Bình Tân hình thành 2 vùng sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao

Cập nhật, 05:45, Thứ Tư, 16/11/2022 (GMT+7)

(VLO) Từ điều kiện địa lý tự nhiên sẵn có, huyện Bình Tân cơ bản hình thành 2 vùng sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao.

Cụ thể, vùng phù sa ven sông Hậu, gồm các xã cặp theo sông Hậu và dọc tuyến QL54 là: Thành Lợi, Tân Bình, Tân Lược, Tân An Thạnh và TT Tân Quới, với thế mạnh phát triển cây màu công nghiệp như: khoai lang, bắp, đậu nành và là vành đai trồng rau xanh của huyện.

Trong đó có khoảng 1.420ha chuyên canh màu và cũng là vùng chuyên canh cây ăn trái như: mận, sầu riêng, mít, nhãn… Đồng thời, có tiềm năng lớn về phát triển nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp xuất khẩu.

Vùng thứ hai là vùng hơi nhiễm phèn thuộc các xã dọc theo ĐT908 và ĐT910 gồm các xã: Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng và phần còn lại của xã Thành Lợi có thế mạnh sản xuất luân canh 1 vụ lúa + 1 - 2 vụ màu, với một số loại màu chủ lực là khoai lang, dưa hấu và rau cải các loại.

Từ 2 vùng này, Bình Tân hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao như: trồng dưa hấu Tết trên đất ruộng vụ Đông Xuân + rau màu các loại vụ Xuân Hè ở xã Tân Hưng khoảng 450ha; trồng hoa huệ ở các xã: Tân An Thạnh, Tân Bình, Tân Lược và Tân Hưng khoảng 90ha; trồng chuyên hành lá ở các xã: Tân Bình, Tân Quới, Tân Lược và Tân An Thạnh với diện tích khoảng 350ha; trồng mít, sầu riêng khoảng 1.000ha rải rác tại các xã và trồng rau trong nhà lưới ở xã Tân Bình và TT Tân Quới khoảng 15ha.

CÔNG PHÚC