Kể chuyện kháng chiến

"Thiên thần" gãy cánh!

Cập nhật, 16:51, Thứ Ba, 04/06/2019 (GMT+7)

Trong chiến tranh Việt Nam, phía quân đội Sài Gòn có Binh chủng Nhảy dù, đây là lực lượng tác chiến đổ bộ đường không. Tiền thân là các đơn vị nhảy dù do thực dân Pháp huấn luyện, chỉ huy để đánh nhau với Việt Minh. Đến ngày 29/9/1954, Pháp bàn giao quân đội lại cho chính quyền Sài Gòn, trong đó có Binh chủng Nhảy dù. 

Từ khi thành lập đến khi tan rã, đơn vị nhảy dù phát triển quân số lên đến cấp sư đoàn và trở thành đơn vị Tổng trừ bị trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu của quân đội Sài Gòn. Đây là binh chủng có tính cơ động cao nhất của họ vì được hỗ trợ không vận từ máy bay vận tải cánh bằng. Chúng được gán cho cái tên là “Thiên binh Thiên thần sát cộng”, đội mũ nồi màu đỏ nên còn gọi là “Thiên thần mũ đỏ”!

Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến 2 trận đánh mà Tiểu đoàn 306 khi còn nằm trong đội hình Trung đoàn 2 Quân khu 9 đã hạ gãy cánh các “Thiên thần mũ đỏ”!

Để chuẩn bị cho sự ra đời của Trung đoàn Bộ binh 2, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã chỉ đạo đánh trận Chà Là vào đúng ngày 23/11/1963. Mục tiêu đánh điểm là Chi khu Chà Là (Cà Mau), mục tiêu cần tập trung tiêu diệt là quân địch đổ bộ đường không tăng viện cho Chà Là.

Đêm 23/11/1963, Tiểu đoàn 309 tấn công cụm cứ điểm Chà Là, đã tiêu diệt địch và cơ bản làm chủ Chi khu Chà Là; chỉ còn một bộ phận nhỏ cố thủ mà ta không tiêu diệt được, phải chuyển sang bao vây.

Trong đêm 23 rạng sáng 24/11/1963, Tiểu đoàn 306 của Trung đoàn 2, Tiểu đoàn Súng máy phòng không của Quân khu (có 27 khẩu súng 12,7mm), lực lượng pháo binh Quân khu, địa phương quân 2 huyện Cái Nước và Ngọc Hiển đã bí mật triển khai đánh địch tăng viện phản kích. Lực lượng của Tiểu đoàn 309 chỉ chừa lại một bộ phận vây lấn, bắn tỉa địch trong Chi khu Chà Là, số còn lại rút ra bố trí chờ đánh địch phản kích. Lực lượng ta bố trí đội hình dài hơn 5km.

Sáng 24/11, địch phản kích, ta và địch đánh nhau quyết liệt. Bị thiệt hại nặng sau 2 lần đổ quân, địch phải điều Tiểu đoàn Dù số 5 thuộc lực lượng Tổng trừ bị trung ương ngụy từ Sài Gòn xuống tiếp ứng. Sau những trận dội bom, đến 17 giờ ngày 24/11, địch sử dụng 19 máy bay C-47 và 2 chiếc Dacota bay vào trận địa. Trên không lúc này có đến hơn 30 máy bay các loại chi viện hỏa lực tối đa cho máy bay vận tải chở quân dù.

Các loại hỏa lực của ta tập trung diệt đoàn máy bay chở quân. Cả 2 chiếc Dacota và thêm chiếc C-47 bốc cháy. Địch vẫn nhảy dù xuống phía Tây sông Bảy Háp- trận địa của bộ đội địa phương huyện Cái Nước. Được lệnh của cấp trên, một mũi của Tiểu đoàn 306 vượt sông Bảy Háp qua phối hợp với bộ đội địa phương huyện Cái Nước đánh quân dù. Bộ đội ta tiêu diệt hàng trăm tên ngay khi dù còn lơ lửng trên không; nhiều tên không điều khiển được, dù bị vướng cây cũng bị tiêu diệt. Trận đánh với quân dù diễn ra đến hơn 19 giờ ngày 24/11/1963 mới kết thúc. Tiểu đoàn Dù số 5 này bị ta đánh thiệt hại nặng. Ta thu hơn 500 chiếc dù và hàng trăm khẩu súng các loại.

Rạng sáng 12/4/1964, ta tiêu diệt Chi khu Vĩnh Thuận (thuộc quận Kiên Long Chương Thiện) của địch. Ngày 12/4/1964, ta phục kích diệt 1 tiểu đoàn lính biệt kích và 2 đại đội lính bảo an từ căn cứ Huyện Sử lên chi viện cho Vĩnh Thuận.

Bị tổn thất nặng nề, Bộ Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn xin lực lượng chi viện. Suốt 2 ngày 13 và 14/4/1964, địch sử dụng hàng chục lần chiếc máy bay chở 2 tiểu đoàn lính nhảy dù lần lượt nhảy dù xuống kinh Mười Ba và kinh Mười Bốn, hòng đánh từ phía sau đội hình ta. Song chúng không ngờ, Tiểu đoàn 306 đang phục sẵn từ những khu vườn gần đó. Chờ cho quân nhảy dù gần tới mặt đất, các loại hỏa lực ta đồng loạt nổ súng, làm “thiên thần rụng cánh rớt như sung”. Do lực lượng quá đông, nhảy dù từ nhiều bãi nên có cả tiểu đoàn xuống được. Đêm đến, chúng đóng quân dã ngoại theo bờ kinh, Tiểu đoàn 306 của ta lại bí mật tổ chức tập kích, tiêu diệt gần hết lực lượng này.

Sau trận đánh này, địch không còn sử dụng quân nhảy dù từ máy bay có cánh nữa, mà chuyển sang trực thăng đổ quân. Tiểu đoàn 306 có vinh dự lớn là đánh trận kết thúc hình thức chuyển quân bằng máy bay có cánh nhảy dù xuống đất của địch.

(Có sử dụng tư liệu trong quyển Lịch sử Trung đoàn Bộ binh 1 Sư đoàn 330 Quân khu 9)

TRUNG NGÔN