Việt Nam 30 năm trước trong những bức ảnh "có cả mùi hương"

Cập nhật, 05:53, Thứ Sáu, 08/04/2016 (GMT+7)

“Việt Nam là một đề tài tuyệt vời đối với tôi, một cảm giác ngây ngất không bao giờ chán. Tất cả cuốn hút tôi: con người, cảnh quan, những ngành nghề nhỏ, kiến trúc, ánh sáng. Khi xem một số bức ảnh, thậm chí tôi còn thấy lại cả mùi hương. Tôi có nhiều ảnh về Việt Nam hơn hẳn những bức tôi chụp ở các nước khác.”

Nhiếp ảnh gia Michel Blanchard, tác giả những bức ảnh có một không hai về Việt Nam trong những năm trước thời mở cửa mà ông ghi lại đã chia sẻ như vậy khi nói về triển lãm “Việt Nam, những năm 80” của mình, từ ngày 8-30/4, tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội.

Hình ảnh Tết Hà Nội năm 1983 của nhiếp ảnh gia Michel Blanchard.
Hình ảnh Tết Hà Nội năm 1983 của nhiếp ảnh gia Michel Blanchard.


Những hình ảnh bắt đầu từ khu phố Phùng Khắc Khoan đông đúc ở Hà thành - nơi tác giả sống thời đó, đến cảnh vật và con người ở khắp các nơi ông đã đặt chân qua ở Việt Nam.

Trong khoảng thời gian sống và làm việc tại Hà Nội, những dịp rảnh rỗi vào cuối tuần và ngày lễ, ông thường dạo chơi bằng xe đạp trên khắp các con phố để chụp ảnh phố phường.

Khi đó, thời sự, thông tin không còn là thứ được ưu tiên, mà là cuộc sống thường nhật, thú vui mãn nhãn, những mối tình bất chợt và sự đồng cảm, sẻ chia giữa người với người.

“Tôi được tặng chiếc máy ảnh đầu tiên trong đời khi tôi 14 tuổi, và tôi đã luôn luôn yêu thích chụp ảnh... Mỗi khi khám phá một đất nước, một nơi chốn, một sự kiện, tôi không thể cưỡng lại nhu cầu lưu giữ khoảnh khắc đó.

Đó hẳn là cảm nhận về khoảnh khắc thoáng qua thật mong manh, và trên hết là cảm nhận về cái đẹp,” Michel Blanchard tâm sự.

Michel Blanchard luôn mang theo máy ảnh khi đi làm phóng sự trong nước, và đã có dịp đi dọc đất nước từ Bắc vào Nam, từ Lạng Sơn đến Thành phố Hồ Chí Minh vào thời kỳ trước khi Việt Nam mở cửa đón khách du lịch.

Tuy sau đó kết thúc nhiệm kỳ phóng viên AFP thường trú tại Việt Nam, nhưng giữa ông với đất nước hình chữ S vẫn còn nhiều duyên nợ.

Thời của
Thời của "tiếng tàu điện leng keng" qua ống kính của Michel Blanchard.

Ông tiếp tục đến Việt Nam vài lần mỗi năm trong hơn mười năm với tư cách là tác giả viết sách du lịch. Những cuốn sách ông viết là một trong những cuốn đầu tiên kể về Việt Nam sau chiến tranh. 

Từ những chuyến đi này, ông phát hiện ra một Việt Nam bí ẩn, nguyên vẹn và đang chuyển mình phát triển từng ngày, để rồi tất cả trở thành nguồn cảm hứng dạt dào, trở thành những hình ảnh ấy được ông tái hiện ở triển lãm lần này.

Không chỉ là những bức ảnh ý nghĩa nhất – nhân chứng cho một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của đất nước, những tác phẩm trong triển lãm còn gây ấn tượng mạnh đến người xem. Bởi đây là cơ hội duy nhất để công chúng hồi tưởng về một Việt Nam trước đây, sống lại trong không gian những con phố Hà Nội 30 năm về trước…

Nhà báo tự do Michel Blanchard sinh ngày 31/12/1949 tại Angoulême (Pháp), Nguyên trưởng đại diện Văn phòng Thông tấn Pháp (AFP) tại Hà Nội (phạm vi 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong thời gian từ 1981-1983), phụ trách chuyên mục Du lịch, viết bài trong mục Quốc tế, Ngoại giao, phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của AFP (1976-2006), đặc phái viên đến Liban.

Làm việc tại kho lưu trữ ảnh Lào, Campuchia, Việt Nam (1973 - 2010) và các kho lưu trữ khác tại Myanmar, Philippines, Đài Loan, Panama, Chile, Reunion, Maldives, Australia, Colorado, Cyprus, Ai Cập, New Caledonia, Polynesia thuộc Pháp, Ấn Độ, Đài Loan, Madeira, Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Quebec…

Theo TTXVN