Ấn tượng tăng trưởng Việt Nam

Cập nhật, 06:25, Chủ Nhật, 01/01/2023 (GMT+7)

(VLO) Năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ...

Trong bối cảnh đó, đặc biệt trước diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Kết quả, trong năm 2022 Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, đồng thời hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12, ước tính GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02% so với năm 2021 - vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011- 2022.

Sự tăng trưởng này được đánh giá do sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp.

Điển hình, ngành thuế triển khai kịp thời các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với trên 186.000 tỷ đồng.

Việc thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp này được đánh giá là có tác động tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Nhờ đó, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Tại kỳ họp mới đây, Quốc hội ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Theo đó, nghị quyết tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh.

Nghị quyết cũng yêu cầu cần đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.

AN NHIÊN