Tập trung tháo gỡ "nút thắt" cho ĐBSCL

Cập nhật, 05:00, Thứ Tư, 01/02/2023 (GMT+7)

Trong chuyến công tác đầu Xuân mới Quý Mão 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km với quy mô từ 4 - 6 làn xe.

Theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, ĐBSCL đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn 1 (4 làn xe) với tổng chiều dài 171km cao tốc. Các dự án còn lại đang thực hiện thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai bảo đảm hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026. Như vậy, đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554km đường cao tốc, các tuyến cao tốc còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

ĐBSCL là khu vực có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, chiến lược, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng; là vùng đất rất trù phú, giàu tiềm năng, nhưng cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL.

Nghị quyết nêu rõ, ĐBSCL hiện có 2 “nút thắt” phát triển về hạ tầng và nhân lực. Do hạn chế về hạ tầng, chi phí logistics cho hàng hóa, nông sản khu vực ĐBSCL tăng cao. Việc phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có các tuyến cao tốc sẽ giúp vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, nông sản; mở ra không gian phát triển mới cho vùng.

Hiện Chính phủ đang dành nguồn lực tương đối lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL, quyết tâm trong nhiệm kỳ này làm thay đổi hệ thống giao thông tại đây, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa.

Trước đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, Thủ tướng khẳng định quyết tâm xây dựng các tuyến cao tốc. Đến nay, sau gần 2 năm, quyết tâm này đang dần trở thành hiện thực. Với đột phá về hạ tầng giao thông và đột phá về nhân lực, kỳ vọng ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Việc thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông cũng giúp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, một trong những động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

AN NHIÊN