1/4 và những cú lừa lịch sử

Cập nhật, 15:21, Thứ Sáu, 01/04/2016 (GMT+7)

 

Dân tình trên mạng “thi” nhau nói dối
Dân tình trên mạng “thi” nhau nói dối

Ngày cá tháng 4 (1/4), là ngày mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể “dối lừa nhau”. Những lời nói dối đôi khi đầy thiện chí song cũng có lúc lắm bi hài.

*Nguồn gốc của ngày cá tháng tư

Theo một giả thuyết thì ngày cá tháng tư bắt đầu vào năm 1582, khi Giáo hoàng Gregory XIII đã chuyển đổi ngày bắt đầu năm mới từ ngày cuối tháng 3 thành ngày đầu tiên của tháng 1, bắt đầu lịch Gregorian mà chúng ta vẫn sử dụng ngày nay.

Sự thay đổi này đã được công bố với mọi người, tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều biết, vì thời đó chưa có thông tin đại chúng và internet như hiện nay. Do đó mà những người không biết vẫn tổ chức ăn mừng năm mới vào ngày mùng 1 tháng 4. Những người này bị cười nhạo và bị coi là những kẻ ngốc, họ còn bị gọi là “những con cá tháng tư”. Đó chính là nguồn gốc của ngày cá tháng tư theo như nhà sử học Ginger Smoak giải thích.

Một giả thuyết khác cũng liên quan đến việc thay đổi ngày bắt đầu năm mới, nhưng lại bắt nguồn từ nước Pháp vào năm 1564. Vào ngày 1/4/1564, có một số người dân tại Pháp vẫn ăn mừng ngày đầu năm mới theo lịch cũ và họ đã bị những người khác dán một con cá giấy lên lưng. Và do đó cái tên “cá tháng tư” có bắt nguồn từ Pháp.

Có nhiều người khác không đồng tình với giả thuyết trên, họ cho rằng “cá tháng tư” là một ngày nhằm đánh dấu việc kết thúc các lễ hội mùa xuân khi bắt đầu tháng 4. Theo các tài liệu được lưu giữ tại bảo tàng Hoaxes tại California (Mỹ), ngày cá tháng tư đã xuất hiện vào đầu những năm 1500.

Cho đến nay thì ngày cá tháng tư vẫn được ghi nhận là một ngày lễ đặc biệt trong năm tại nhiều quốc gia như Ba Lan, Scotland hay Iran. 

* Vòng quanh thế giới...

Tại Thụy Sĩ: Vào ngày 1/4/1957, kênh truyền hình tin tức Panorama của đài BBC đưa tin, vì mùa đông năm nay không quá lạnh giá và loài mọt ngũ cốc bị tiêu diệt nên các nông dân Thụy Sĩ đã có một vụ mùa thu hoạch mỳ spaghetti bội thu.

Trong bản tin, Pamorama cũng đưa kèm đoạn video chiếu cảnh các nông dân Thụy Sĩ kéo các sợi mỳ spaghetti từ các cành cây xuống.

Hàng trăm khán giả xem truyền hình đã tin vào bản tin này và gọi đến BBC nhờ tư vấn cách trồng cây mỳ spaghetti.

BBC đã trả lời rằng: "Hãy gieo một cọng mỳ vào hộp chứa nước sốt cà chua và sau đó hãy... cầu nguyện để hi vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến". Tuy nhiên, trước khi kết thúc chương trình phát sóng ngay trong buổi tối ngày 1/4, BBC đã cho đăng tải thông báo rằng, bản tin chỉ là một trò đùa Cá tháng Tư mà thôi.

Tại Anh: Năm 1980, BBC đưa tin rằng đồng hồ Big Ben sẽ chuyển sang chế độ đồng hồ điện tử và người ta sẽ sớm lắp bảng hiện số mới thay cho mặt đồng hồ cũ. Tin tức này ngay lập tức khiến thính giả Anh bị sốc, họ bức xúc, thậm chí giận dữ gọi điện đến yêu cầu phải bảo vệ đồng hồ Big Ben. Bản tin cũng nói rằng bốn thính giả gọi điện về sớm nhất sẽ được tặng kim đồng hồ của Big Ben. Thật khó tin khi có cả những người đang ở nước ngoài cũng gọi điện về BBC với mong muốn sẽ trở thành người may mắn.

Tại Pháp: Năm 1986, báo Le Parisienn làm cho bạn đọc được một phen hoảng hồn vì đưa ra thông tin chính phủ Pháp quyết định dỡ bỏ tháp Effeil. Sau khi dỡ bỏ, tháp sẽ được chuyển đến và dựng lại tại công viên Disneyland. Thay cho tháp sẽ là sân vận động dành cho Thế vận hội 1992.

Ngọc Liễu (tổng hợp)

Các tin khác: