Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng

Cập nhật, 06:54, Thứ Năm, 14/09/2023 (GMT+7)

Chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh… Đó là nội dung tại Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa được Chính phủ ban hành.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết: Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới đạt 3,72%. Đây là mức thấp hơn so với các mục tiêu đề ra. “Nhiệm vụ nặng nề cho những tháng cuối năm vì muốn đạt các mục tiêu đề ra thì các kịch bản đều hướng tới mức tăng trưởng khá cao- có những kịch bản hơn 9%, có kịch bản tăng từ 7-8%”- Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nhận định.

Thúc đẩy tăng trưởng, theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cũng có những điểm thuận lợi về sự phục hồi khá tốt của khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Trụ đỡ rất quan trọng là khu vực nông nghiệp khi chúng ta đang ở trong bối cảnh căng thẳng lương thực trên thế giới…

Tại Nghị quyết 144/NQ-CP vừa được ban hành, nêu rõ yêu cầu, trong tháng 9 và quý IV/2023, các bộ, cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và xử lý công việc theo thẩm quyền, nhất là 3 động lực: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư; thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo. Nắm chắc tình hình để kịp thời phản ứng chính sách hiệu quả trước các tình huống phát sinh.

Triển khai tích cực về giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách khác để thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

N. HOÀNG