Phòng cháy hơn chữa cháy

Cập nhật, 05:51, Thứ Ba, 04/10/2022 (GMT+7)

 

Tiếp cận đám cháy. Ảnh: QUỐC NGUYÊN (TP Vĩnh Long)
Tiếp cận đám cháy. Ảnh: QUỐC NGUYÊN (TP Vĩnh Long)

(VLO) Cháy, nổ gây thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời. Do vậy, cơ quan chức năng quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả do cháy, nổ gây ra.

Kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm

Thống kê của Bộ Công an cho thấy tình hình cháy, nổ trong 5 năm qua vẫn còn nhiều rủi ro, phức tạp. Trong số hơn 17.000 vụ cháy được ghi nhận thì có đến 60,37% vụ xảy ra ở đô thị và nguyên nhân hầu hết xuất phát từ sự cố hệ thống, thiết bị điện và bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Gần đây, cả nước xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó có một số vụ cháy tại quán karaoke ở TP Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai.

Trước tình hình này, các địa phương trong cả nước đã ra quân kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm, bất cập, từ đó có phương án chấn chỉnh kịp thời, hạn chế nguy cơ và hậu quả do cháy, nổ gây ra.

Tại Vĩnh Long, theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh có 140 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, trong đó có 124 cơ sở đang hoạt động.

Thông qua mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”, người dân được trang bị kiến thức, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi có tình huống xảy ra.
Thông qua mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”, người dân được trang bị kiến thức, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi có tình huống xảy ra.

Thực hiện công tác phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ karaoke, từ ngày 20- 22/9, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Văn hóa, TT - DL, Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và phòng văn hóa và thông tin các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức 3 cuộc kiểm tra đối với 13 cơ sở tại TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, Long Hồ, Bình Tân.

Qua kiểm tra, các cơ sở xuất trình được giấy phép, hồ sơ liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng vẫn còn một số hạn chế như: Thiếu lối thoát nạn, chưa lắp đặt biển chỉ dẫn lối thoát nạn và lắp đặt hệ thống báo cháy theo quy định, lắp đặt biển quảng cáo che lấp ban công, sử dụng tấm nhựa cháy được trên tường và trần nhà trên lối thoát nạn,…

Nhầm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập vừa nêu, đoàn kiểm tra kiến nghị các địa phương tuyên truyền đến tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác PCCC.

Đồng thời, thiết lập đường dây nóng gửi đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke biết để kịp thời thông tin, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật, xử lý kịp thời hoặc để được tư vấn, hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật trong kinh doanh.

Nêu cao ý thức phòng cháy

Thực tế, nhiều nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh được thiết kế dạng nhà ống, gồm nhiều tầng, chỉ một lối ra thoát nạn và cửa được lắp đặt kiên cố nhưng lại bố trí nhiều vật dụng dễ cháy tại khu vực sản xuất, kinh doanh nên khi xảy ra cháy, lửa lan truyền theo phương ngang và phương thẳng đứng, bao trùm toàn bộ ngôi nhà trong thời gian ngắn, sản sinh lượng lớn khói, khí độc đe dọa đến tính mạng những người bên trong.

Cơ quan chức năng tuyên truyền vận động các cơ sở karaoke chấp hành quy định về phòng cháy chữa cháy.
Cơ quan chức năng tuyên truyền vận động các cơ sở karaoke chấp hành quy định về phòng cháy chữa cháy.

Trong khi đó, các vụ cháy thường xảy ra vào thời điểm người dân không có ở nhà hoặc ban đêm nên khi phát hiện đám cháy đã lan rộng.

Tại khu dân cư, hạ tầng giao thông không bảo đảm cho xe chữa cháy hoạt động, không có hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Vừa qua, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 273/KH-BCA-C07 với mục tiêu tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tại chỗ theo hướng thực chất, hiệu quả, xây dựng thế trận liên hoàn PCCC.

Triển khai mô hình này, cơ quan chức năng hướng dẫn người dân trong các khu vực dân cư thiết lập tổ liên gia gồm 5 đến 15 hộ gia đình (nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) liền kề nhau.

Mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay và tối thiểu một dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu,...). Các vật dụng này để ở nơi dễ thấy, dễ lấy khi xảy ra sự cố.

Thực hiện kế hoạch này, một số địa phương của tỉnh Vĩnh Long như: thị trấn Tam Bình, xã Mỹ An (Mang Thít) ra mắt mô hình, lồng ghép tuyên truyền các quy định của pháp luật về PCCC cách sử dụng ứng dụng “Báo cháy 114” và phổ biến các kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ.

Tại xã Mỹ An, mô hình được xây dựng tại Tổ 11 (ấp Chợ) với 18 thành viên BCĐ và 12 gia đình liền kề.

Tham gia mô hình, mỗi hộ gia đình lắp đặt 1 chuông báo cháy tại tầng một, 2 nút ấn báo cháy (1 nút ấn ở trong nhà, 1 nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp. Các nút ấn và chuông báo cháy được liên kết với nhau để kịp thời tương trợ khi có tình huống, sự cố cháy, nổ xảy ra.

Chủ tịch UBND xã Mỹ An Nguyễn Văn Vũ cho biết: Mô hình đi vào hoạt động giúp người dân hiểu rõ và nắm được các kiến thức cơ bản về PCCC, sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện xử lý tình huống nhanh chóng, hiệu quả.

Theo Bộ Công an, mô hình này lấy phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân, chỉ huy ở trong dân) làm trung tâm và người dân là chủ thể thực hiện công tác PCCC.

Bên cạnh, cần xác định được “thời điểm vàng” là không quá 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Khi đám cháy mới bùng phát, nếu lực lượng tại chỗ xử lý và dập tắt kịp thời có thể kéo giảm thiệt hại về người và tài sản xuống mức thấp nhất.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG