Vị tướng thống nhất lực lượng vũ trang ở đất Nam Bộ anh hùng

Cập nhật, 07:22, Thứ Hai, 19/12/2016 (GMT+7)

Trong lịch sử Nam Bộ kháng chiến, một sự kiện nhân dân cả miền Nam không thể nào quên. Đó là cuối năm 1945, khi kháng chiến Nam Bộ bùng nổ, tướng Nguyễn Bình được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử vào Nam, có trọng trách thống nhất các lực lượng vũ trang (LLVT) ở Nam Bộ.

Đây là vấn đề rất quan trọng khi tình hình lực lượng vũ trang Nam Bộ còn nhiều cánh quân chưa thống nhất, kể từ sau khi kháng chiến nổ ra.

Một vị tướng lĩnh đầy ý chí, tài năng và thao lược

Trung tướng Nguyễn Bình sinh năm 1908, trong một gia đình nông dân tại thôn An Phú (xã Tịnh Tiến, nay là xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ- Hưng Yên). Ông là con thứ 3 trong gia đình, nên thường được gọi là anh Ba Thảo, trong hoạt động còn có tên là Nguyễn Phương Thảo.

Tham gia hoạt động từ tuổi còn thanh niên, đến năm 1930, ông và ông Trần Huy Liệu đã bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn Sài Gòn rồi bị tòa án Pháp xử kín, đày 5 năm tù Côn Đảo.

Trong thời gian lưu đày, ông đã được tiếp xúc với các chiến sĩ cộng sản và dần dần chuyển hướng theo chủ nghĩa cộng sản vì “Cộng sản là phong trào quốc tế, còn Quốc dân đảng nằm trong phạm vi quốc gia”- như ông nghĩ lúc này. 

Năm 1935, khi mãn hạn tù đế quốc tại Côn Đảo, ông trở về quê nhà để hoạt động móc nối lại cơ sở sau các trận bắt bớ của thời kỳ 1930- 1935, khi Đảng ta lúc đó phải chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Ông tiếp tục hoạt động, bí mật xây dựng chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh), rồi trong hoạt động, ông bị thực dân Pháp bắt giam một lần nữa (1938- 1942). Tuy bị quản thúc nhưng ông vẫn nuôi ý chí cách mạng, bí mật xây dựng Đông Triều làm căn cứ chống Pháp một cách độc lập.

Khoảng năm 1942, ông được tổ chức Đảng và Việt Minh giao cho nhiệm vụ mua vũ khí chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời còn vận động binh lính các đồn Thủy Nguyên, Cửa Ông, TX Kiến An cung cấp vũ khí.

Nhờ súng đạn nhiều mà Đông Triều trở thành chiến khu vững vàng và chùa Bắc Mã là tổng hành dinh của quân giải phóng chiến khu Đông Triều.

Đêm 12/3/1945, ông tham gia đánh trận đồn Bần Yên Nhân, thu được nhiều thắng lợi. Trận đánh đồn Bần được coi là trận đánh kiểu mẫu ở đồng bằng. Cũng trong tháng 3/1945, ông đã lãnh đạo tổ chức đánh cướp tàu Pháp ở Hạ Lý- Hải Phòng, hạ đồn Đông Triều, diệt đồn Bí Chợ, đánh địch chiếm TX Uông Bí.

Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ quyết định cả nước chia làm 7 quân khu, Bắc Bộ có 4 quân khu, ông giữ chức Tư lệnh Đệ tứ quân khu (tức chiến khu Đông Triều gồm các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn Gai, Móng Cái và Lạng Sơn).

Tháng 6- 7/1945, ông chỉ huy nhiều trận đánh lớn, thu được nhiều lương thực và vũ khí, như trận phục kích trên sông Kinh Thầy, trận tấn công đồng loạt 5 đồn: Thanh Hà, Kinh Môn, Thủy Nguyên, Uông Bí và Bí Chợ, đặc biệt là trận đánh chiếm giải phóng TX Quảng Yên, là tỉnh lỵ duy nhất ở miền Bắc về tay nhân dân trước Cách mạng Tháng Tám; thu 600 súng trường, 400 trung liên.

Thừa thắng, ông mang quân đi yểm trợ cuộc khởi nghĩa ở Hải Phòng, sau đó giải phóng Tiên Yên, Ba Chẽ, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cát Bà (Quảng Ninh).

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông dẫn gần 100 anh em tiến theo cờ đỏ sao vàng trên đường 18 hướng tới Đông Triều. Theo tư liệu lịch sử, lúc từ chiến khu Đông Triều, ông đã chỉ huy lực lượng tiến công phối hợp với nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức giành chính quyền ở Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An.

Lúc đó, tỉnh Hải Dương là một trong những tỉnh giành được chính quyền đầu tiên trong cả nước. Sau khi giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ông được giao làm Khu trưởng Khu Duyên hải Bắc Bộ và là người có công lớn trong bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ ở đây.

Vị tư lệnh đầu tiên của chiến trường Nam Bộ

Là vị tướng miền Bắc, song ông hiểu biết cặn kẽ về văn hóa, phong cách, đặc tính người Nam Bộ và do có biệt tài nhiều mặt về quân sự, chính trị, vào cuối tháng 9/1945, ông được Bác Hồ và Trung ương Đảng tin tưởng cử vào chiến trường miền Nam, với nhiệm vụ to lớn là thực hiện thống nhất các LLVT tại chiến trường Nam Bộ- điều không phải ai cũng được Trung ương Đảng tin cậy lúc này.

Tháng 10/1945, ông tuân lệnh vào Nam, đi theo ngả Tây Nguyên tới TX Thủ Dầu Một, ở nhà ông giáo Chương. Sau đó, được ông Võ Bá Nhạc là con rể ông giáo Chương nhường Sở Cao su Bến Vịnh, giao cho quản lý để ông lập Tổng hành dinh. Chính ông Võ Bá Nhạc là Chánh văn phòng cho ông từ ngày đầu cho tới lúc hy sinh.

Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, ngày 20/11/1945 tại xã An Phú, Nguyễn Bình với danh nghĩa là phái viên của Trung ương, tổ chức “Hội nghị quân sự Nam Bộ” đầu tiên. Hội nghị có sự tham gia của đại biểu các LLVT ở miền Đông như: quân Giải phóng quân liên quận; LLVT Bình Xuyên, Đệ tam sư đoàn, LLVT Cao Đài, và đồng chí Nguyễn Đức Thuận- Bí thư Liên tỉnh miền Đông.

Hội nghị bàn bạc về việc thống nhất các LLVT ở Nam Bộ lấy tên chung là “Giải phóng quân Nam Bộ”, thống nhất biên chế hình thức chi đội, phân chia khu vực hoạt động, đề ra những giải pháp tiến hành chiến tranh du kích. Trong hội nghị này, tướng Nguyễn Bình được bầu làm Tổng Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ.

Nhân danh Tổng Tư lệnh Giải phóng quân, Trung tướng Nguyễn Bình đã công bố 3 văn kiện. Tại Văn kiện số 3: Thông báo số 2 của Giải phóng quân Nam Bộ ra Hịch chống xâm lăng có 3 điều chống: 1. Chống hợp tác với giặc; 2. Chống tổ chức và hoạt động vô chính phủ; 3. Chống khủng bố và ức hiếp nhân dân.

Sau đó, tướng Nguyễn Bình được Trung ương giao giữ chức Ủy viên Quân sự Nam Bộ kiêm Khu trưởng Khu 7, rồi Tư lệnh mặt trận Nam Bộ, được toàn quyền quyết định các lĩnh vực quân sự tại Nam Bộ, theo Sắc lệnh số 18/SL ngày 21/3/1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Như vậy, sau 3 năm đi vào Nam, tướng Nguyễn Bình là Tư lệnh Nam Bộ đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tư lệnh toàn quân vùng Nam Bộ.

Trước đó, vào tháng 1/1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong Trung tướng và là vị Trung tướng đầu tiên trong 11 tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong những ngày đầu kháng chiến, tình hình Nam Bộ hết sức rối ren, phức tạp, có thể ví như thời kỳ “Thập nhị sứ quân” hỗn loạn với nhiều đảng phái tranh giành nhau và phải đối diện với một đội quân viễn chinh hùng hậu của thực dân Pháp sau những ngày được củng cố quân đội.

Tướng Nguyễn Bình đã tìm mọi cách tập hợp các lực lượng kháng chiến dưới sự chỉ huy chung và nhanh chóng tổ chức một cuộc kháng chiến toàn dân- toàn lực- toàn diện chiến đấu chống quân thù.

Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, vì Nam Bộ lúc đó rất nhiều màu sắc chính trị, đảng phái và tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên, Hải Hồ (do Nhật tổ chức)... Tướng Nguyễn Bình tìm được giọng nói thích hợp với từng hạng người. Với tư sản Sài Gòn, ông đề cập tinh thần quốc gia.

Với nông dân, ông nói về chia ruộng đất các đại điền chủ cấp cho dân nghèo. Với thanh niên, ông kêu gọi lòng dũng cảm vì nước quên mình... Nhưng ông cũng dùng cả hình phạt với những kẻ lợi dụng chiến tranh để làm giàu bằng cách hợp tác tay sai với quân Pháp...

Một vị tướng võ nghệ cao cường biết thu hút nhân tâm của nhiều phe cánh, để vừa tồn tại vừa phát triển sự nghiệp kháng chiến đang gian nan, ngay từ buổi đầu chống Pháp. Quả thật là tài ba!

Những ngày đầu tiên vào Nam Bộ, tướng Nguyễn Bình đã sử dụng hết tài đức của mình kể cả tác phong anh hùng mã thượng để thu phục các nhóm cánh quân của Bảy Môn, Mười Lực, Mười Trí, Bảy Viễn, Tám Mạnh, Ba Dương,...

Không những thế, tướng Nguyễn Bình còn thu phục được giới trí thức làm việc như GS. Phạm Thiều, Đặng Minh Trứ, luật gia Lê Đình Chi, Huỳnh Kim Trương, tướng Huỳnh Văn Nghệ...

Đây là những vị tướng lĩnh, những người đã từng nổi bóng giang hùng những ngày đầu cuộc chiến, mà tại vùng đất Nam Bộ đều rất nể nang (theo “Biên niên sự kiện lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945- 1975”, NXB Chính trị Quốc gia- Sự thật, 2011).

Còn theo tư liệu lịch sử của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, sau khi củng cố các LLVT ở Nam Bộ, phát huy các mũi tiến công từ các tỉnh- thành, ông trên đường ra Bắc báo cáo và xin ý kiến Trung ương và Bác Hồ. Tại vùng Đông Bắc Campuchia, ông đã bị địch phục kích và hy sinh ngày 29/9/1951 tại xã Srê Dốc (huyện Sê San, tỉnh Xtrung Treng- Campuchia).

Do địa hình khó xác định nên năm 2000, đoàn công tác đặc biệt của Bộ Quốc phòng đi tìm hài cốt cố trung tướng có 14 người, do Đại tá Đỗ Minh Nguyệt- Trưởng Phòng Chính sách thuộc Tổng cục Chính trị làm Trưởng đoàn.

Trước đó, Đại tá Trần Bá Hào- nguyên Cục phó Cục Tác chiến- Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng, người đã từng chiến đấu bên cạnh Trung tướng Nguyễn Bình- đã có công thu thập cứ liệu từ nhiều nguồn tin cậy, rồi tác nghiệp lên bản đồ để xác định tọa độ, triển khai việc tìm kiếm tại vùng đất hẻo lánh thuộc tỉnh Xtrung Treng.

Tại địa bàn Quân khu 1 Campuchia, đoàn được Trung tướng Thao Cung- Tư lệnh Quân khu 1 cùng các cơ quan trong Quân khu đón tiếp nhiệt tình và bố trí phương tiện đi lại chu đáo. Điều mà đoàn cán bộ của Bộ Quốc phòng ta không ngờ tới là phía bạn đã tìm ra được người đã trực tiếp mai táng Trung tướng Nguyễn Bình khi ấy.

Sáng 27/2/2000, nhờ 2 vị bô lão địa bàn Quân khu 1 Campuchia dẫn đường, đoàn công tác đặc biệt đã tìm ra phần mộ của ông vốn được đồng bào MơNông tại vùng này gìn giữ nguyên vẹn và đưa thi hài vị tướng đầy huyền thoại trở về Việt Nam.

Vào 15 giờ 30 ngày 29/2/2000, tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong nghi lễ đón tiếp trang trọng của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và UBND TP Hồ Chí Minh, vị tướng tài ba, dũng trí, Tư lệnh đầu tiên ở Nam Bộ đã được đưa về đất nước quê hương sau 49 năm nằm trên đất bạn.

Trung tướng Nguyễn Bình là vị tướng lĩnh đầy tài ba, bản lĩnh, có tầm thu hút nhiều tướng lĩnh và nhiều nhân sĩ, trí thức cùng đi theo cuộc kháng chiến và trung thành hết mình với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.

Từ những năm đầy ác liệt, khó khăn trăm bề trong những ngày đầu chống thực dân Pháp, tướng Nguyễn Bình đã trở thành người trung tâm, mang chủ trương của Đảng, Bác Hồ để phát động nhân dân toàn Nam Bộ đứng lên. Trung tướng Nguyễn Bình đã góp công sức to lớn để viết nên trang sử vàng vùng đất Nam Bộ anh hùng.

  • ™PHẠM BÁ NHIỄU