Triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu

Cập nhật, 14:06, Thứ Năm, 07/09/2017 (GMT+7)

Ngày 7/9/2017, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020.

Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết số 42) đã được các đại biểu nhất trí thông qua tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV. Nghị quyết sẽ có hiệu lực trong 5 năm từ ngày 15/8/2017.

Nghị quyết này đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới (so với pháp luật hiện hành) về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết 42 quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (VAMC).

Nghị quyết 42 cũng cho phép áp dụng các quy định tại nghị quyết để xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách.

Đồng thời, để xác định rõ phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết 42 đã quy định cụ thể tiêu chí, phạm vi, cách thức xác định một khoản nợ là nợ xấu được áp dụng các chính sách quy định tại nghị quyết.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058, ngày 17/8, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 3322, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt công tác này.

Trong đó nhấn mạnh các đơn vị được giao nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai nghiêm túc, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tin, ảnh: TRẦN PHƯỚC