Truyện ngắn

Quán cà phê tím

Cập nhật, 06:25, Chủ Nhật, 29/11/2015 (GMT+7)

Quán cà phê đèn mờ hiu hắt khách, đã từng có một thời nó là tâm điểm chú ý của xóm này bởi hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Đội ngũ tiếp viên của quán rất hùng hậu, đa số là mỹ nhân vì được chủ quán tuyển chọn gắt gao.

Khách VIP vào quán nhiều, bọn choai choai lắm tiền vào quán nhiều, người làm việc ra vào quán cũng nhiều. Quán là một tòa nhà hai tầng, được trang trí bằng những dò phong lan đẹp mắt, suốt hai bên đường vào là dòng suối nhân tạo và những ngọn giả sơn, cách bày trí đơn giản, sơn màu tím nhạt, phía trước có giàn dây tơ hồng rủ quanh.

Chủ quán là một người phụ nữ trẻ, mắt bồ câu, mũi dọc dừa, đôi môi chúm chím lúc nào cũng chực cười. Nhiều người trong xóm bảo quán không đàng hoàng bởi khách ở đó chủ yếu là đàn ông, thỉnh thoảng tiếp viên của quán lại ngồi xe chung với khách đi đâu đó. Không ai biết. Cơ quan chức năng cũng chưa thể dò xét vì bà chủ quán lúc nào cũng đóng thuế và đóng cửa quán đúng giờ giấc.

Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Quán chỉ bắt đầu vắng khách kể từ khi một người phụ nữ thuê giang hồ đánh một cô tiếp viên tại quán, vạ lây thêm mấy người khách bị thương.

Đó là tất cả những gì tôi nghe được về quán cà phê mà Phượng làm chủ. Tôi đã không gặp Phượng lâu lắm rồi, kể từ khi em bỏ nhà theo người quen lên thành phố làm công nhân rồi bôn ba đi một xứ khác. Phượng không xinh đẹp nhưng cô có một nét duyên đủ khiến đàn ông mủi lòng- trong đó có tôi. Nhà Phượng đông anh em đến nỗi hai bàn tay tôi không đếm xuể. Ngày ấy mỗi lần ra đường Phượng luôn đi rất vội, những chiếc áo cũ, ngắn cũn cỡn khiến nàng ít dám nhìn ai. Nàng thu hút tôi bởi cái nhìn e lệ và câu chào hỏi ngọt ngào, nhỏ nhẹ…

Quán cà phê Tím đón chân tôi một cách hờ hững, tôi hỏi thăm bà chủ, cô tiếp viên mặc cái áo hai dây đỏ choét nhìn tôi soi mói:

- Chị Hai đi chợ rồi, anh ngồi chờ, tí chỉ về!

Tôi ngồi nhìn những lượt người vội vã ra vào quán, họ không như tôi, họ đến không để uống cà phê…

Phượng mở cửa xe bước xuống một cách nhẹ nhàng, người đàn ông lớn tuổi choàng eo nàng bước vào. Nhìn thấy tôi, Phượng sững lại một giây rồi giả vờ không nhìn thấy, bước tiếp. Tôi ngồi chờ suốt hai tiếng mà em không trở ra, khi cô tiếp viên châm đến lượt trà thứ ba với gương mặt khó chịu thì tôi trả tiền ly cà phê, bước ra khỏi quán.

Trời vừa sụp tối, trước mặt tôi mọi thứ trở nên lạ lẫm, cứ như là có một bức tường vô hình ngăn cách tôi trở lại với thế giới hàng ngày. Tôi còn nhớ rất rõ cái ngày mà tôi lén hôn lên mái tóc em ở hàng cau trước ngõ, đôi má em khi ấy đỏ lên một cách kỳ lạ. Em nép người vào tôi, hơi thở gấp gáp. Chiếc áo sờn vai cũ kỹ không thể che hết vẻ quyến rũ của cô gái vừa chạm đôi mươi…

Ngày chia tay tôi lên thành phố, em khóc rất nhiều, nước mắt em thấm đẫm áo tôi. Tôi tiễn em ra bến xe trong một nỗi buồn vô hạn. Kể từ đó, tôi không biết tin tức gì về em...

Tôi ở trọ trong một nhà nghỉ gần đó, khi tôi đi ăn về, bắt gặp cô gái mặc áo hai dây đỏ choét buổi sáng vừa bước ra cùng một người đàn ông. Tôi mỉm cười nhìn cô, bước đến tiếp tân xin nhận chìa khóa phòng số mười bảy.

Không biết do tình cờ hay định mệnh, tối đó khi tôi sắp ngủ thì có tiếng gõ cửa nhè nhẹ ở phòng tôi. Tôi ngạc nhiên nhưng cũng mở cửa. Phượng đứng đó, đôi mắt e lệ ngày nào đã hằn lên dấu vết của thời gian.

Tôi mời em vào phòng, Phượng ngồi xuống chiếc giường và nhìn tôi:

Anh Huy đến đây có công tác à?

Anh đi tìm em.

Tìm em làm gì?

Anh không biết, nhưng anh đã đi tìm em suốt năm năm nay.

Phượng cất tiếng cười khanh khách:

Đừng nói anh si tình tôi đến mức ấy. Tôi không còn là cô gái mười tám đôi mươi ngày nào nữa đâu!

Tôi im lặng nhìn Phượng, tôi đau xót khi thời gian và những cám dỗ của cuộc sống cuốn em ngày càng xa tôi.

Em có thể đóng cửa quán và theo anh về quê không?

Anh có thể nuôi tôi suốt đời sao? Tôi bây giờ phải mặc đồ hiệu, đi xe sang, ăn nhà hàng đắt tiền, tôi không sống nghèo khổ được.

Anh không lo cho em được hết những thứ đó. Nhưng anh sẽ cho em mọi thứ tốt nhất mà anh có được.

Em lại cất giọng cười thật to, lắc đầu nhìn tôi rồi đứng dậy, với tay lấy cái túi xách và bước ra khỏi phòng. Tôi mở cửa sổ nhìn xuống, dáng em xiêu vẹo vẽ nên những đường nét lạ lẫm trên mặt đất bởi ánh đèn đường.

Suốt một tuần, sau khi làm việc với đối tác xong thì tôi đến ngay quán Tím. Em không hề bước ra, chỉ lặng lẽ ngồi phía trong quầy quan sát tôi. Tôi bảo với cô tiếp viên đưa cho Phượng một mảnh giấy nhỏ, bảo rằng tôi đủ kiên nhẫn để đợi em đến suốt đời.

Ngày thứ ba của tuần thứ hai, khi tôi đến thì quán đóng cửa. Nghe nói là chủ quán đã sang lại và đi đâu đó. Tôi biết em đang cố tình trốn tránh tôi. Khi tôi ngồi trong phòng thì tiếng gõ cửa nhẹ nhàng. Tôi mở cửa. Không phải là Phượng. Cô tiếp viên mặc áo hai dây đỏ choét hôm trước mỉm cười nhìn tôi:

Chị Hai gửi cho anh cái này

Cô giúi vào tay tôi một bì thư, rồi quay lưng đi rất nhanh.

Tôi đóng cửa phòng, mở cái phong bì. Trong đó là năm mươi triệu, vài dòng chữ nguệch ngoạc: “Anh mang về cho ba má em dùm. Còn anh đừng tìm em nữa, em không xứng đáng với anh!”

Hôm sau, tôi mang theo gói tiền đến quán. Ngoài cổng vẫn treo tấm bảng: “Tạm nghỉ chờ sửa chữa”, tôi nhắn với người bán vé số dạo gặp mấy lần ở quán: “Chị nhắn bà chủ quán này giùm là mai tôi có việc nên phải về, tôi cho chị số điện thoại để nếu cần chị gọi cho tôi…”

… Tôi lấy vé ngồi trên xe tốc hành về công ty. Những hàng cây lùi dần về phía sau, trong óc tôi hình ảnh cô gái e lệ ngày nào vẫn còn in sâu trong óc. Tiếng điện thoại báo tin nhắn: “Cảm ơn anh vẫn nhớ tới em, em chỉ cần biết anh yêu em là đủ lắm rồi, kể từ giờ phút này, anh hãy quên em đi”.

Tôi gọi ngay lại vào số điện thoại ấy, bên kia một giọng nói vang lên: “Số điện thoại của quý khách hiện không liên lạc được…”

Cái khoảng trống ấy cuốn tâm trí của tôi, hình ảnh của Phượng ngày nào rơi vào một khoảng không heo hút. Có lẽ tôi sẽ phải lại mất năm năm nữa để có một lần gặp lại em. Tôi kiên nhẫn đợi chờ bởi em đã có số điện thoại của tôi, biết đâu…

Trần Thị Hoàng Mỹ (Long Hồ)