5 năm: đường bộ vươn dài, vươn xa

Cập nhật, 11:54, Thứ Hai, 08/02/2016 (GMT+7)

 Vùng Tây Nam Bộ có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội. Với 340km đường biên giới Campuchia, 6 cửa khẩu quốc tế, đường bờ biển dài khoảng 740km và vùng biển rộng lớn tiếp giáp với các nước ASEAN, Tây Nam Bộ có điều kiện thuận lợi phát triển giao thương với các nước khu vực, trong đó giao thông vận tải có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội. 

Cầu Cổ Chiên tuyến quốc lộ 60 bắc qua sông Cổ Chiên nối liền 2 tỉnh Bến Tre- Trà Vinh. Đây cũng là công trình chào mừng 40 năm ngày thống nhất đất nước.
Cầu Cổ Chiên tuyến quốc lộ 60 bắc qua sông Cổ Chiên nối liền 2 tỉnh Bến Tre- Trà Vinh. Đây cũng là công trình chào mừng 40 năm ngày thống nhất đất nước.

Giao thông- vận tải vùng Tây Nam Bộ hiện nay có 4 phương thức vận tải chủ yếu là đường bộ; đường thủy nội địa; đường biển; đường hàng không. Trong đó, phương thức vận tải chính là đường bộ và đường thủy nội địa. Hệ thống đường bộ có tổng chiều dài 82.966km, trong đó: quốc lộ và cao tốc dài 2.066km, đường tỉnh dài 4.718,8km, đường đô thị 3.332km, đường huyện 9.899km, đường xã 27.910km, đường thôn, xóm 26.630km; đường trục nội đồng 8.411km với chất lượng tốt đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, an toàn.

Đường thủy với trên 13.000km (trong đó gồm 101 đoạn tuyến với tổng chiều dài trên 2.000km đường thủy nội địa quốc gia được Bộ Giao thông- vận tải giao cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trực tiếp quản lý) phân bổ đồng đều trên toàn vùng là lợi thế vô cùng to lớn về khai thác vận tải đường thủy nội địa.

Các tuyến vận tải ven biển đã mang lại hiệu quả rất tích cực trong vận chuyển hàng hóa trên tuyến thủy nội địa, đặc biệt là các tuyến vận tải chặng ngắn. Về đường biển, hiện chưa phát huy được lợi thế do một số cửa biển bị bồi lấp ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác vận tải đường biển.

Về hàng không, hiện có 2 cảng hàng không quốc tế là Cần Thơ, Phú Quốc và 2 sân bay Rạch Giá, Cà Mau với năng lực khai thác 5,05 triệu lượt hành khách, đáp ứng được nhu cầu vận tải đến sau năm 2020.

Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ưu tiên một phần nguồn lực đáng kể để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành làm thay đổi bộ mặt vùng Tây Nam Bộ, đặc biệt việc hoàn thành các cầu lớn trong khu vực như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi,... đã phá thế ngăn sông cách trở, người dân đi lại từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh đã không phải sử dụng đò như trước đây; cùng với đó là hoàn thành xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đã tạo thuận lợi cho giao thông- vận tải giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và thế giới.

Tổng kinh phí Trung ương đầu tư cho các công trình giao thông đã hoàn thành trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2010- 2015 là 58.778 tỷ đồng (chưa kể các dự án đang triển khai dở dang). Với sự phát triển nhanh của điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa trong vùng thông suốt, nhanh chóng.

Giai đoạn từ năm 2010 đến hết tháng 6/2015, tổng khối lượng vận tải toàn vùng đạt khoảng 4.657,23 triệu lượt khách và 468,25 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt đạt 4,4%/năm đối với hành khách và 4,9%/năm đối với hàng hóa. Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế- xã hội của các tỉnh vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Trong lĩnh vực đường bộ: Từ năm 2010 đến nay, đã đầu tư hoàn thành khoảng 34 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 52.471 tỷ đồng, trong đó khoảng 1.036km đường và 60,2km cầu được đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng.

Đây là những công trình quan trọng cấp bách phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh cho vùng Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung, trong đó có một số dự án quan trọng như cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Lợi, tuyến cao tốc Hồ Chí Minh- Trung Lương, đường Quản Lộ- Phụng Hiệp, đường Nam Sông Hậu, mở rộng QL1 Cần Thơ- Phụng Hiệp, nâng cấp các quốc lộ như: Quốc lộ 91 (đoạn Châu Đốc- Tịnh Biên- Hà Tiên), Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, Quốc lộ 57, Quốc lộ 60, Quốc lộ 61, Quốc lộ 63, Quốc lộ 80, Quốc lộ 91,…

Đang tiếp tục triển khai 24 dự án gồm: 6 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư là 2.600 tỷ, gồm dự án kiên cố hóa Quốc lộ 91 thuộc địa phận tỉnh An Giang đang thi công, dự kiến hoàn thành 2016; dự án mở rộng Quốc lộ 63 đoạn qua nội ô Cà Mau khởi công tháng 12/2014, dự kiến hoàn thành năm 2016; dự án mở rộng Quốc lộ 61B đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị trấn Long Mỹ (Hậu Giang) đã khởi công hồi tháng 8/2014, dự kiến hoàn thành năm 2016; dự án xây dựng cầu Long Bình đã được khởi công từ đầu năm 2014, dự kiến hoàn thành cuối năm 2015; dự án mở rộng mặt đường Quốc lộ 54 đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Tháp, khởi công tháng 6/2015, hoàn thành trong năm 2016; dự án cầu Hòa Trung (Cà Mau) hoàn thành trong năm 2015.

Hội nghị lần thứ 4, BCH Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó có vùng Tây Nam Bộ.

6 dự án vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư là 8.291 tỷ đồng; các dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015, đầu năm 2016 như: nâng cấp Quốc lộ 50 đoạn Mỹ Lợi- Gò Công- Mỹ Tho; đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn- Đất Mũi; Quốc lộ 61 đoạn Cái Tư- Gò Quao và Gò Quao- Bến Nhất; xây dựng tuyến tránh Hồng Ngự thuộc dự án Quốc lộ 30 Cao Lãnh- Hồng Ngự; mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua TP Tân An (Long An).

5 dự án sử dụng nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư 39.375 tỷ đồng gồm: dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (dự án WB5) hợp phần đường bộ dự kiến hoàn thành trong năm 2015; dự án đường hành lang ven biển phía Nam (giai đoạn 1) đã cơ bản hoàn thành nối thông từ Rạch Giá đến Cà Mau; dự án xây dựng cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và tuyến nối 2 cầu sẽ hoàn thành trong năm 2017; dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ- Rạch Sỏi dự kiến khởi công cuối năm 2015, hoàn thành năm 2018; dự án thay thế 27 cầu yếu trên các tuyến quốc lộ thuộc dự án tín dụng ngành giao thông-vận tải quốc gia sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm 2015.

Đến nay đã kêu gọi thành công và đang triển khai đầu tư 7 dự án theo hình thức BOT trong vùng với tổng mức đầu tư là 22.762 tỷ đồng, gồm: dự án mở rộng Quốc lộ 91 đoạn Km14-Km51 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 91B đoạn Km0- Km15+793; xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1987+560 đến Km2014; mở rộng Quốc lộ 1 cửa ngõ Bạc Liêu; xây dựng tuyến tránh TP Sóc Trăng; mở rộng Quốc lộ 30 đoạn An Hữu- Cao Lãnh; xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận; quốc lộ 53 đoạn Long Hồ- Ba Si (bao gồm cả cầu Ngã Tư).

Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc- Tịnh Biên- Hà Tiên góp phần phát triển kinh tế- xã hội và quốc phòng- an ninh.
Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc- Tịnh Biên- Hà Tiên góp phần phát triển kinh tế- xã hội và quốc phòng- an ninh.

Vừa qua, Bộ Giao thông-vận tải cũng đã chính thức khởi động dự án cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu thuộc Quốc lộ 60 nối 2 tỉnh Trà Vinh- Sóc Trăng, dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Sau khi hoàn thành, cầu sẽ nối thông toàn tuyến để khai thác thế mạnh toàn bộ các tỉnh phía Đông khu vực Tây Nam Bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... rút ngắn được khoảng 70km khi đi từ TP Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng, tiết kiệm chi phí vận tải và giảm áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 1, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh vùng ĐBSCL.

Cùng với cầu Đại Ngãi, Bộ giao thông-vận tải cũng đã khởi động dự án đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc (An Giang). Cầu Châu Đốc được xây dựng nhằm thay thế phà Châu Giang trên tuyến N1 qua tỉnh An Giang. Cầu Châu Đốc sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội cho thị xã biên giới Tân Châu và TP Châu Đốc, từng bước góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông Khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương.

Qua đó, hoạt động vận tải cũng đã từng bước được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trong và ngoài nước, nhất là vào các dịp lễ, tết; hạn chế được tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa tại cảng hàng không, bến xe, cảng biển vào mùa vận tải cao điểm; đồng thời không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải.

Qua hội nghị, đại biểu các tỉnh đề xuất Chính phủ, Bộ giao thông-vận tải quan tâm đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ. Đặc biệt là mở rộng các quốc lộ có mặt đường tương đối nhỏ, không đáp ứng kịp nhu cầu vận tải; điển hình là Quốc lộ 54 qua Vĩnh Long quá hẹp, Quốc lộ 53 được khởi công nhưng đến nay chưa thi công, do đó ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa từ Trà Vinh- Vĩnh Long- Cần Thơ...

Giao thông-vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội của vùng Tây Nam Bộ cũng như tạo điều kiện để kết nối với cả nước và quốc tế. Thời gian qua, khu vực ĐBSCL đã được quan tâm đầu tư đáng kể để cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông-vận tải, tuy nhiên do xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên phức tạp, nhiều sông ngòi lớn, địa chất yếu nên suất đầu tư các công trình giao thông cao. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực phần nào vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của vùng. 

Nhìn chung giao thông-vận tải khu vực Tây Nam Bộ phát triển đã đáp ứng nhu cầu đi lại, năng lực vận chuyển hàng hóa kết nối với TP Hồ Chí Minh, góp phần phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế về vốn, nên chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Hướng tới, đề nghị Bộ Giao thông-vận tải phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đang triển khai để kịp phát triển kinh tế vùng, phát triển kinh tế cả nước.Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

BÀI, ẢNH: HÙNG HẬU