Từ tháng 8, phạt tiền đến 200.000 đồng với người nghe điện thoại khi đi đường

Cập nhật, 17:15, Thứ Ba, 31/05/2016 (GMT+7)

Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (mức phạt tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP là 60.000 - 80.000 đồng).

Thông tin trên Chất lượng Việt Nam, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP với mức phạt nặng hơn mức hiện hành.Nghị định số46/2016/NĐ-CP đề xuất tăng mức phạt tiền đối với nhóm người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (mức phạt tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP là 60.000 - 80.000 đồng).

Trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ; chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật cũng bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Cũng theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền với mức phạt tăng từ 10-15 triệu đồng (theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP) lên 16-18 triệu đồng. Người điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn và chất ma túy của người thi hành công vụ cũng bị áp dụng mức phạt trên.

Ngoài ra, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng.

Nghị định mới cũng tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.

Trước đó, Báo Tri thức trực tuyến thông tin, Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra dự thảo nghị định thay thế nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Dự thảo này đang được lấy ý kiến người dân và dự định trình Chính phủ vào tháng 10/2015, theo kế hoạch sẽ ban hành tháng 12/2015.

Theo dự thảo, nhiều hành vi như sử dụng điện thoại khi lái xe, đi xe máy vào đường cao tốc, vi phạm nồng độ cồn đều được đề nghị tăng mức phạt lên gấp nhiều lần so với mức phạt hiện hành.

Cụ thể, những xe không được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên với mức phạt tiền 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng.

Dự thảo nghị định tăng mức phạt hành vi đi xe máy vào đường cao tốc 200.000-400.000 đồng lên 2-3 triệu đồng.

Với hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe máy có mức phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng. Mức phạt này cao gấp 10 lần so với hiện nay.

Với người điều khiển môtô, xe máy, hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, các mức phạt đều tăng nặng, có khung cao gấp đôi hiện nay.

Theo Người đưa tin