Nông thôn mới

Thay đổi cách tiếp cận, tư duy mới

Cập nhật, 18:04, Thứ Tư, 10/08/2022 (GMT+7)

 

 

Các vùng nông thôn ngày càng trở nên tươi đẹp và đáng sống hơn. Trong ảnh: Tuyến đường hoa tại xã nông thôn mới nâng cao Thành Trung (Bình Tân).
Các vùng nông thôn ngày càng trở nên tươi đẹp và đáng sống hơn. Trong ảnh: Tuyến đường hoa tại xã nông thôn mới nâng cao Thành Trung (Bình Tân).

(VLO) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021- 2025 (Sau đây gọi tắt là Chương trình) được kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân nông thôn, mang lại giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới, tiếp cận mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại theo như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Qua triển khung cơ chế, chính sách của Chương trình, ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT, Phó Trưởng BCĐ Trung ương lưu ý: “Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận Chương trình về tư duy mới chứ không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng và ngay cả hạ tầng cũng cần chú ý tính hài hòa, thân thiện với môi trường thiên nhiên với không gian làng quê nông thôn”.

Thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giai đoạn mới

Nhằm triển khai khung cơ chế, chính sách, định hướng chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp tập trung thực hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình ở các địa phương; đồng thời tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cả nước chung sức xây dựng NTM trong giai đoạn mới, Bộ Nông nghiệp- PTNT vừa tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của gần 2.500 đại biểu tại các điểm cầu trong cả nước.

Khung cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, khoảng 40% xã đạt NTM nâng cao, ít nhất 10% xã đạt NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí.

Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so năm 2020. Phấn đấu cả nước có 17- 19 tỉnh- thành trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM…

Theo Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn, so với giai đoạn trước (2016- 2020), chương trình giai đoạn mới này đã bổ sung thêm một số mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, cấp xã, huyện; tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và cấp thôn đạt chuẩn NTM.

Đồng thời, để cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu xây dựng NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu)…, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cho từng vùng, miền, làm cơ sở để các địa phương xác định mục tiêu cụ thể và triển khai thực hiện trong giai đoạn mới cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Chương trình tiếp tục được thiết kế với 11 nội dung thành phần và 54 nội dung cụ thể, trong đó bổ sung những điểm mới so với giai đoạn trước để triển khai trong giai đoạn mới.

Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình được tỉnh tập trung rất quyết liệt, sát sao. Song, cũng như các địa phương khác, tỉnh Vĩnh Long đang gặp khó khăn do một số bộ ngành chưa ban hành hướng dẫn thực hiện; thông tư quy định quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán vốn sự nghiệp thực hiện chương trình chưa được ban hành. Cùng với đó, tỉnh còn gặp khó trong việc thực hiện tiêu chí 13.1 về xã có HTX hoạt động theo đúng Luật HTX.

Đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững

Ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT cho rằng, kết quả hơn 10 năm xây dựng NTM ở hai nhiệm kỳ trước đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là: “Toàn diện, to lớn và có tính lịch sử”.

Đó là những bài học và động lực để chúng ta quyết tâm đạt được trọn vẹn mục tiêu của Chương trình… “Với khối lượng văn bản rất nhiều, chưa kể các văn bản hướng dẫn của 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại trên cùng một địa bàn có thể sẽ còn phát sinh những cách hiểu khác nhau và cách vận dụng khác nhau.

Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và kịp thời phản hồi một cách nhanh nhất để không làm ách tắc quá trình triển khai của các địa phương”- ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT, tổ chức lại sản xuất là yếu tố quyết định tăng thu nhập nông dân, tổ chức lại sản xuất trên nền tảng tổ chức lại xã hội nông thôn theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, bảo quản chế biến, kinh doanh nông sản, các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP; phát triển kinh tế nông thôn là điều kiện để tạo ra cơ hội việc làm ở nông thôn theo phương châm “ly nông bất ly hương”.

Cũng theo ông Lê Minh Hoan, chắc chắn rằng vốn đầu tư và cả vốn sự nghiệp sẽ không đủ để đạt được mục tiêu cho một chương trình vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu, vừa xây dựng kết cấu hạ tầng vừa phát triển kinh tế, kết hợp văn hóa- xã hội ở nông thôn.

Như vậy, ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương cần lồng ghép với nguồn vốn địa phương và kêu gọi vốn xã hội hóa, vừa thu hút doanh nghiệp về nông thôn, vừa tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay tại địa phương.

Trong giai đoạn vừa qua, rất nhiều địa phương đã về đích trước thời hạn và huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách từ doanh nghiệp và người dân địa phương...

“Mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch để thu hút các nguồn lực và đồng hành hỗ trợ sát sao với các cơ sở”- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT lưu ý và nhận định: Chương trình kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế, văn hóa và xã hội ở nông thôn.

Đây là những vấn đề mới so với giai đoạn vừa qua, nhưng sẽ đảm bảo NTM phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng sống cho người dân khi được tiếp cận giáo dục, y tế, bình đẳng giới…”.

Chương trình xây dựng NTM được triển khai, thực hiện tại 8.227 xã, 644 đơn vị cấp huyện có xã thuộc 63 tỉnh- thành trực thuộc Trung ương theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021- 2025. Tổng nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho chương trình là 39.632 tỷ đồng.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI