Cơm nhà mẹ nấu

Cập nhật, 12:48, Thứ Bảy, 03/10/2015 (GMT+7)

Quê hương là gì hở mẹ.

Mà cô giáo dạy phải yêu.

Quê hương là gì hở mẹ.

Ai đi xa cũng nhớ nhiều.

(Đỗ Trung Quân)

Cơm nhà mẹ nấu không nhiều món ngon vật lạ như cơm tiệm ở thành phố đông đúc, xa hoa, tráng lệ này. Thịt cá, hải sản, tất tần tật rau củ quả gì cũng có, chỉ với việc đơn giản ngồi xuống rung chân, so đũa đợi phục vụ “cơm bưng rót nước”, ăn và trả tiền, rồi đi khỏi cần dọn dẹp…

Cơm nhà mẹ nấu chỉ có vài món mẹ đi chợ làng nho nhỏ, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có rau luộc, dưa mắm, chao, cá kho, tô canh bầu hay mồng tơi xắt nhuyễn, hôm nào sang sang chút thì có được thêm đĩa cá chiên nước mắm, miếng ba rọi khìa nước dừa. Còn những ngày mưa tầm tã, mẹ buôn bán ế ẩm, cả nhà chỉ quây quần với nồi cháo đặc sệt ăn với vài con cá lòng tong kho quẹt. Thế đó, ăn hoài mấy mươi năm trời mà không thấy ngán…

Cơm nhà mẹ nấu khi ăn là phải chờ đông đủ. Ông bà ngồi trước, đợi cha đi làm về, mẹ tưới xong đám rau mồng tơi trên giàn, anh chị em dọn đũa chén xong rồi mới được ăn.

Nhiều khi, đi học về đói meo mà không dám ăn vì sợ bị la là không lễ phép, kính trên nhường dưới. Cơm tiệm ở thành phố muốn ăn giờ nào thì ăn, thoải mái không sợ bị la hay rầy gì cả, ăn không hết thì bỏ lại, còn ở nhà, bà nội lại rầy “ăn bỏ mứa, thì mai mốt không có hột cơm nào mà ăn nghen con…”

Cơm nhà mẹ nấu bây giờ là cá kho tiêu đóng hộp, là mớ rau bà nội hái ngoài vườn cho cháu, là dăm ba trái đu đủ ông trồng, chục trứng gà của cha, tất cả đều được gói ghém kỹ càng như chất chứa bao niềm yêu thương theo những chuyến xe lên Sài Gòn và thầm nghĩ “giờ này nó ăn cơm chưa, nó ăn gì…”.

Nhưng thằng con thì “năm thuở mười thì” mới đụng đến vì công việc mưu sinh, học tập bận rộn, vì nếu cần chỉ ghé mua một món đồ gì đó ăn cho lẹ. Nhiều khi ngồi bần thần vì mệt, chợt thấy trong thùng rác, trong góc kẹt những món mẹ nấu, những trái cây chín nẫu… vì đã để lâu không dùng đến.

Để rồi những hôm đi làm về trễ, mua hộp cơm ngoài tiệm về căn phòng trọ ngồi ăn mới cảm cái mùi cá kho tiêu bên nhà hàng xóm mà thấy cay cay sống mũi. Không biết chiều nay mẹ cho cả nhà ăn món gì…

Cơm tiệm thành phố của đứa con xa nhà cái gì cũng có, mà vẫn thiếu, cố tìm hoài mà chẳng thấy những ngọt lịm yêu thương. Thấy thiếu dáng của mẹ lấy tay quệt mồ hôi mỗi lúc làm cơm trong màu khói bếp. Thiếu đi bóng bà khom khom bưng nồi cá kho tiêu mà miệng nhai trầu nhóp nhép.

Thiếu cái dáng của cha đi đồng về còn ngai ngái mùi hương đồng cỏ nội, thấm đẫm qua chiếc áo sờn vai. Thiếu cái dáng háu ăn của con út mỗi khi trúng món nó khoái khẩu, chăm chăm gắp và ăn ngon lành. Thiếu cái mùi thuốc rê vấn điếu của ông, tiếng cười giòn tan, tiếng của quê hương.

Giá như lúc này đang ở nhà, sẽ nằng nặng đòi mẹ ra vườn hái cho con mớ lá cách, cải đắng vô đổ bánh xèo cuốn giòn rụm trên đầu lưỡi. Thằng nhỏ sẽ vui mừng lau bàn ghế, cười hớn hở chờ cha về, mời ông bà ra bàn, so đũa cho kỹ thật kỹ… Nhưng đáp lại hai chữ “giá như” ấy chỉ là những khoảng lặng thinh, khóe mắt sao cay cay, nong nóng, hình như có giọt nước mắt chan cơm.

Của nỗi nhớ tràn đầy, của tình thương gia đình và của những kỷ niệm chẳng bao giờ vơi đi…

Của cả một đời mẹ luôn hướng về cho đứa con bé bỏng dù nó đã trưởng thành. Tình thương đó mẹ gửi hết qua mâm cơm ngày nó trở về nhà…

Mà biết đến khi nào đây?

Tiêu Minh Sơn

Các tin khác: