Văn nghệ sĩ Vĩnh Long trong sự nghiệp văn học nghệ thuật

Cập nhật, 07:36, Thứ Hai, 24/07/2017 (GMT+7)
 Đồng chí Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- trao bằng khen cho các văn nghệ sĩ tiêu biểu.  Ảnh: THANH TÂM
Đồng chí Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- trao bằng khen cho các văn nghệ sĩ tiêu biểu. Ảnh: THANH TÂM

Vĩnh Long là vùng đất cộng cư nhiều dân tộc, tôn giáo nên có khác về tập tục, tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực,... Nhưng tất cả những khác biệt đó không phải là dị biệt, không giảm đi tính cộng đồng mà còn đan xen, thừa kế bổ sung làm phong phú thêm kho tàng văn hóa chung của đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Trải bao thăng trầm biến cố lịch sử, đi đôi với đời sống sinh hoạt vật chất, Vĩnh Long cũng đã tạo nên kho tàng văn học nghệ thuật đa dạng phong phú.

Từ đờn ca tài tử đến hát bội cải lương, ca dao, dân ca, hò vè, câu đố, giai thoại dân gian, tuồng tích tàu với điệu hát Quảng của người Hoa, hát dù- kê, múa lăm- thôn cùng dàn nhạc ngũ âm của người Khmer rộn ràng say đắm lòng người.

Có thể nói Vĩnh Long là một trong những nơi sinh ra rất nhiều nghệ sĩ tài năng, khởi đầu là 2 nhà nghiên cứu sáng tác Tống Hữu Định và Trần Quang Quờn.

Người dân Vĩnh Long xem 2 ông như là vị tổ lĩnh vực đờn ca tài tử, ca ra bộ tiền thân của sân khấu cải lương hiện nay. Tiếp đến là Huỳnh Thị Ngọc (Bảy Ngọc, cô Bảy Vĩnh Long) nổi tiếng trên cả 2 lĩnh vực sân khấu cải lương và điện ảnh.

Nghệ sĩ nhân dân Ba Du (1913- 1997) cùng các con của ông như Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long và nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc đều là những nghệ sĩ có tài đóng góp nhiều công sức cho nền sân khấu đất nước.

Nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn (1919- 2001) là người nổi tiếng bậc nhất ở sân khấu cải lương được người dân suy tôn là “Vua vọng cổ”. Nghệ sĩ Thanh Tùng, nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan, nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương (em ruột Thanh Loan), nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy (Trần Lệ Thủy) được người trong giới phong tặng danh hiệu “Giọng ca vượt thời gian”.

Trên lĩnh vực văn học Vĩnh Long xưa, cũng đã có nhiều tác giả tác phẩm nổi tiếng. Xưa kia, đa số các quan viên trong suốt đời họ vẫn giữ ảnh hưởng nền học vấn văn chương mà họ đã hưởng thụ, họ đem vào quan nghiệp các huyền niệm, ước vọng và nếp sống thanh bạch của nho sĩ, nhiều vị quan suốt đời vẫn đọc sách, viết sách và làm thơ.

Văn Hán Nôm có vị đại thần Phan Thanh Giản (1796-1867) là người học vấn đức hạnh đứng đầu đất Nam Trung có Lương Khê thi thảo; Lương Khê văn thảo; Sứ Thanh thi tập; Tây Phù nhật ký,… lưu hành ở đời được vua Tự Đức không ngớt ngợi khen. Đốc học Nguyễn Thông (1827-1884), Huỳnh Mẫu Đạt (1807-1883), Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Hồ Hữu Nghiệp (1828-1864),…

Về văn học quốc ngữ khởi đầu là nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký (1837-1898) (được liệt danh một trong 18 văn hào thời đại của thế giới), đã để lại cho đời hơn 118 tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực.

Nữ sĩ Trần Ngọc Lầu (1862-1937). Phan Quốc Quang (1879-1966), Trương Duy Toản (1886-1957), Lê Quang Nhơn (1883-1970), Phan Huấn Chương (1902-1943), Nguyễn Văn Bá (1904-1980), Dương Bích Thủy (1906- ?), Mặc Khải (1911-1980), Truy Phong (1925- 2005), Nguyễn Hải Trừng (1921-1997), Nhiêu Tâm (1840-1911).

Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, gần 3/4 thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn nghệ Vĩnh Long không ngừng phát triển đạt thành tựu rực rỡ cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tác giả có thực tài đứng vào hàng các văn nghệ sĩ Việt Nam.

Đó là các nhà văn Lê Thị Tố Lan (Song Hảo), Phạm Trung Khâu, Hồ Tĩnh Tâm, Thái Hồng. Các họa sĩ Nguyễn Bình An (Vũ Ba), Trần Minh Thái, Hứa Văn Chiến, Đặng Can, Nguyễn Thế Đệ, Tạ Thị Ánh Hồng, Phan Bửu Lộc, Phạm Đình Vĩnh, Lâm Chiêu Đồng, Dương Hồng Gia,...

Các soạn giả đạo diễn sân khấu Trần Mộng, Vũ Linh Tâm, Phạm Văn Danh, Lê Cường. Các nghệ sĩ múa Huỳnh Thanh Trang, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Phước Hùng, Trần Thị Lê. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh có Nguyễn Bách Thảo, Nguyễn Vinh Hiển, Nguyễn Duy Minh (Duy Lương), Nguyễn Phước Lộc, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Thanh Bình, Quốc Nguyên. Các nhạc sĩ Kiên Tâm, Huỳnh Anh Kiệt (Xuân Điền), Trần Thành Công, Vũ Thành, Huỳnh Tấn Lộc (Hoàng Lộc), Mai Trung Nghĩa, Lê Đức Vĩnh Tuyên.

Các bài ca “Về Vĩnh Long” của Kiên Tâm, “Cô gái Vĩnh Long” của Xuân Điền, “Mùa xuân bên cửa sổ” nhạc Xuân Hồng phổ thơ Song Hảo,... đã đi cùng năm tháng, sống mãi với thời gian và là niềm vui tự hào của ca nhạc Vĩnh Long.

Vĩnh Long là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, người dân sống phóng khoáng, làm ra làm, chơi ra chơi, từ người già đến trẻ, cán bộ đến nhân dân đều ham thích văn nghệ.

Tình cảm đó thể hiện ở Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sinh thời các ông rất yêu thương gần gũi giới văn nghệ sĩ. Những năm tháng sống trong ngục tù của đế quốc ở Côn Đảo, nêu cao tinh thần lạc quan cách mạng, bác Phạm Hùng thường cùng các bạn tù tổ chức hát bội cải lương Nam Bộ.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt không những ham mê văn nghệ ngay từ thuở thiếu thời mà khi làm Thủ tướng lúc nghỉ hưu ông thường cầm máy chụp được những tấm hình đẹp. Giới văn nghệ TP Hồ Chí Minh đã suy tôn ông là “Nghệ sĩ nhiếp ảnh danh dự” của thành phố.

Vĩnh Long là tỉnh có diện tích và dân số vào loại trung bình trong khu vực, song có đội ngũ văn nghệ sĩ tương đối đông, nhưng phần nhiều hoạt động nghiệp dư (tay ngang), ít có người làm văn nghệ chuyên nghiệp và sống bằng sản phẩm sáng tác của mình.

Phần đông văn nghệ sĩ ở đây không có đủ năng lực tài chính để thi công, in ấn tác phẩm của mình mà phải trông chờ vào sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và đối tác. Một số văn nghệ sĩ có bề dày chuyên môn nghề nghiệp, nay tuổi cao sức yếu, lực bất tòng tâm, không còn thường xuyên hoạt động nên thiếu đi những cây đại thụ, bậc thầy dẫn dắt từng phân hội.

Tuy vậy, từ sau ngày giải phóng năm 1975, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thực sự là nơi tập hợp lực lượng xây dựng phong trào văn nghệ vào loại khá trong khu vực.

Thời nào giới văn nghệ sĩ Vĩnh Long cũng nêu cao tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, ca ngợi con người và vẻ đẹp của quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của người Nam Bộ.

Văn nghệ sĩ Vĩnh Long nay là văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa, tán thành mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nội dung tác phẩm đều in đậm tính Đảng, tính khoa học, tính nhân dân và tính chiến đấu.

Văn nghệ phản ánh cuộc sống có tác dụng đa chiều, trọng tâm phục vụ nhiệm vụ chính trị, mỗi tác giả đều có ý thức phấn đấu hoàn thiện tác phẩm đạt tới chân, thiện, mỹ giúp ích cho đời.

Hiện nay, Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long có hơn 200 hội viên sinh hoạt trong các chi hội văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, ca múa nhạc, sân khấu.

Tạp chí “Cửu Long” của hội không chỉ là sân chơi sinh hoạt hội mà là nơi học tập luyện rèn thế hệ trẻ góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học nghệ thuật của địa phương.

Tiếp bước những người đi trước, các tác giả Đặng Văn (Đặng Văn Khịa), An Phương (Trần Thanh Sơn), Văn Hiến Vĩnh,… cùng bao cây bút trẻ khác đã và đang có nhiều tác phẩm trình làng, phấn đấu thành danh trên lĩnh vực văn học nghệ thuật của địa phương, đất nước.

(1) Ban Tuyên giáo Vĩnh Long. Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh Tr. 368 - 387

TRƯƠNG CÔNG GIANG