Đời đời ghi nhớ công ơn anh hùng liệt sĩ!

Cập nhật, 06:13, Thứ Tư, 27/07/2022 (GMT+7)

 

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long tháng 7/2018. Ảnh: TTXVN
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long tháng 7/2018. Ảnh: TTXVN

(VLO) Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cả nước có gần 1.200.000 liệt sĩ, trong đó gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt; có khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang chưa xác định được danh tính; có hàng trăm ngàn thương binh ngày ngày đau nhức do mang trên mình nhiều thương tật…

Còn đó những con số nhói lòng…

Trên thế giới có quốc gia nào như Việt Nam, hơn 100 năm (kể từ 1858) cả nước trường kỳ chống ngoại xâm để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước rồi tiếp tục chống xâm lấn biên giới, giúp bạn xóa bỏ chế độ diệt chủng tàn bạo.

Với 4 cuộc chiến tranh có hơn chục nước trực tiếp, gián tiếp tham chiến nhưng chúng đều thất bại trước ý chí Việt Nam quật cường, không cúi đầu làm nô lệ! Nhưng có cuộc chiến tranh nào không trả giá bằng mất mát, đau thương. Triệu triệu thanh niên nam, nữ hai miền Nam- Bắc nối tiếp nhau ra trận để Tổ quốc có được cơ đồ như hôm nay.

Trong những năm qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền các cấp và toàn xã hội rất quan tâm, đồng thời kiên trì thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công với nước đạt được nhiều kết quả, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công, nhất là người hoặc gia đình có công có hoàn cảnh khó khăn, kinh tế hạn chế.

Trong đó, điển hình như các phong trào: Xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm; tổ chức đưa Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, người có công, thân nhân liệt sĩ đi điều dưỡng tập trung theo chế độ; lập quỹ bảo trợ xã hội; nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng suốt đời, chăm sóc cha mẹ liệt sĩ già yếu neo đơn; đỡ đầu hoặc tặng học bổng con liệt sĩ; thực hiện các chính sách xã hội ưu tiên đối với con liệt sĩ, thương bệnh binh…

Đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn trái nhớ người trồng cây” tốt đẹp của dân tộc ta, đồng thời nhằm động viên, khích lệ kịp thời các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để họ vươn lên trong cuộc sống.

Tuy nhiên, qua các con số thống kê về số lượng liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên cả nước, ngoài công tác như tìm hài cốt trong và ngoài nước, xác định danh tính, tiến hành thường xuyên việc chăm lo người và gia đình có công, chính quyền và toàn xã hội còn nhiều việc phải làm, bởi trong thực tế thì một bộ phận người hay gia đình có công với nước khó phát triển bình đẳng như đối tượng khác ngoài xã hội- do thiếu sức khỏe, thiếu tư liệu sản xuất và thiếu sức lao động.

Trong “cuộc đua đường dài” mưu sinh thì 3 yếu tố bất lợi vốn có kể trên luôn là lực cản để đối tượng có công về đích. Cho nên trong hoạch định các chính sách đối với người có công, cấp soạn thảo chính sách cần tính đến 3 yếu tố nói trên. Có vậy, đời sống đối tượng có công với nước mới “không bị tụt lại phía sau” như mục tiêu các kỳ đại hội của Đảng đề ra.

Không có mộ liệt sĩ vô danh và mệnh lệnh từ lời dạy của Bác Hồ

Tôi có dịp đến viếng nhiều nghĩa trang liệt sĩ: Điện Biên Phủ, Trường Sơn, Phú Quốc, Quảng Trị, An Giang, Vị Xuyên (Hà Giang), tỉnh Vĩnh Long,… tại đó, bên cạnh các liệt sĩ có tên trên bia mộ thì còn nhiều, rất nhiều các bia mộ chỉ ghi một thông tin chung: “liệt sĩ khuyết danh”, “liệt sĩ chưa xác định thông tin”, “liệt sĩ vì nước vì dân”, “liệt sĩ vô danh”… nhìn thật nhói lòng, bởi gần 50 năm sau ngày đất nước thống nhất mà chúng ta vẫn chưa thể làm xong công tác sưu tầm thông tin để khắc tên cho liệt sĩ.Đất nước được độc lập, non sông liền một dải; biên giới nay là biên giới hữu nghị, hòa bình, nhưng vẫn còn đó niềm mong muốn khắc khoải của bao bà mẹ, bao người cha, bao anh em, đồng đội là được đưa những người đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc từ mọi chiến trường trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình, đồng đội, để được tri ân, để góp phần vơi bớt nỗi đau của thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long, có khoảng 290 mộ liệt sĩ chưa có thông tin trên tổng số hơn 3.200 mộ liệt sĩ.Ảnh: HK
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long, có khoảng 290 mộ liệt sĩ chưa có thông tin trên tổng số hơn 3.200 mộ liệt sĩ.Ảnh: HK

Kỷ niệm năm thứ 75, chúng ta vẫn còn nợ các anh. Để khắc phục việc mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin, Nghị định 131/2021 ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, tại khoản c, Điều 152 về quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ có quy định trên bia mộ liệt sĩ phải ghi thống nhất họ và tên, ngày sinh… trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Mong rằng ngành lao động- thương binh và xã hội và các địa phương thực hiện thật tốt việc này để các liệt sĩ và thân nhân có thêm phần an ủi bởi không còn là mộ vô danh.

Rõ ràng, vết thương chiến tranh vẫn còn để lại nhiều nỗi đau cho người ở lại. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những người vợ khắc khoải chờ chồng, những người mẹ mòn mỏi chờ mong… Và, trong những ngày kỷ niệm thiêng liêng này chúng ta càng không được phép quên lời dạy của Bác Hồ:

“ … Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta.

... Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập kết quả tự do.

Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta.”- lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (năm 1960).

Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đến năm 2020, cả nước đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó có gần 1.200.000 liệt sĩ; gần 500.000 thân nhân liệt sĩ; trên 117.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh (trong đó trên 40.000 thương binh loại B). Bệnh binh có gần 185.000 người, gần 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học,… Tỉnh Quảng Nam có 65.000 liệt sĩ, cao nhất nước..

HOÀNG KHẢI