Trao quyền chủ động cho địa phương khi đầu tư đường giao thông

Cập nhật, 19:05, Thứ Năm, 09/11/2023 (GMT+7)

(VLO) Ngày 9/11, trong phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất việc trao quyền chủ động cho địa phương khi đầu tư đường giao thông.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, tốc độ phát triển kinh tế luôn gắn liền với việc phát triển hạ tầng giao thông.

Một hệ thống hạ tầng giao thông tốt, xuyên suốt sẽ có tác động to lớn đến các vùng kinh tế, giảm sự chênh lệch và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các vùng miền, mở rộng thị trường, giao thương hàng hóa.

Tôi thống nhất về sự cần thiết ban hành nghị quyết theo tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội.

Việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại các Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Điều này thể hiện sự năng động, linh hoạt, đồng hành cùng chính phủ trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội hiện nay; vừa góp phần hoàn thiện thể chế vừa đẩy nhanh thủ tục để triển khai nhanh các dự án giao thông, công trình quan trọng, tạo động lực lớn; đây cũng chính là hai khâu đột phá quan trọng của nghị quyết đại hội về hoàn thiện thể chế, và đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội.   

Đóng góp thêm về một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết:  

Thứ nhất, Điều 4 dự thảo nghị quyết về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) phải đảm bảo lợi ích các bên, lợi ích nhà nước, tạo được doanh thu, lợi nhuận hợp lý kích thích sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người dân, người sử dụng các dịch vụ hạ tầng giao thông.

Hiện nay, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021- 2025 khoảng 32-34% GDP. Tuy nhiên tỉ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội; việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.   

Tuy nhiên, thực tiễn trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư PPP trong thời gian qua theo báo cáo của Bộ KH-ĐT còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần cấu trúc tài chính phù hợp trong mô hình hợp tác PPP do đặc thù rủi ro cao của các dự án hạ tầng giao thông, và nhà nước cần mở rộng biên độ hỗ trợ về tài chính nhằm tăng tính khả thi về tài chính của dự án, giúp nhà đầu tư mau hoàn vốn, nhất là đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng, miền khó khăn.   

Tôi thống nhất phương án trình của Chính phủ tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.

Đề xuất này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn; tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ; tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.

Tuy nhiên, cần xây dựng tiêu chí cho phép các dự án đường bộ được áp dụng mức trần vốn nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư.

Song song đó, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành có liên quan cần thẩm định tính khả thi của dự án trước khi kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia vào.

Quá trình thẩm định, bao gồm phân tích lợi ích - chi phí thật kỹ, giúp xác định được mức độ hấp dẫn dự án đối với nhà đầu tư tư nhân, kiểm soát được quá trình thực hiện của dự án, đo lường được tác động của dự án đến người dân, từ đó có thể loại trừ những rủi ro không mong muốn trong quá trình thực hiện.

Thứ hai, về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương (Điều 5); và về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương (Điều 6).

Tôi thống nhất với đề xuất Chính phủ trao quyền chủ động, giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án của địa phương hoặc dự án đi qua nhiều địa phương.

Cách làm này sẽ góp phần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy tiến độ hoàn thành dự án, gián tiếp hỗ trợ thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP, dự án đầu tư khác; đồng thời tạo sự linh hoạt trong điều hành ngân sách, đáp ứng nhu cầu cấp thiết và thuận lợi hơn cho công tác quản lý dự án.  

Với cơ chế đặc thù này, mong rằng từ Trung ương đến địa phương sẽ có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ; phân định rõ trách nhiệm, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình, dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; kết nối đồng bộ với các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, khai thác quỹ đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương và cả nước.

Tuy nhiên đề nghị Chính phủ đánh giá trên cơ sở xem xét năng lực điều hành, khả năng làm chủ đầu tư dự án của một số địa phương nhất định khi trao quyền vì dự án giao thông quy mô lớn đòi hỏi khả năng điều phối, năng lực điều hành, xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. 

Về chủ đầu tư, phải đủ năng lực, kinh nghiệm, khả năng triển khai nhanh nhất, tốt nhất các phần việc có liên quan.   

Song song đó, cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phân rõ trách nhiệm của các cơ quan, tránh chồng chéo; thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong huy động, sử dụng nguồn lực ở Trung ương và địa phương khi nghị quyết được Quốc hội thông qua; tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng tạo động lực và không gian phát triển.   

B.THANH- Đ.THI