Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%

Cập nhật, 18:20, Thứ Sáu, 29/07/2022 (GMT+7)

(VLO) Ngày 20/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Qua đó, tháo gỡ các vướng mắc trong lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT xuống 8%.

Trước đó, ngày 28/1, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ ngày 1/2- 31/12/2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% xuống còn 8%, trừ một số hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính nhận được một số phản ánh vướng mắc của các cục thuế, doanh nghiệp. Trong đó, việc quy định phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT thì mới được áp dụng thuế suất 8% là làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Bởi vì đối với cùng một khách hàng, thay vì lập 1 hóa đơn ghi nhiều thuế suất khác nhau (5%, 8%, 10%) thì doanh nghiệp phải lập 2 hóa đơn: hóa đơn ghi thuế suất 8% và hóa đơn ghi các thuế suất khác (5%, 10%).

Do đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2022/NĐ-CP sửa đổi như sau: Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn GTGT phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định.

LÊ VĂN TRUNG