Tái cơ cấu thị trường trong nước

Cập nhật, 05:51, Thứ Sáu, 13/01/2023 (GMT+7)

(VLO) Dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững, kết nối liền mạch với thị trường xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo không gian thị trường cho các ngành sản xuất trong nước.

Dự thảo cũng đặt ra mục tiêu nâng cao nội lực của nền kinh tế trên cơ sở mở rộng tiêu dùng nội địa gắn với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, khai thác lợi thế về quy mô dân số với sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và tiêu dùng trẻ, năng động.

Ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử... Phấn đấu giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9 - 9,5 %/năm.

Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại.

Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi; khuyến khích doanh nghiệp, HTX thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Dự thảo đề án cũng xác định, phát triển và đa dạng hóa các trung tâm tiêu dùng của cả nước theo vùng và địa bàn, gắn phát triển các trung tâm mua sắm với các trung tâm du lịch, các địa bàn tập trung sản xuất công nghiệp và dịch vụ; ưu tiên phát triển thị trường vùng nông thôn, miền núi.

Đẩy mạnh thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa.

Ưu tiên phát triển hệ thống các sàn giao dịch thương mại điện tử có kết nối quốc tế. Thu hẹp về khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử.

Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật về phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng phù hợp với cam kết quốc tế.

Tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trong cả nước. Chú trọng công tác xây dựng và phát triển lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh.

YÊN HƯƠNG