Huyện Bình Tân

Quyết tâm đạt huyện nông thôn mới năm 2020

Cập nhật, 18:12, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)
Đồng chí Đặng Văn Chính-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy,Chủ tịch HĐND huyện Bình Tân
Đồng chí Đặng Văn Chính-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy,Chủ tịch HĐND huyện Bình Tân

Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, bên cạnh những thuận lợi, chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, tạo được sự đồng thuận của xã hội, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện.

Đến năm 2020, Vĩnh Long có 50% số xã và có 1 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí nông thôn mới là mong ước hoàn toàn chính đáng và có khả năng thực hiện được.

Nhận diện khó khăn, củng cố niềm tin

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, không chỉ góp phần nâng cao mọi mặt về đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân mà còn đảm bảo an ninh- quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh toàn diện.

Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp với hơn 70% dân số nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội còn yếu kém, thu nhập của người dân nông thôn còn thấp; trình độ, năng lực cán bộ ở cơ sở còn hạn chế; xây dựng nông thôn mới là vấn đề mới chưa có kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện.

 Nông thôn Bình Tân với các thửa ruộng rau đẹp như tranh. Ảnh: Dương Thu
Nông thôn Bình Tân với các thửa ruộng rau đẹp như tranh. Ảnh: Dương Thu

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010- 2015, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự quyết liệt tổ chức thực hiện, đến cuối năm 2015 tỉnh Vĩnh Long có 21/89 xã nông thôn mới (chiếm 23%), số xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Đối với Bình Tân, có một số bài học kinh nghiệm rút ra như sau:

-Bên cạnh những thuận lợi cũng còn những khó khăn, thách thức không chỉ cản trở kết quả thực hiện chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của nhiệm kỳ qua mà còn cho cả giai đoạn 2015- 2020, đó là: Nhận thức về ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới và vai trò chủ thể của người dân có nơi, có lúc chưa đầy đủ nên còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, thiếu sự tham gia tích cực của người dân với vai trò là người tổ chức xây dựng và cũng là người hưởng thụ;

đời sống của người dân nông thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên thu nhập không cao, số hộ nghèo, cận nghèo còn chiếm tỷ lệ lớn, giải quyết việc làm chưa nhiều, trong khi tiêu chí thu nhập bình quân đầu người theo quy định của Trung ương ngày càng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội còn yếu kém, cần vốn đầu tư rất lớn nhưng sự đóng góp của người dân và vốn đầu tư từ Nhà nước còn hạn chế.

Mục tiêu đến năm 2020, Vĩnh Long có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cụ thể phải có 45/89 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, tức là trong giai đoạn 2015- 2020 phải có thêm 24 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và 1 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí nông thôn mới.

Khẳng định bằng quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân sớm trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020; nhưng quan trọng cần có những giải pháp cụ thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Giải pháp rút ra từ kinh nghiệm thực tế

Từ kết quả đạt được, tiếp tục tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ huyện, nhất là ý nghĩa và vai trò chủ thể của người dân, hiện thực hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và thụ hưởng” trong xây dựng nông thôn mới; qua đó, tranh thủ sự hỗ trợ tối đa không chỉ nguồn vốn đầu tư mà cả kinh nghiệm, công nghệ, vật chất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho xây dựng nông thôn mới.

Xác định danh mục công trình xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội cụ thể cho từng xã điểm nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020, trên cơ sở đó có kế hoạch phân bổ vốn cho từng năm và cả giai đoạn, trong đó ưu tiên đối với đơn vị cấp huyện được chọn làm điểm chỉ đạo đạt tiêu chí nông thôn mới.

Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành với huyện, xã có kế hoạch cụ thể; nhất là các tiêu chí việc làm, giảm nghèo, thu nhập...

Đặc biệt, cần nhanh chóng củng cố Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới và có sự phân công các đồng chí là ủy viên ban chấp hành, lãnh đạo các phòng ban, đơn vị chỉ đạo cụ thể từng xã đăng ký đạt tiêu chí nông thôn mới- nhất là chỉ đạo, hỗ trợ, thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014- 2020, với các giải pháp toàn diện, xây dựng được phương thức vận hành, phối hợp chặt chẽ của các nhân tố tham gia trong hệ thống nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm khai thác tối đa chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp, ngành có ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của hơn 70% người dân sống bằng nghề nông trên địa bàn tỉnh.

Cánh đồng khoai lang xã Thành Đông. Ảnh: Dương Thu

Cánh đồng khoai lang xã Thành Đông. Ảnh: Dương Thu

 

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại các mặt hàng chủ lực của huyện, xác định tầm quan trọng của hệ thống doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, may mặc, giày da, chế biến tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản,… nhất là chế biến khoai lang, cá tra, bởi đây là tâm điểm của vấn đề về sản xuất nông nghiệp- một nút thắt cần phải được sớm giải quyết.

Cần tập trung các nguồn lực, phát huy tiềm lực của các doanh nghiệp để hệ thống doanh nghiệp của tỉnh đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh, tạo được các mối liên kết, tiêu thụ hàng hóa chặt chẽ, cung ứng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước, khu vực và thế giới, tận dụng tốt nhất cơ hội được tạo ra trong quá trình hội nhập quốc tế.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tham mưu tích cực của các sở ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội, sự quyết tâm của Huyện ủy cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tôi tin tưởng rằng Bình Tân sẽ thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hộiĐảng bộ huyện đề ra nói chung và chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới nói riêng.

 

Huyện Bình Tân hiện có 11 xã, trong đó, có 1 xã sẽ lên thị trấn, còn lại 10 xã, có 3 đã đạt tiêu chí nông thôn mới (chiếm 30%), số xã còn lại phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt từ 14 đến 16 tiêu chí. Với chủ đề của Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bình Tân lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015- 2020 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, đến năm 2020 huyện Bình Tân sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới; chính vì vậy, huyện Bình Tân xin được đăng ký và quyết tâm thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020.