Truyện ngắn

Tiên Châu diễm tình truyện

Cập nhật, 06:12, Chủ Nhật, 30/07/2017 (GMT+7)

Sông Cổ Chiên dài 113km. Sách xưa ghi: cửa biển Cổ Chiên rộng 11,5 dặm, nước lên sâu 32 thước, nước ròng sâu 18 thước. Ngoại nói: Cổ Chiên là dòng sông đẹp nhất của quê hương xứ Vĩnh.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Thuở nhỏ, những đêm trăng sáng, ngoại thường ngồi ngoáy trầu và kể cho lũ nhóc chúng tôi nghe về huyền sử Bãi Tiên. Ngoại kể hay lắm! Lóng lánh lóng lánh trăng vàng. Lung linh lung linh huyền sử.

Các nàng tiên xiêm áo lượt là, non nõn phơi trăm hồng ngàn tía dưới trăng ngần bổi hổi. Gió đưa hương tóc, hương xoài thơm lựng.

Gió đẩy hương vú sữa, hương da thịt thơm nồng. Chúng tôi thiêm thiếp lạc dần vào huyền sử, tự bao giờ tới bây giờ. Và sẽ còn mãi mãi.

Tôi lớn lên với vạn chài. Tự tình cùng điệu hò sông nước. Chòng chành chòng chành câu hát dệt lại tích xưa thành truyện. Tôi nhớ thuộc nằm lòng. Tới chiêm bao cũng nhớ.

Ngày ấy cù lao Táng còn hoang sơ lắm. Lơ phơ mấy nóc nhà lợp lá dừa nước. Đêm chập chờn lửa rọi mù u. Sấu và cá lớn quậy dưới sông đùng đùng. Rừng rậm chằng chịt những xẻo nước.

Bần chát, bần ổi chen chúc. Dừa nước mọc tối trời. Ô rô, cóc kèn và cây mái dầm thì đi tới đâu cũng thấy. Duy đầu cồn còn thư thả bãi cát phù sa. Đó là bãi Bình Lương thơ mộng. Bãi cát trải lài ra màu phù sa nâu mật, gợn gợn muôn ngàn lớp như lớp sóng.

Bãi Bình Lương sẽ thiu thỉu ngủ mãi nếu như không có một chàng trai quê ngoài Trung đến cặm đất cắm dùi. Gia sản của chàng chỉ có cây đờn kìm là quý. Ngón đàn của chàng ăm ắp cả bốn cung ố, ái, hỉ, nộ. Khi nghẹn ngào than thở, lúc chớp giật mưa tuôn.

Khi bừng bừng lửa cháy, lúc đắm đuối yêu đương. Tiếng đờn thiết tha, bổi hổi qua mưa qua nắng, qua suốt cả bốn mùa. Tiếng đờn thường cất lên nhiều nhất là về đêm.

Hơi đờn lúc nhẹ như hơi thở, lúc mạnh như nước đổ; có khi tiếng đờn còn khiến cả sao trời phải nhảy múa, mây trời phải ngừng trôi.

Chàng sống bình yên, thanh thản với tiếng đàn trên cù lao Táng. Chàng soạn một khúc Nam xuân bày tỏ lòng mình với mảnh đất cù lao. Bản nhạc đờn lên, tiếng mịn như tơ lụa, tiếng óng như gương sông, tiếng mềm như trái chín.

Người nghe chỉ cần dim mắt lại, các tiên nữ liền vụt hiện, vui đùa giỡn nước, cười vỡ trăng vàng. Tiếng đờn lịm tắt, các tiên nữ thoắt thăng hoa, nhẹ như sương khói, mỏng như hương đêm.

Tưởng là ảo mộng của người nghe, nhưng ngộ thay, ràng ràng dấu chân các nàng giáng thế còn đọng trên cát mịn phù sa nơi bãi Bình Lương sương khuya ướt đầm đìa.

Chàng nghèo lắm!

Heo hút nơi đầu cồn hoang vắng, tuổi ngoài bốn mươi mà chưa một mối tình ghé bến. Tóc chàng đã lốm đốm hoa râm. Chàng soạn thêm một khúc Phượng hoàng cho đời chàng.

Xế xang xang xế xảng

Xang tồn xế xảng

Xế xang liu

Tồn xế xảng

Tồn xang xế xể tồn xể xang liu.

Mỗi khi chàng dạo phím đàn, cù lao Táng như khóc lên cùng tiếng tơ thổn thức. Những con sấu nằm im nơi mí nước, ròng ròng lụy nhỏ. Rặng bần run rẩy, lá rùng mình thổn thức. Vầng trăng òa vỡ trên cao. Sóng nước dềnh lên nức nở.

Bấy giờ bên kia sông lớn, dinh tỉnh trưởng đã mọc lên. Thi thoảng nghe tiếng súng chát đùng, báo thêm mấy xác người bị quăng xuống nước. Tiếng đàn càng thêm nghẹn lại.

Đêm trăng nọ. Vầng trăng xanh như mảnh thép bị ai ném lên trời. Không ngủ được, chàng trai tha thẩn một mình ra bãi cát. Con nước đang triều. Sóng dạt dào dềnh lên từng ngọn.

Ai kia?

Hình như có ai kia thì phải!

Không thể là tiên nữ giáng trần. Khố rách áo bươm. Thịt da bầm giập. Tóc đen xõa vũng trên cát mật. Da bệch bạc dưới trăng xanh rười rượi. Ngực còn thoi thót. Rõ là một người con gái.

Chàng nuôi sống nàng bằng con cá dưới sông. Chàng nuôi sống nàng bằng lá rau trên cồn. Chàng thức tỉnh tình yêu trong nàng bằng tiếng đờn rạo rực. Rồi hai người thành chồng thành vợ. Tự nhiên như đôi chim trên cồn, hai người nương vào nhau mà sống.

Ngày nọ, lúc nắng xế, quan Tây cưỡi tàu sắt qua bắt chàng đem đi. Bấy giờ đang vào lúc cơm chiều. Quan Tây xì xồ sai bảo gì đó. Hai người lính mã tà xông vào trói nghiến chàng bằng sợi dây luộc to như ngón tay. Nàng gào khóc lăn xả đòi chồng. Báng súng và gót giày đinh dộng nàng bất tỉnh.

Ba hôm sau, vào lúc trăng nhòa nhạt rọi chiếu giữa sông, thốt nghe tiếng súng chát đùng bên dinh tỉnh trưởng. Nàng vùng chạy ra bãi cát Tiên Châu rũ xuống. Lúc sương gieo nặng giọt đầm đìa, nàng chợt tỉnh. Trời trong veo trong vắt. Ngực sông nổi vồng lên, lóng lánh dát vàng dát bạc.

Chàng đây thôi! Khố rách áo bươm. Thịt da bầm giập. Mười ngón tay bị chặt ri rỉ máu. Quỳ xuống vuốt mắt cho chồng, nàng nghe từ thinh không vẳng xuống tiếng đờn kìm thổn thức.

Hò hò xang tồn xê líu cống

Líu công líu công xê xang

Tồn xê cống xê xang hò

Hò xang xê là hò.

Tiếng đờn đau đáu nỗi niềm da diết thê lương. Tiếng đờn như nhỏ máu. Thánh thót từng giọt như sương như lửa. Sóng nước trải tiếng đờn ra, lênh lang vô cùng vô tận.

Dân cù lao Táng giúp nàng đắp cho chàng ngôi mộ. Những người từng học qua ngón đàn của chàng, mỗi ngày đều ghé qua hương khói cho chàng.

Lãng đãng trong khói nhang nghi ngút, văng vẳng như có thanh âm của đất trời tụ lại. Tiếng đàn thấm sâu vào ruột đất, đất phún mầm cỏ xanh mơn.

Tiếng đàn thấm sâu vào sóng nước, sóng nước duềnh lên dào dạt. Tiếng đàn vút vào trời xanh, trời xanh rưới nắng chan hòa khắp cả cù lao óng ả. Nhưng chàng không còn nữa, chàng đã vĩnh viễn ra đi. Còn lại trong ngôi nhà lá đơn sơ bên bãi cát Tiên Châu là riêng mình nàng đang lúc bụng mang dạ chửa.

Rồi cũng tới lúc nàng đập bầu vượt cạn. Dân cù lao Táng giúp nàng mẹ tròn con vuông; giúp nàng qua được những ngày đầu khốn khó. Theo thời gian, nàng lặng lẽ tảo tần nuôi con qua năm tháng.

Đằng đẵng ba năm chịu tang chồng bên bến cát Tiên Châu, nàng sống lặng thầm như chiếc bóng trên cồn, chăm bẵm nuôi nấng đứa con lớn lên như trái xoài trái mận.

Cho tới một ngày kia, nàng ẵm con bỏ đi đâu biền biệt. Dân cồn nói: Nàng đã vượt sông Tiền bên kia vào đồng. Nàng vào đồng tìm ai? Làm gì? Không ai biết.

Biền biệt bao nhiêu năm. Bao nhiêu năm. Cho tới tận một ngày, xuồng ghe ở đâu chở cờ đỏ về đầy ắp bãi. Rồi cờ đỏ vượt sông, qua cắm lồng lộng trên dinh tỉnh trưởng. Cờ Việt minh đấy. Cờ Việt minh thắp bùng lên muôn vàn ngọn lửa.

Lẫn trong đoàn người kéo về cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng, dân cù lao Táng nhận ra một người phụ nữ rất quen. Người ấy tóc đà bạc trắng nhưng bước đi còn lanh lẹ, dáng dấp coi mòi còn chắc khỏe.

Rõ là vợ của ông thầy đờn bị quan Tây sai lính bắt chặt lụi mười đầu ngón tay. Mà ràng ràng là người ấy chứ ai. Người ấy đeo xắc cốt, vận đồ bà ba đen; bộ tạng như thể người chỉ huy đã có tuổi.

Rồi kháng chiến bùng lên. Cho tới sau trận Việt minh lấy đại pháo của quân Tây ở Tầm Vông- Phụng Hiệp, dân cù lao Táng mới thấy người ấy trở lại làng An Bình, xin phép với Ủy ban kháng chiến được về sống bên bãi cát Tiên Châu. Tóc người ấy đã bạc trắng như bông gáo. Thân hình người ấy đã bị đạn đum đum chặt đứt bàn chân phải.

Nhưng lạ lùng thay, cùng về với người ấy, còn có cây đờn kìm thuở nào của chàng trai nghèo về cặm dùi đầu tiên trên bãi Tiên Châu.

&

Ngoại nói: Người ấy là bà cụ cố của dòng họ Nguyễn làng An Bình trên cù lao Táng. Con trai người ấy là ông ngoại của chúng tôi, là người sau này trở về gieo tiếng đờn kìm trên khắp đất cù lao.

Thiên diễm tình ấy là thiên tình sử mở đầu cho một dòng họ trên đất cù lao Táng. Làm sao tôi có thể quên được!

Hồ Tĩnh Tâm