Góp sức xây xã nông thôn mới nâng cao, ấp nông thôn mới kiểu mẫu

Cập nhật, 13:34, Thứ Tư, 27/07/2022 (GMT+7)

 

Tuyến đường trồng hoa, cây xanh do Hội Nông dân xã Hòa Ninh phối hợp cùng Chi hội Nông dân ấp Bình Thuận 2 thực hiện.
Tuyến đường trồng hoa, cây xanh do Hội Nông dân xã Hòa Ninh phối hợp cùng Chi hội Nông dân ấp Bình Thuận 2 thực hiện.

(VLO) Năm 2022, xã Hòa Ninh (Long Hồ) phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao và chọn ấp Bình Thuận 2 xây ấp NTM kiểu mẫu. Hội Nông dân xã Hòa Ninh đã có những hoạt động thiết thực trong thực hiện các tiêu chí để chung tay cùng với địa phương xây xã NTM nâng cao và xây ấp NTM kiểu mẫu.

Khá lên nhờ nuôi dê

Gắn bó với nghề nuôi dê 6 năm đã giúp anh Thái Đắt Dũng- ấp Bình Thuận 2 có thu nhập thoải mái. Từ 4 con dê lúc đầu, đến nay đàn dê đã lên đến 40 con, trong đó hơn chục con dê mẹ.

Anh Dũng cho biết: Hiện dê thịt có giá 125.000 đ/kg, thời điểm giá cao nhất là 145.000 đ/kg, bán một con dê (40kg) lời hơn 5 triệu đồng. “Nếu tính bình quân mỗi năm xuất chuồng 20 con thì bỏ túi tiền lời 80- 90 triệu đồng khỏe re”- anh Dũng nói.

Từ lúc dê mang thai đến sinh con là 5 tháng, nuôi khoảng 8 tháng thì xuất chuồng. Ngoài bán dê thịt, còn bán được phân dê khoảng 30.000 đ/bao. “Tuy cực nhưng mỗi ngày hốt 2 bao phân cũng kiếm được 60.000đ. Giờ phân hóa học mắc quá, nông dân có xu hướng xài phân dê, bền, tốt hơn, giá lại rẻ hơn”- anh Dũng cười tươi.

Trước đây anh Dũng làm phụ thợ mộc ở huyện Chợ Lách (Bến Tre), phải qua huyện Cái Bè (Tiền Giang) cưa cây. Công việc khá nặng nhọc và vất vả. “Mỗi chuyến giao hàng, tui được trả tiền công vài trăm ngàn nhưng thu nhập không “ngon” bằng nuôi dê vì mô hình chăn nuôi này khá nhẹ công, làm việc cũng thong thả hơn”- anh Dũng kể.

Mỗi ngày, đàn dê của anh Dũng có thể tiêu thụ hết vài chục ký mít sống được xắt ra trộn với bã bia. Vì vậy, tận dụng thời điểm giá mít xuống thấp vợ chồng anh xin các loại mít non, mít dạt về làm thức ăn cho dê.

Bên cạnh, anh chị còn đi qua tận huyện Chợ Lách để cắt cỏ, mỗi chuyến đi về hơn 30 cây số, nhưng bù lại có 2 xe đầy ắp cỏ tươi ngon cho dê ăn.

Tận dụng thời gian rảnh, mỗi buổi chiều, anh Dũng qua TP Vĩnh Long bán cơm tấm, nhờ vậy gia đình có thêm nguồn thu. Hiện, anh Dũng đang dự kiến tăng số lượng đàn dê. “Sắp tới, nếu được giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tôi dự kiến sẽ vay khoảng 40 triệu đồng để mở rộng sản xuất”- anh Dũng nói.

Gần nhà anh Dũng, anh Nguyễn Văn Châu có khoảng 5 năm gắn bó với nghề nuôi dê. Từ 3 con lúc đầu, đến nay đã nâng tổng đàn lên 50 con.

Anh Châu cho biết, thời gian đầu nuôi dê khá vất vả, do chưa có kinh nghiệm, không có người hướng dẫn, mua nhằm giống dê không chất lượng, giá đầu vào lại cao, trong khi bán ra không được bao nhiêu nên không có lời.

Qua thời gian vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thu nhập khấm khá hơn, mô hình này đã giúp cho anh Châu cùng nhiều nông hộ phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, nên anh ngày càng đam mê nuôi dê. Anh Châu dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng chăn nuôi, nâng thêm tổng đàn dê, để nâng cao thu nhập.

Chung tay thực hiện các tiêu chí

Ông Châu Minh Lộc- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh cho biết: Nhờ mô hình nuôi dê đã giúp cho nhiều hội viên nông dân có điều kiện vươn lên.

Cách nay 2 năm, đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê với hơn 10 thành viên tham gia, tổng đàn dê của tổ khoảng 800 con. Hiện, hội đang đề nghị hội cấp trên xét duyệt dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền khoảng 600 triệu đồng để hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển chăn nuôi dê.

Mô hình nuôi dê đem lại thu nhập cao cho nông hộ.
Mô hình nuôi dê đem lại thu nhập cao cho nông hộ.

Hiện, hội còn có 2 tổ hội nghề nghiệp nấu ăn ở ấp Hòa Quý và Bình Thuận 1. Trong tháng 6/2022 vừa thành lập thêm Tổ hội nghề nghiệp mua bán mai vàng tại ấp Bình Thuận 2 do ông Huỳnh Văn Tùng- người có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng mai vàng, làm tổ trưởng.

Hội đang vận động hội viên tham gia đăng ký bán dê và mai vàng qua kênh thương mại điện tử. Qua việc tiếp cận với kênh bán hàng mới này, không chỉ giúp nông dân có thêm nguồn tiêu thụ mà còn góp phần cùng xã thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, trong đó có chỉ tiêu về tỷ lệ sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh Châu Minh Lộc cho biết thêm, song song với xây xã NTM nâng cao, xã Hòa Ninh cũng chọn ấp Bình Thuận 2 xây NTM kiểu mẫu.

Hội phối hợp với Chi hội Nông dân ấp cùng với Ban Vận động xây dựng NTM ấp và Nhân dân thường xuyên tổ chức ra quân trồng hoa, dọn dẹp cảnh quan để chung tay cùng ấp Bình Thuận 2 thực hiện tiêu chí môi trường, trong đó có chỉ tiêu về tuyến đường khu dân cư (ấp) có rãnh thoát nước và trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh toàn tuyến.

Để góp phần cùng xã Hòa Ninh xây NTM nâng cao, hội đang chung tay thực hiện tiêu chí chất lượng môi trường sống với các chỉ tiêu về: 100% chủ thể hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng năm được tập huấn về an toàn thực phẩm; không để xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của xã; 75% trở lên cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông- lâm- thủy sản được chứng nhận về an toàn thực phẩm, trong đó tỷ lệ cơ sở chế biến thực phẩm nông- lâm- thủy sản (cấp tỉnh quản lý) phải đạt 100%.

“Theo kế hoạch, trong tháng 8/2022, hội sẽ phối hợp tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm cho 2.446 hộ sản xuất- kinh doanh trong xã nhằm đảm bảo sản phẩm làm ra đạt chất lượng về an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường”- ông Châu Minh Lộc cho biết.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI