Câu chuyện nông thôn

Thời tiết ngày càng cực đoan

Cập nhật, 14:01, Thứ Tư, 29/06/2022 (GMT+7)

(VLO) Đối với nông dân tụi tui, thì giờ đây cụm từ biến đổi khí hậu không còn xa lạ nữa, nó cũng không ở đâu xa mà diễn ra ngay trước mắt, hàng ngày. Nông dân cũng phải tự biết thích nghi trong sản xuất, nuôi trồng để thích nghi, thích ứng với những diễn biến cực đoan, không còn theo năm, theo mùa nữa mà có khi nó diễn ra ngay trong ngày.

Có khi cùng với những ngày mưa dầm ngập nước lênh láng, phải bơm nước ra, thì ngay sau đó lại là những đợt nắng nóng gay gắt, khô cháy đọt rau. Lại phải bơm tưới nước liên tục.

Rất nhiều vấn đề đặt ra cho nông dân tụi tui, riêng chuyện nước thôi cũng đủ mệt. Trong khi chờ đợi những quy hoạch vĩ mô về dự trữ nguồn nước ứng phó với hạn mạn, nông dân cần phải biết sử dụng những cách trữ nước truyền thống, không tốn kém để dự phòng thông qua những kinh mương nội đồng. Dự trữ nước ngay trên khu vườn, mảnh ruộng của mình.

Cùng với đó, là ứng dụng những mô hình tưới tiêu tự động, thông minh có thể kiểm soát chặt chẽ lượng nước tưới tiêu, vừa tiết kiệm nước, vừa có thể điều tiết lượng nước theo ý muốn khi thời tiết đổi thay cực đoan.

Tuy nhiên, xứ đồng bằng này cần có một chiến lược tổng thể, tổng hợp để có thể giúp nông dân sử dụng nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm hiệu quả. Đặc biệt, là ứng phó với những tác động tiêu cực từ những công trình thủy điện thượng nguồn. Đây là những vấn đề quá lớn của một địa phương, của khu vực, nó thuộc tầm quốc gia và liên quốc gia.

Đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, minh bạch giữa các quốc gia cùng chung dòng chảy của con sông lớn đi qua, mà trong đó xứ đồng bằng mình là nơi cuối nguồn dễ bị tổn thương nhất và dễ hứng chịu mọi tác động phía đầu nguồn. Đồng bằng thật sự khá… mong manh trước những tác động gay gắt từ nhiều yếu tố đến từ biến đổi khí hậu.

Hệ thống đê bao, cống đập các cửa sông, cửa biển đã được đầu tư khá hoàn thiện, nhưng xem ra chúng ta chưa thể chủ động điều tiết nguồn nước trước hai thái cực ngập lụt và khô hạn.

Chưa tận dụng được cái lợi thế của hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt để có thể trở thành hệ thống lưu dẫn nguồn nước tự nhiên cho toàn vùng. Cùng với đó, cần có hệ thống lưu dẫn nước có khả năng bao phủ toàn vùng khi hạn mặn gay gắt.

Bài toán lớn này cần những giải pháp tổng thể, hiện đại nhưng cần đặc biệt quan tâm yếu tố văn hóa, xã hội mang tính truyền thống của xứ đồng bằng này, vốn đã trải qua nhiều thời kỳ thích nghi với biến đổi khí hậu qua hàng ngàn năm nay. Cẩn thận với những giải pháp “nguyên xi” đến từ các nước xa xôi nào đó, dù họ có văn minh, tiên tiến đến mấy.

Hailua@.com