Cần rèn tư duy phản biện cho học sinh trong môi trường học

Cập nhật, 14:02, Thứ Năm, 31/05/2018 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết.

* Đại biểu Lưu Thành Công: Đóng góp thêm cho dự án Luật Giáo dục, ở quy định về mục tiêu giáo dục phổ thông tôi đề nghị bổ sung thêm một nội dung là hướng học sinh chúng ta hội nhập toàn cầu. Đây là mục tiêu mà các quốc gia trên thế giới đang tích cực hướng tới.

Việt Nam đã bắt đầu có khái niệm này cách nay 10 năm, chúng ta đã đào tạo được các thế hệ học sinh có đạo đức, trình độ, kỹ năng và đã làm việc rất tốt ở một số quốc gia trên thế giới.

Nếu như quy định trong dự án luật hiện tại, các em sau khi học xong chỉ lao tham gia vào lĩnh vực lao động, xã hội là hết, vô hình trung chỉ bó gọn các em trong sân nhà mà thôi.

Một vấn đề nữa là phương pháp giáo dục phổ thông, ngoài các quy định chi tiết trong luật tôi đề nghị cần quy định thêm về rèn luyện kỹ năng phản biện các học sinh.

Theo tôi, việc giáo dục tư duy phản biện là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Trước giờ, phương pháp giảng dạy của mình là thầy cô nói học trò nghe, và thầy cô sẽ có tâm lý không vui khi học sinh có ý kiến ngược lại với mình.

Tôi nghĩ thầy cô nên dần dần làm quen với việc này, có thể những phản biện của các em chưa đúng nhưng cũng phải chấp nhận và chỉnh sửa, chứ đừng bao giờ dập tắt ý tưởng sáng tạo của học sinh.

Tôi cũng từng đi dạy nhiều năm, qua thực tế quan sát trong nhóm học sinh giỏi thường có 2 dạng, 1 dạng chỉ biết lắng nghe thầy cô giảng, 1 dạng ngoài việc nghe giảng còn có ý kiến thắc mắc, phản biện và đa số dạng này sau khi ra đời thường thành công hơn.

Theo tôi biết, phương pháp tư duy phản biện cho học sinh được nhiều nước trên thế giới xem là cốt lõi, là trọng tâm trong sứ mệnh của hệ thống giáo dục quốc gia mình.

Nó thể hiện trong từng môn học, từng hoạt động giáo dục và thầy cô luôn tạo điều kiện cho các em tư duy này- vì đó là cội nguồn để các em sáng tạo ra những sáng kiến, phát minh trong quá trình học tập.

Tôi cho rằng phản biện là khả năng cần thiết để học sinh tự khai phóng, phát huy bản thân, phát huy khả năng nghiên cứu… đúng với tinh thần đổi mới giáo dục hiện nay.  

* Đại biểu Phạm Tất Thắng: Đối chính sách nhà giáo- một trong 2 chủ thể của giáo dục, đóng vai trò quyết định trong việc đào tạo một thế hệ công dân thời gian tới nhưng không được nêu nhiều trong dự án luật này. Đó là những chế độ chính sách kèm theo, đặc biệt là lương và phụ cấp cho tương xứng.

Vấn đề lương, phụ cấp nhà giáo được thể hiện nhiều trong các nghị quyết của Đảng trước đây trên tinh thần lương, phụ cấp nhà giáo đứng cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

Do đó, tôi đề nghị việc ban hành luật lần này phải thể hiện được tinh thần đó nhằm ghi nhận và động viên đội ngũ nhà giáo.

Đối với vấn đề nâng cao trình độ chuẩn của đội ngũ nhà giáo, theo tôi đang là vấn đề cần thiết trong thời điểm đổi mới đất nước hiện nay.

Đặc biệt là trong điều kiện nước ta đang tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì đòi hỏi đội ngũ nhà giáo phải nâng cao trình độ để đáp ứng được yêu cầu mới.

Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo quan tâm chuẩn bị để khi luật được thông qua sẽ xây dựng ngay lộ trình cụ thể nhằm đào tạo, đào tạo lại đối với đội ngũ nhà giáo đang công tác để đáp ứng theo yêu cầu mới. 

Về chính sách thu hút học sinh sinh viên sư phạm, trong dự thảo luật có quy định bỏ việc miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm và thay vào đó là chế độ tín dụng sinh viên, theo đó khi ra trường nếu sinh viên cam kết phục vụ trong ngành sư phạm thì sẽ xóa việc vay tín dụng này.

Tôi cho rằng, ngoài chính sách tín dụng cho ngành sự phạm nên có thêm những chính sách khác để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, như việc nhà nước bố trí được việc làm sau khi ra trường cùng với một mức lương có thể lo cho cuộc sống thì chắc chắn sẽ thu hút các sinh viên giỏi vào ngành.   

* Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh: Tôi thống nhất với dự thảo luật trong việc nâng trình độ chuẩn đào tạo giáo viên tiểu học và THCS.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng, mang tính đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phù hợp với xu thế chung vì dù dạy ở lớp nào thì cũng đều phải có trình độ đại học và nghiệp vụ sư phạm.

Để đảm bảo tính khả thi của việc nâng chuẩn, tôi đề nghị cần quy định công tác bồi dưỡng định kỳ 5 năm đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để phục vụ việc sàng lọc, nâng cao trình độ giáo viên và thích ứng với sự thay đổi.

Ngoài ra, theo đề án tiền lương được thông qua tại Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương đảng Khóa XII, xét về tổng thể cơ cấu tiền lương theo bảng lương mới thì tổng lương và phụ cấp của giáo viên chỉ tương đương với mức hiện nay (hoặc tăng không đáng kể), thậm chí giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn có xu hướng giảm.

Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội xem xét có chính sách lương, phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ giáo viên, trong đó quy định giáo viên có phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo ngành.

Liên quan đến chế độ chính sách cho nhà giáo, dự kiến đến năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng lên, riêng giáo viên mầm non do đặc thù về nghề nghiệp đề nghị xem xét bổ sung vào Luật Giáo dục về lương nhà giáo nếu nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì ngoài chế độ BHXH cần có chế độ để hỗ trợ giáo viên.

Đề nghị bổ sung quy định bảo lưu chế độ hưởng phụ cấp thâm niên theo nghề đối với nhà giáo được tiếp nhận, điều động làm công chức công tác trong các cơ quan quản lý trong ngành giáo dục nhằm thu hút công chức có trình độ chuyên môn và quản lý tốt làm công tác quản lý giáo dục.

Với quy định học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí, sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Thực thế cho thấy, học phí không phải là điều kiện duy nhất tác động tới sự lựa chọn ngành thi. Mấu chốt của việc thu hút sinh viên là chính sách giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, đặc biệt là cải thiện lương và thu nhập của giáo viên.

Tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét các trường hợp sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường, có nguyện vọng phục vụ cho ngành giáo dục nhưng vì nhu cầu tuyển dụng hạn chế, các em vẫn thất nghiệp để có quy định về thời gian trả các khoản khoản vay tín dụng sư phạm phù hợp.

TÂM- HUỲNH (ghi)