Ổn định nguồn cung xăng dầu

Cập nhật, 05:43, Thứ Năm, 08/09/2022 (GMT+7)

(VLO) Tại nhiều tỉnh- thành ĐBSCL những ngày gần đây, liên tục xảy ra tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngưng hoạt động, nguồn cung nhiên liệu này trở nên khan hiếm, khiến người dân lo lắng.

Theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, qua kiểm tra, có khoảng 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh treo bảng hết xăng dầu, do không nhập được hàng, nguồn cung từ các thương nhân phân phối hạn chế.

Tại An Giang, theo Cục Quản lý thị trường tỉnh này, có 12 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động. Còn ở Cà Mau, qua công tác kiểm tra, giám sát của ngành chức năng, đến nay có gần 10 cửa hàng kinh doanh xăng dầu thông báo hết dầu do nguồn cung cấp từ đầu mối cung ứng đầu vào chưa về kịp.

Khan hiếm xăng dầu rơi vào thời điểm ĐBSCL bước vào chính vụ thu hoạch lúa Hè Thu đã khiến không chỉ nông dân, mà chủ máy gặt cũng rơi vào khó khăn do thiếu nhiên liệu chạy máy.

Lãnh đạo sở công thương các tỉnh- thành nhận định, việc khan hiếm xăng dầu cục bộ tại cửa hàng bán lẻ do một số đầu mối kinh doanh xăng dầu phân bổ sản lượng không đảm bảo nhu cầu cho các chi nhánh.

Trong khi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, hoa hồng thấp chính là lý do khiến các đại lý nản lòng, nên đợi bán ra hết hàng mới nhập hàng về để bán tiếp.

Trên thực tế, muốn nhận được hàng phải báo trước 1- 2 ngày để đơn vị cung ứng sắp xếp nguồn hàng. Chính vì thế, có nhiều đại lý phải treo bảng “đang nhập hàng” và tạm ngưng bán trong 1 buổi hoặc 1 ngày để chờ nhận hàng.

Để tránh tình hình khan hiếm nguồn nhiên liệu xăng, dầu xảy ra ở diện rộng, nhiều tỉnh- thành ĐBSCL có công văn gửi Bộ Công Thương sớm có giải pháp ổn định nguồn cung.

Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị sở công thương các tỉnh- thành chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung; giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng. 

Đặc biệt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.

N. HOÀNG