, chiến sĩ luôn giữ vững ý chí, tinh thần chiến đấu chống quân thù, giải phóng miền Nam.

Họ sống và chiến đấu theo tinh thần “3 không” (đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng) để bảo mật căn cứ, thông tin của cuộc chiến. Tinh thần chiến đấu quật cường ấy đã được đền đáp xứng đáng bằng thành quả kháng chiến thắng lợi cho dân tộc.

Chúng tôi thắp hương tưởng niệm Thượng tướng Trần Văn Trà tại ngôi nhà sàn của ông. Nhà ở và làm việc của Thượng tướng được dựng ngoài trảng trống theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Khmer nằm đan xen giữa hơn 10 nóc nhà của đồng bào để đánh lạc hướng địch.

Bên bàn thờ của ông, những vần thơ: “Ra đi hai bàn tay trắng/ Trở về một dải giang san/ Trăng xưa hạc cũ dòng sông lặng/ Mây nước yên bình thiên mã thăng” nói lên ý chí của những con người anh hùng một đời vì nước vì dân.

Từ nhà cố Thượng tướng Trần Văn Trà đi khoảng 200m theo đường mòn, dưới những tán cây rừng che phủ, chúng tôi ghé thăm hội trường Bộ Chỉ huy Miền.

Căn nhà bằng cây đơn sơ, lợp lá trung quân- thứ lá đốt không cháy. Những hầm đà, bàn ghế làm việc của các đồng chí chỉ huy; những đường mòn rợp bóng những tàn cây trăm tuổi.

Đây là nơi đón tiếp các phái đoàn lãnh đạo cấp cao Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, Trung ương Cục để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang và triển khai các chỉ thị của Trung ương Đảng. Đứng giữa hội trường này, những trang sử hào hùng của cuộc kháng chiến như được mở ra.

Chúng tôi như được trở về với giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh, nhưng Tà Thiết vẫn vững vàng trong khói lửa chiến tranh, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Có đến đây, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào về những gian khổ mà nữ tướng Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Định- người con gái Nam Bộ đầu tiên được Bác Hồ phong quân hàm Thiếu tướng, người được gọi cách trìu mến là cô Ba, phải trải qua trong những năm dài kháng chiến.

Tại khu rừng Tà Thiết của hơn 40 năm trước, những ý kiến chỉ đạo của vị Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam luôn gắn liền với những thành công của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn.

Đặc biệt, sự có mặt của cô Ba Định trong Bộ Tư lệnh Miền đã góp phần lãnh đạo, chỉ huy toàn diện, thấu đáo hơn từ cuộc chiến tranh nhân dân.

Do nhà làm việc của cô Ba được bố trí ở vòng trong, được bảo vệ cẩn mật nên việc để đón người bạn đời của cô đến thăm cũng chẳng dễ dàng. Qua đó mới thấy cô Ba đã hy sinh niềm hạnh phúc riêng tư cho đất nước và đáng trân trọng biết chừng nào.

Mặc dù chỉ hình thành và tồn tại trong một thời gian ngắn (1973- 1975) nhưng căn cứ Tà Thiết có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta.

Đây là nơi nhận bức điện 37TK của Tổng Bí thư Lê Duẩn về việc đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là nơi thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy.

Căn cứ Tà Thiết không chỉ ghi dấu những sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn của dân tộc trong thế kỷ XX mà còn thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc, trí tuệ và tài năng của con người Việt Nam.

Với những giá trị lịch sử to lớn ấy, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là di tích cấp quốc gia.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Tà Thiết hiện được xây dựng hoàn thành giai đoạn 1, có tổng mức đầu tư 97 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn xã hội hóa chiếm hơn 74%. Khu di tích có 7 hạng mục, trong đó, có tượng đài chiến thắng; đền thờ chính và nhà truyền thống.

Bài, ảnh: TRẢNG QUYÊN