Tiếp tục xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân

Cập nhật, 09:13, Thứ Ba, 06/12/2022 (GMT+7)

Tại buổi triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới, đồng chí Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 27 là: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Song song đó, nghị quyết hướng đến xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính… đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN vào năm 2045.

Nghị quyết 27 đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đã nêu, trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân...

Theo đồng chí Phan Đình Trạc, những điểm mới trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp

đáng lưu ý, Trung ương yêu cầu tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị. Thể chế hóa đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở.

Song song đó, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý.

Đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.

AN NHIÊN