Thời tiết dị thường, cần ứng phó linh hoạt

Cập nhật, 05:45, Thứ Năm, 22/09/2022 (GMT+7)
Sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng.
Sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng.

(VLO) Theo nhận định của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long: Liên tiếp những hiện tượng thời tiết dị thường diễn ra thời gian gần đây cho thấy, biến đổi khí hậu đã, đang gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng lớn mọi lĩnh vực đời sống, sản xuất của người dân.

Trước tình hình tác động của thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã khẩn trương huy động toàn lực để khắc phục nhằm giảm thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra.

Cùng với đó, đặt ra yêu cầu phải cấp thiết đổi mới, nâng cao năng lực, tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ trong quản trị, dự báo và phòng chống thiên tai (PCTT) theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ nhằm sẵn sàng ứng phó, bảo vệ sinh mạng, sinh kế cho người dân.

Kỳ 1: Sạt lở từ bờ sông đến nội đồng

Tại Vĩnh Long, mỗi năm xảy ra khoảng 200 tuyến/điểm sạt lở và năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Đất ở, đất sản xuất cũng bị cuốn trôi, nhiều hộ dân luôn thấp thỏm, sống trong nỗi sợ hãi, bất an bởi nỗi lo sạt lở bờ sông.

Sạt lở ngày càng thường xuyên, nghiêm trọng

Theo ngành chức năng, người dân vùng đồng bằng có thói quen sống ven theo kinh rạch và sông ngòi. Nếu sạt lở diễn ra thì thiệt hại về tài sản và tính mạng là rất lớn, những ngôi nhà bị nhấn chìm trong phút chốc. Thời gian qua, đã có nhiều vụ sạt lở gây thiệt hại lớn về tài sản lẫn tính mạng người dân.

Thống kê hàng năm Vĩnh Long xảy ra khoảng 200 tuyến/điểm sạt lở; làm mất 5- 6km bờ sông, kinh, rạch nội đồng và sông chính, thiệt hại trên 10 tỷ đồng.

Nguyên nhân gây nên sạt lở ngoài yếu tố tác động của tự nhiên, con người cũng được xác định “làm gia tăng rất đáng kể xói lở”, đó là việc: nạo vét kinh, rạch quá mức để đắp bờ bao, đường giao thông làm mất ổn định bờ sông gây sạt lở; do xây dựng nhà cửa, kè sông lấn lòng sông, lòng kinh làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở phía bờ đối diện...

Ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho hay: Các loại hình thiên tai gây ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại đến tỉnh Vĩnh Long chủ yếu là giông, lốc, mưa lớn, sạt lở bờ sông, triều cường, hạn, xâm nhập mặn.

Trong 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 67 điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, làm mất gần 2.200m bờ sông, kinh, rạch và các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn; ảnh hưởng đến 65 hộ dân, ước thiệt hại do sạt lở là trên 5,2 tỷ đồng.

Tại buổi kiểm tra của BCĐ Quốc gia về PCTT tại Vĩnh Long, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống, đánh giá: Tỉnh Vĩnh Long có 2 con sông lớn đi ngang qua là sông Tiền và sông Hậu cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt khiến sạt lở xảy ra thường xuyên, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở như: địa chất khu vực sạt lở chủ yếu là thành phần sa bồi mềm yếu, kết cấu rời rạc, dễ bị xói trôi; xây dựng nhiều nhà ở, nhà máy, đường giao thông sát mép hoặc lấn chiếm làm tăng cao tải trọng lên bờ sông, thậm chí làm cản trở thay đổi chế độ dòng chảy; ảnh hưởng của các hoạt động giao thông thủy; khai thác tài nguyên- chủ yếu là cát sông; thậm chí có những điểm sạt lở không theo quy luật nào cả,…

Là một trong những địa phương “năm nào cũng xảy ra sạt lở”, ông Nguyễn Văn Mạnh- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh), cho hay: Khoảng 3- 4 năm trở lại đây, do tác động của thiên nhiên, biến đổi khí hậu và con người khai thác tài nguyên thiên nhiên (cát sông) nên thường xuyên xảy ra sạt lở.

Đặc biệt là cồn Sừng- mỗi năm đều xảy ra sạt lở, gia cố điểm sạt lở này lại sạt lở điểm khác. Khi bờ sông sạt lở thì kéo theo đường giao thông cặp sông bị cắt đứt, việc khôi phục rất tốn kém.

Trong khi đó, cứ đến mùa mưa bão, ông Trần Chí Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước (Long Hồ), cho hay: “Địa phương đã chủ động rà soát lại các nhà tạm, nhà tôn, để có giải pháp vận động bà con ứng phó tình hình thiên tai”.

Anh Võ Hiền Phú (xã Bình Hòa Phước) cũng chia sẻ: “Nhà tôi sát mé sông nên gió nhiều và mạnh, để bảo vệ nhà cửa, gia đình tôi được vận động chằng chống lại cho chắc chắn”.

Song song với sạt lở bờ sông, tình trạng sạt lở nội đồng cũng xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Các tuyến đường đan liên xóm, liên ấp bị chia cắt gây khó khăn cho việc đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân.

Tại thị trấn Vũng Liêm, nhiều người dân tại ấp Trung Tín vẫn còn bàng hoàng về vụ sạt lở dài hơn 40m xảy ra trong tháng 7 vừa qua.

Bà Lê Thị Tuyết Mai 70 tuổi, cho hay: “Tôi sống ở ven sông này gần 50 năm rồi nhưng chưa bao giờ xảy ra sạt lở nghiêm trọng như vầy. Sạt lở lúc nửa đêm nên trở tay không kịp. Lúc đầu chỉ lở tuyến đường đan trước nhà, hôm sau đã lở đến sân”.

Đánh giá về tình hình sạt lở tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Công tác dự báo cũng như phòng chống sạt lở gặp rất nhiều khó khăn, đất sụp là sụp ngay.

Sạt lở ăn sâu vào bờ.
Sạt lở ăn sâu vào bờ.

Điển hình như cồn Thanh Long từ 70ha nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 50ha, sạt lở rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đời sống, tài sản, an toàn tính mạng người dân.

Từ đầu năm đến nay, giông, lốc và mưa lớn đã gây sập, tốc mái là 101 căn nhà, nhiều công trình, ruộng lúa, cây ăn trái… bị ảnh hưởng, ước thiệt hại trên 28,3 tỷ đồng.

Nhiều vấn đề đặt ra

Ông Lưu Nhuận cho biết: Tỉnh đã kiện toàn ban chỉ huy PCTT- TKCN các cấp; quan tâm xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất và dân sinh hàng năm.

Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của các đoàn thể, người dân trong công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai.

Song song đó, các địa phương triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, khi có thiên tai xảy ra đã nhanh chóng huy động lực lượng tại chỗ ứng phó kịp thời, hỗ trợ người dân di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Người dân phập phồng lo sợ trước thiên tai.
Người dân phập phồng lo sợ trước thiên tai.

Từ đó đã góp phần làm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn. Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác PCTT- TKCN, trong đó tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, thiên tai; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân,…

Tại huyện Mang Thít, bà Nguyễn Huỳnh Thu- Bí thư Huyện ủy, cho hay: “Chúng tôi chỉ đạo trong các cấp ủy Đảng, chính quyền từng địa phương phải nắm sát tình hình. Trước tiên phải khảo sát những địa bàn trọng yếu có nguy cơ dẫn đến sạt lở, ảnh hưởng của thiên tai. Thứ hai, phải thường xuyên có thông tin đến bà con về diễn biến của thời tiết để kịp thời ứng phó”.

Tuy nhiên, công tác PCTT- TKCN của tỉnh vẫn còn một số khó khăn. Theo ông Lưu Nhuận, mức hỗ trợ thiệt hại còn thấp, người dân còn gặp khó khăn trong việc khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Bên cạnh đó, sạt lở xảy ra trên nhiều địa bàn, do thiếu kinh phí nên số điểm/tuyến được xử lý khắc phục rất ít. Việc thiếu thông tin, cảnh báo, dự báo về sạt lở gây khó khăn trong công tác ứng phó.

Đó là chưa kể, việc vận động các hộ dân sống ở vùng sạt lở và nguy cơ sạt lở di dời đến nơi ở mới cũng còn nhiều trở ngại, do các hộ dân không còn quỹ đất để xây dựng; vào cụm tuyến dân cư làm thay đổi thói quen hàng ngày, ảnh hưởng đến công việc hiện tại và thu nhập của hộ dân.

Song song, việc quản lý các hoạt động khai thác cát sông, việc quản lý sử dụng đất, xây dựng nhà, công trình ven sông tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Đồng thời, điều tra cơ bản về sạt lở chưa được thực hiện thường xuyên, số liệu điều tra thiếu đồng bộ; về cơ bản chưa có số liệu đo đạc, đánh giá thường xuyên về diễn biến lòng dẫn, đặc biệt là trên các sông lớn.

Nhiều khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở nhưng không có số liệu quan trắc, đánh giá. Theo ông Lưu Nhuận, đây cũng là những thách thức đặt ra hiện nay.

Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, UBND tỉnh đã ra quyết định công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp tại 19 khu vực bờ sông ngòi, kinh, rạch, đê bao bị sạt lở với chiều dài gần 9.500m trong tổng số 387 khu vực đã xảy ra sạt lở (dài 13.250m); trong đó, năm 2020 có 10 khu vực, năm 2021 có 6 khu vực và 5 tháng đầu năm 2022 có 3 khu vực. Nổi bật nhất có các khu vực: Cồn Thanh Long (thuộc ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện- Vũng Liêm); khu vực bờ bao sông Vàm Tắt- Từ Tải (thuộc ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa và Khóm 4 (phường Cái Vồn, TX Bình Minh) dài trên 200m và khu vực bờ kinh Hai Quý (xã Thành Lợi- Bình Tân) dài 120m.

Kỳ cuối: Linh hoạt ứng phó thiên tai

Bài, ảnh: THẢO LY