Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11)

Đề cao ý thức thượng tôn pháp luật trong tình hình mới

Cập nhật, 05:35, Thứ Ba, 09/11/2021 (GMT+7)

 

(VLO) Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012 quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật. Để thông tin về tình hình triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn tỉnh, PV Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Quang Lê Thoại- Trưởng Phòng PBGDPL- Sở Tư pháp tỉnh.

* Xin ông cho biết ý nghĩa và sự ra đời của Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11)?

- Ngày 9/11/1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp sau này, cũng như toàn bộ hệ thống pháp luật của chúng ta.

Từ trước năm 2010, đã có một số địa phương tổ chức mô hình “Ngày Pháp luật” với nhiều hoạt động thiết thực để tôn vinh ngày Hiến pháp năm 1946 ra đời, nhằm thúc đẩy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tích cực tìm hiểu pháp luật, góp phần đa dạng hóa hình thức PBGDPL tại cơ sở.

Mô hình này đã được Hội đồng Phối hợp PBGDPL ở Trung ương đánh giá cao, đề xuất Chính phủ và được Quốc hội quy định tại Điều 8 Luật PBGDPL năm 2012: “Ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Bắt đầu từ ngày 9/11/2013, Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức thường xuyên một cách có trọng tâm, trọng điểm trên phạm vi cả nước cho đến nay.

* Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn tỉnh những năm qua?

- Có thể nói, việc triển khai các hoạt động Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các cấp, các ngành và các tổ chức xã hội- nghề nghiệp, hành nghề luật sư quan tâm và hưởng ứng ngày càng sôi nổi, thiết thực. Cụ thể, Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019, các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh đã tổ chức 1.151 cuộc tuyên truyền cho 32.245 lượt người; cấp huyện tổ chức sinh hoạt được 1.223 cuộc với 17.356 lượt người; treo 536 băng rôn, 8 khẩu hiệu; tổ chức được 234 hội thi, hội thảo, truyền thông cung cấp kiến thức pháp luật với 15.370 lượt người tham gia.

Năm 2020, toàn tỉnh tổ chức được 2.006 cuộc tuyên truyền cho 52.266 lượt người, treo 35 băng rôn; tham gia 2 cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến do Bộ Tư pháp tổ chức với 291 lượt người tham gia và còn nhiều hoạt động khác.

Phát huy tinh thần chung tay thực hiện công tác PBGDPL, các công ty và văn phòng luật sư tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng hình thức xây dựng môi trường tương tác trên ứng dụng Facebook, Zalo... hay trên trang thông tin điện tử (https://www.luatnhatly.com/https://luattrannam.vn/) để phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, tư vấn pháp luật miễn phí…, nhất là nhân Ngày Pháp luật Việt Nam. Có thể nói, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam ngày càng đi vào thực chất hơn và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

* Năm 2021 là năm thứ 8 triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam, song đây cũng là thời điểm đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát. Để tiếp tục duy trì, phát huy kết quả đạt được trong tình hình mới, ngành tư pháp tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa ông?

- Vừa qua, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Hội đồng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động phải thật sự thiết thực, bảo đảm tính đồng bộ, tiết kiệm, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh xác định việc tìm hiểu và chấp hành pháp luật là việc làm hàng ngày, nhưng vẫn phải đảm bảo về phòng chống dịch COVID-19.

Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 được triển khai với các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh; các quy định về cách ly y tế; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống dịch bệnh; tình hình thi hành pháp luật và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch COVID-19; tuyên truyền, phổ biến kịp thời các quy định pháp luật mới có liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm...; tuyên truyền về chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội”; tuyên truyền về tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý thức tìm hiểu, chấp hành pháp luật...

* Trân trọng cảm ơn ông!

PHẠM PHONG (thực hiện)