Lời ru ngàn xưa cũng phải giữ gìn!

Cập nhật, 13:24, Thứ Sáu, 16/12/2016 (GMT+7)

Tình yêu tiếng quê hương là một tình cảm lớn lao được vun đắp từ những lời ru nho nhỏ.

Thầy Đinh Văn Đức, Giáo sư tại Khoa Ngôn ngữ, Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – ĐHQG Hà Nội, có trao đổi với tôi về việc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà cả xã hội đang quan tâm.

Thầy nói: “Tôi đọc nhiều bài trên trên các báo về tiếng Việt và giữ gìn tiếng Việt, thấy ông và mọi người thống kê và chỉ ra nhiều lỗi dùng chưa chuẩn tiếng Việt về từ ngữ, cách nói năng đây đó.

Tất nhiên là cần. Nhưng có một vấn đề rất thiết thực với tiếng Việt ngàn đời của ông cha ta thì chưa thấy bàn thảo, như lời lẽ trong lời ru của các bà mẹ ru con chẳng hạn”.

Tôi trả lời, lời ru hay là ca dao, dân ca, thành ngữ, tục ngữ… là sản phẩm ngôn ngữ dân gian có từ bao đời nay. Tất cả đều quá hay và vẫn luôn luôn hay. Nhân dân cứ thế mà sử dụng chứ có vấn đề gì đâu!

 

Nhưng mấy ví dụ thầy dẫn ra khiến tôi không thể thờ ơ. Mà ngẫm ra chuyện này quả là đáng giật mình, báo động. Ấy là, các bà mẹ trẻ bây giờ hầu như không biết ru con.

Ru con là cách hát dân gian dựa trên những bài ca dao, hay có khi chỉ một số câu thơ có vần điệu. Những bài hát nhẹ nhàng và êm như hơi thở, kèm theo các động tác nựng, vỗ về làm cho trẻ dễ ngủ và ngủ ngon. Không có ai phổ nhạc thành một bài ru theo cách kí âm thông thường.

Nhưng bất luận một người Việt Nam nào nghe cũng nhận ra tiếng ru so với bất kì một ca khúc nào đó. Nó có giai điệu âm hưởng riêng, rất du dương, ngọt ngào, tình cảm và tha thiết.

Tôi không thể quên những lời ru của bà và mẹ năm xưa, đa số lấy từ những áng ca dao (và cả Truyện Kiều nữa).

Ca dao nhiều nhất là về hình tượng con cò: Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về…; Cái cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…; Cái cò lặn lội bờ ao/ Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua…; Rồi: Cái ngủ mày ngủ cho lâu/ Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về…; Rồi: Con ong làm mật yêu hoa/ Cá bơi yêu nước, chim ca yêu trời… (Tố Hữu).

Cả những lời ca tự biên tự diễn nữa. Có thể nói, bất luận một câu lục bát nào, một câu vè nào... khi được các bà mẹ hát lên cũng bỗng nhiên trở thành một bài ca tuyệt vời nhất. Nó ngọt ngào, sâu lắng, êm ái đưa bé thơ vào giấc ngủ ngon lành.

Bây giờ, nhiều cô gái tân thời, mĩ miều, sành điệu… nhưng không cất lên nổi một tiếng ru. Ai đời lại hát cho con nghe bằng nhạc pop, nhạc rock hiện đại.

Có nàng sắm di động cầm tay, mở luôn nhạc mới được tải về qua mạng đặt bên nôi con. Trẻ sơ sinh nghe nhạc xập xình hỏi làm sao mà có thể bồi đắp cho các em cái hay, cái hồn vía của tiếng Việt giàu âm sắc ngân nga?

Quay sang các ông bố trẻ, cũng chẳng hơn gì. Lời ru thường là của mẹ, vì mẹ chăm nom, ôm ấp, cho trẻ bú mớm từ lúc còn thơ.

Nhưng như thế không có nghĩa là ông bố không bao giờ đảm đương chức trách đó. Rất nhiều cụ ông và các ông bố thời xưa, ru trẻ cũng say sưa, mượt mà như các mẹ.

Cũng bởi trong tim họ đang mang tấm lòng người mẹ. Nhân mấy ngày đi cùng sinh viên thực tế về một vùng quê ngoại thành Hà Nội, có lần tôi sững sờ trước lời ru của mấy ông bố nhà ta.

Họ học ở đâu được mấy câu hò “ba láp” (bình thường chỉ đọc cho vui vẻ, tếu táo) và đem ru con rất tự nhiên: Ước gì anh hóa ra bèo/ Em như dòng nước anh trèo lên trên; Ước gì em hóa ra trâu/ Còn anh thành đỉa anh bâu vào đùi; Cái con hàng xén điêu ngoa/ Tao mà tóm được chết cha mày giờ; Tám ngàn một vại cầm tay/ Ngủ ngon với cốc bia đầy con ơi…

Chắc các ông bố nghĩ là, đứa nhỏ đang ru mới “nứt mắt” vừa sinh “mu ti” hiểu sao được lời lẽ, cốt có nhạc là được. Nhưng ông có biết rằng, ông đâu chỉ ru cho bé nghe. Xung quanh ông còn nhiều bé lớn hơn sẽ nghe được.

Chúng sẽ nghĩ thế nào? Mà chẳng phải chỉ bọn trẻ, người lớn nghe thấy cũng không ổn. Có thể họ sẽ bị ảnh hưởng và nhiễm phải những lời lẽ đó. Và nếu không, họ sẽ mất thiện cảm rất nhiều trước cách nói năng của bố mẹ với con cái. Người ta sẽ cười và nói: Coi chừng rau nào sâu ấy!

Lời ru ngàn đời vẫn hay, vẫn đẹp. Chúng ta nên giữ gìn nó hằng ngày trong mỗi căn nhà ấm cúng với các thế hệ con cháu chúng ta. Tình yêu tiếng quê hương là một tình cảm lớn lao được vun đắp từ những lời ru nho nhỏ./.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình/VOV