"Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa"

Cập nhật, 06:30, Chủ Nhật, 08/11/2015 (GMT+7)

Hàng năm, cứ đến ngày 11- 12/9 âm lịch, lễ kỷ niệm ngày hy sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đều được diễn ra tại Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ- Long An) với nhiều hoạt động phong phú, thu hút hàng chục ngàn lượt du khách vùng ĐBSCL đến tham gia, tưởng niệm.

Di tích Vàm Nhựt Tảo và Đền tưởng niệm Nguyễn Trung Trực.
Di tích Vàm Nhựt Tảo và Đền tưởng niệm Nguyễn Trung Trực.

Oai linh vị anh hùng yêu nước

“Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”- hai câu thơ nổi tiếng mà nhà thơ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt, ca ngợi vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong cuộc khởi nghĩa kháng chiến chống thực dân Pháp tại tỉnh Long An năm 1861. Hiện nay, chiến tích đó vẫn còn khắc ghi tại di tích Vàm Nhựt Tảo.

Còn nhớ, từ hồi nhỏ xíu- trước khi đến trường, chúng tôi đã được người lớn kể cho nghe nhiều câu chuyện về cụ Nguyễn Trung Trực, như một huyền thoại về lòng yêu nước của dân ta.

Hồi xưa và cho đến ngày nay, ở Nam Bộ có rất nhiều gia đình có thờ linh vị anh hùng Nguyễn Trung Trực hoặc treo ảnh chân dung ở vị trí trang trọng trong nhà. Do đó, mà những trang sử chống giặc ngoại xâm đã tự nhiên thấm sâu trong lòng những đứa trẻ, trước khi chúng được học lịch sử ở trường.

Nguyễn Trung Trực người gốc Bình Định. Sau khi thực dân Pháp nhiều lần đánh phá duyên hải Trung Bộ, gia đình ông phiêu bạt vào Nam định cư tại tỉnh Long An.

Đến khi thực dân Pháp chiếm các tỉnh Nam Kỳ, ông là một trong những người đầu tiên ở Nam Bộ phất cờ khởi nghĩa, tụ họp nghĩa quân kháng Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX. Và ngày 10/12/1861, dưới sự giúp đỡ của nhân dân và hương chức làng Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực cùng với nghĩa quân đốt tàu chiến L’Espérance- được xem là hiện đại lúc bấy giờ của thực dân Pháp.

Chiến thắng này là sự minh chứng lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân Nam; cũng là sự kiện đặc biệt- lần đầu tiên, duy nhất đánh chìm được một tiểu hạm của Pháp trong phong trào kháng chiến chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX.

Sau trận đánh đó, Nguyễn Trung Trực lãnh đạo nghĩa quân chống Tây trên khắp mặt trận miền Đông, miền Tây Nam Bộ, lập nên những chiến công vang dội làm cho quân thù bạt vía. Trong đó, điển hình trận đánh đầu tiên nghĩa quân chiếm được trung tâm đầu não địch trong 5 ngày ở Kiên Giang, rồi rút ra Phú Quốc lập căn cứ chống Pháp lâu dài.

Đỉnh cao của lòng yêu nước, được Nguyễn Trung Trực dõng dạc nói trước pháp trường: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”; câu nói chấn động lòng người đã trở thành bất hủ.

Có thể nói trận đánh trên vàm Nhật Tảo, đã tạo niềm tin cho dân ta trước sức mạnh của vũ khí hiện đại và trở thành “mồi lửa” châm ngòi cho những cuộc đấu tranh chống Pháp lan tỏa và trở nên mạnh mẽ hơn.

Ghi công người anh hùng dân tộc, hậu thế mãi lưu truyền, tôn kính trong dân gian, cùng với nhiều công trình thờ tự trên khắp miền Tây Nam Bộ.

Đền tưởng niệm Nguyễn Trung Trực ở tỉnh Long An, nằm trong cụm công trình văn hóa Vàm Nhựt Tảo tại huyện Tân Trụ, nơi diễn ra trận “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa” với diện tích rộng 6ha. Đến 28/6/1996, Vàm Nhựt Tảo được công nhận Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia.

Tượng đài giữa lòng dân

Bên cạnh việc lập đền tưởng niệm, để tưởng nhớ và tri ân đến chiến công hiển hách, oanh liệt của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, hàng năm cứ vào ngày 11- 12/9 âm lịch, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An đều tổ chức lễ kỷ niệm ngày hy sinh của ông một cách trang nghiêm, long trọng và lễ kỷ niệm 147 năm ngày hy sinh của ông được tổ chức năm 2015 cũng vậy.

Trước khi vào Đền tưởng niệm khoảng chừng cây số, chúng tôi thấy nhà dân ở hai bên đường đều lập bàn hương án với bức chân dung của vị anh hùng dân tộc cùng “hương, đăng, trà, quả” bái vọng.

Đây là nghi thức truyền thống của người Nam Bộ, mỗi khi có lễ thỉnh sắc thần đi qua nhà. Chú Ba Long- một người dân ở địa phương cho biết: “Vào những ngày này, nhà dân hai bên đường đều lập bàn hương án đặt trang trọng trước nhà để thờ, trước là tưởng nhớ đến cụ Nguyễn Trung Trực đã hy sinh vì nghĩa lớn cho nhân dân Long An, sau là tưởng nhớ đến những nghĩa sĩ có công từng chung vai, sát cánh với cụ trong kháng chiến chống Pháp”.

Phía trong khuôn viên đền tưởng niệm là một quang cảnh thật sự náo nhiệt, từng đoàn người từ nông dân, học sinh đến các bô lão áo dài khăn đóng ở các đình, chùa, đại biểu các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh Long An và những địa phương lận cận đều trang phục chỉnh tề, yên lặng xếp hàng ngay ngắn để chờ được vào thắp nén hương thơm lên nghi thờ của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Đông đảo người dân dự lễ dâng hương anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Đông đảo người dân dự lễ dâng hương anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Trong dòng người đông đảo ấy, chúng tôi được tiếp chuyện với cô Nhờ, hiện công tác ở Hội Cựu giáo chức huyện Tân Trụ (Long An). Cô tâm sự: “Năm nào cũng vậy, đến lễ kỷ niệm của cụ Nguyễn Trung Trực, tôi đều đến thắp hương thể hiện tấm lòng thành kính đối với những cống hiến to lớn của cụ đối với quê hương, xứ sở”.

Còn em Thu Minh- học sinh Trường Tân Phước cho biết: “Trong lớp, con được thầy cô nói nhiều đến tiểu sử của cụ, nhưng đến bây giờ được tham quan tìm hiểu về di tích Vàm Nhựt Tảo, con mới hiểu rõ về cuộc đời, sự nghiệp của ông. Con rất tự hào quê hương Long An có được người anh hùng của dân tộc”.

Du khách đến với lễ kỷ niệm còn được BTC tiếp đãi nhiều món ẩm thực chay và xem văn nghệ với những tiết mục hay, đặc sắc ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi chiến công vang dội của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, đặc biệt là tái hiện trận chiến đốt tàu L’Espérance trên vàm Nhựt Tảo, làm cho thực dân Pháp bị “kinh hồn, bạt vía”.

Vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã đi vào lịch sử, đã đi vào tâm cảm người dân Nam Bộ như một tượng đài của vị nhân thần.

 

Để diệt được tàu chiến L’Espérance, Văn bia di tích Vàm Nhựt Tảo có ghi: “Tự cổ chí kim, chính nghĩa thắng hung tàn, chí đã quyết diệt trừ loài cường bạo. Trước bày kế nghi binh dụ địch, khua trống chiêng làm giặc loạn lòng quân. Sau bất thần dụng chước hỏa công, làm nên trận hỏa hồng Nhựt Tảo”.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TRIẾT