Xử lý nghiêm người có nồng độ cồn điều khiển xe máy

Cập nhật, 07:18, Thứ Năm, 12/05/2016 (GMT+7)

Thời gian qua, tình trạng người vừa sử dụng rượu, bia xong, say xỉn lại điều khiển môtô, xe máy tham gia giao thông. Do có rượu trong người, có nồng độ cồn, chất kích thích trong máu mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông nên đã gây ra biết bao thảm cảnh.

Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Người uống rượu điều khiển phương tiện xe máy hoặc người đi cùng tử vong đã để lại nhiều điều đau lòng cho gia đình. Nhiều người trẻ tuổi, tương lai phơi phới, chỉ vì say rượu tham gia giao thông để xảy ra tai nạn đã dứt ngang mạng sống để lại bao tiếc thương cho người thân hoặc bị thương tật, sống trong đau khổ, bất lực và ân hận vì phí bỏ tương lai, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra do người điều khiển môtô trong lúc say rượu. Đơn cử, vụ TNGT giữa 2 môtô trên Đường tỉnh 909 vào ngày 29 tết làm 2 người tử vong, nguyên nhân do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn.

Một vụ TNGT xảy ra vào cuối năm 2014 gần cầu vượt (TX Bình Minh), một đôi nam nữ chở nhau lúc người nam có rượu không làm chủ tay lái tự té làm 1 người tử vong tại chỗ, một người cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

Mới đây, tại địa bàn huyện Bình Tân, xảy ra trường hợp tương tự: 2 thanh niên đèo nhau trên môtô từ Bình Tân về Bình Minh đã đâm vào cột điện tử vong. Với những vụ TNGT trên, ai cũng biết khi có nồng độ cồn trong máu điều khiển phương tiện tham gia giao thông rất nguy hiểm cho bản thân và cho người khác.

Tuy nhiên, hiện tại đa số người đi đám tiệc, đi nhậu đều sử dụng môtô, xe máy. Khi say xỉn vẫn điều khiển phương tiện về nhà, bất chấp nguy hiểm.

Theo các chuyên gia: Khi có uống rượu vào dù chưa say thật sự nhưng những phán đoán hầu như không còn chính xác, nên người uống rượu vào chạy xe với tốc độ khá nhanh mà vẫn cứ thấy chậm; việc nhìn thấy các biển báo, tín hiệu hoặc quan sát trên đường không còn rõ ràng nên có khi xử lý không đúng và có thể gây ra tai nạn.

Có người uống bia, rượu vào cảm thấy những suy nghĩ, tư duy hoàn toàn tỉnh táo nên tưởng rằng minh không say rượu; nhưng ở bộ phận tiểu não, nơi điều chỉnh chuẩn xác các vận động cơ thể thì đã hoạt động không còn bình thường nên khiến cơ thể đi lảo đảo, lái xe chạy không thẳng mà lệch trái, lệch phải và nhất là khi gặp sự cố thì không thể xử lý nhanh và chuẩn như lúc bình thường… và thế là TNGT xảy ra.

Tại TP Vĩnh Long, về đêm tình trạng người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện diễn ra phổ biến. vì vậy, Cảnh sát giao thông- Công an TP Vĩnh Long bắt đầu mở đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn; nhằm chấn chỉnh, phòng ngừa tai nạn xảy ra do người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trong Chỉ thị 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long cũng có nêu vấn đề về việc sử dụng rượu bia: “Không uống rượu, bia trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa của các ngày làm việc (trừ trường hợp công tác đối ngoại và được thủ trưởng cơ quan, đơn vị phân công); hạn chế sử dụng rượu, bia trong những ngày nghỉ nhằm bảo đảm sức khỏe. Chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT...”.

Thiếu tá Võ Thanh Phương- Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông- Công an TP Vĩnh Long cho biết: Thực hiện đợt cao điểm và cũng xem là công tác thường xuyên xử lý vi phạm nồng độ cồn vượt quá quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Cảnh sát giao thông TP Vĩnh Long sẽ kiên quyết thực hiện kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là xe gắn máy.

Đây cũng là việc thực hiện Chỉ thị 06-CT/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long. Khi phát hiện người vi phạm vượt quá nồng độ cồn quy định điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông sẽ kiên quyết xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP và đồng thời gửi thông báo vi phạm về công an xã- phường- thị trấn nơi người đó cư trú;

nơi công tác đối với công chức- viên chức, nơi học tập để theo dõi, kiểm điểm, giáo dục hoặc được gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục chung; theo Thông tư số 38/2010/TT-BCA.

Các trường hợp phải thông báo vi phạm

1. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa mà theo quy định của pháp luật, ngoài hình thức phạt tiền còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước có thời hạn hoặc không thời hạn quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái tàu; bị tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện thủy (gọi chung là giấy phép điều khiển phương tiện).

 

2. Người có hành vi vi phạm điều khiển phương tiện không có giấy phép điều khiển phương tiện hoặc có nhưng giấy phép đó không phù hợp với phương tiện đang điều khiển; sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp; sửa chữa, tẩy xóa giấy phép điều khiển phương tiện; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ TNGT; lợi dụng TNGT để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn; cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Bài, ảnh: HẠNH UYÊN