Không lơ là với hạn, mặn

Cập nhật, 15:03, Thứ Sáu, 05/01/2024 (GMT+7)

 

Người dân chủ động trữ nước để phục vụ tưới tiêu.
Người dân chủ động trữ nước để phục vụ tưới tiêu.

Những ngày qua, khi mà độ mặn đã vượt ngưỡng an toàn, địa phương cùng các nhà vườn tại cù lao Dài, huyện Vũng Liêm đã thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó với xâm nhập mặn (XNM), bảo vệ sản xuất.

Là vùng trồng chuyên canh cây sầu riêng, trong những ngày qua, khi có cảnh báo độ mặn lên, nhiều nhà vườn tại cù lao xã Thanh Bình- Quới Thiện (huyện Vũng Liêm) đã chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất.

Theo đó, hầu hết các hộ dân trên địa bàn đã tự trang bị máy đo độ mặn, áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm. Nhiều nhà vườn đã cải tạo mương vườn, thường xuyên đo độ mặn, kiểm tra cống bộng để chủ động nguồn nước tưới tiêu.

Thực hiện trữ nước trong mương vườn sầu riêng để ứng phó khi nước mặn xâm nhập sâu, anh Lê Văn Việt (xã Thanh Bình) cho hay:

“Khi có thông báo độ mặn sẽ lên tôi đã trữ hơn 200m3 nước trong mương để tưới gốc và phun trên lá cho 2 công sầu riêng. Lượng nước đủ tưới cho vườn trong 2 tuần. Khi nào độ mặn xuống ngưỡng an toàn thì bơm vô mương để trữ tưới tiếp. Nhờ chủ động trữ nguồn nước ngọt và thường xuyên kiểm tra độ mặn của nước, nên năm rồi vườn sầu riêng của gia đình tôi không bị ảnh hưởng khi mặn xâm nhập”.

Chú Phẩm Văn Tiếu- Tổ trưởng Tổ sản xuất sầu riêng VietGAP (xã Thanh Bình) cũng chia sẻ: “Chuẩn bị ứng phó đợt XNM năm nay, tôi cũng xây được bồn nước 9m3 để phun tưới trên lá và trên trái. Trước khi tưới gốc sầu riêng, tôi cũng đo độ mặn. Năm nay, mọi người xung quanh cũng chuẩn bị chu toàn để ứng phó hạn mặn”.

Theo ngành chức năng địa phương, trong năm qua, xã Thanh Bình được đầu tư hoàn thành 3 cống ngăn mặn ở 3 vàm giúp việc ứng phó XNM thuận lợi hơn. Song song đó, dù có kinh nghiệm ứng phó sau nhiều năm nước mặn xâm nhập đến địa bàn, tuy nhiên người dân, chính quyền địa phương cũng không chủ quan.

Ông Hồ Văn Trọn- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, cho hay: Thời điểm con nước dâng lên, có cảnh báo mặn của ngành chức năng, địa phương thường xuyên đo độ mặn thông báo cho bà con nông dân biết để chủ động ứng phó. Đồng thời, xã cũng tăng cường nạo vét kinh mương nội đồng để trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu; thực hiện đóng tất cả các cống trên các tuyến đê bao để ngăn mặn, trữ ngọt.

Theo ông Hồ Văn Trọn, xã Thanh Bình có hơn 600ha trồng sầu riêng. Năm qua, nhờ sầu riêng được giá nên nông dân có thu nhập cao, nâng thu nhập bình quân đầu người trên 68 triệu đồng/năm.

Việc chủ động tăng cường các biện pháp ứng phó với XNM, giúp giảm nhẹ thiệt hại, đảm bảo đời sống và sản xuất của người dân, qua đó cũng nâng cao hiệu quả sản xuất loại cây ăn trái chủ lực của địa phương.

Các cửa cống được vận hành đóng- mở để ngăn mặn phục vụ sản xuất.
Các cửa cống được vận hành đóng- mở để ngăn mặn phục vụ sản xuất.

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, thời gian qua, người dân đã chủ động hơn trong công tác ứng phó hạn mặn. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa đối với hạn hán, XNM.

Cụ thể, theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình XNM; kịp thời thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình hạn hán, thiếu nước, XNM đến các địa phương để người dân biết nhằm chủ động phòng, tránh, ứng phó với hạn hán, thiếu nước, XNM.

Đồng thời, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, ứng phó với hạn hán, thiếu nước, XNM, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, chủ động tích trữ nguồn nước để cung cấp cho vụ Đông Xuân và Hè Thu.

Việc trữ nước thực hiện ngay từ cuối mùa mưa nhằm bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, không để bị động, bất ngờ. Song song đó, huyện sẽ nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG