Lo sạt lở bờ kinh, rạch nội vùng

Cập nhật, 07:38, Thứ Sáu, 25/12/2015 (GMT+7)

Trước đây, những vụ sạt lở lớn ở Vĩnh Long chỉ nghe, thấy xảy ra ở đường bờ của các sông lớn, sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên,… nhưng vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm nay, hiện tượng này xảy ra nhiều ở kinh, rạch nội vùng, trong nội đồng, rất đáng lo ngại, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân sống ven bờ…

Vụ sạt lở bờ sông Ông Me (tại ấp Phước Ngươn A, xã Phước Hậu- Long Hồ) vào tháng 4/2014 đang được khắc phục.
Vụ sạt lở bờ sông Ông Me (tại ấp Phước Ngươn A, xã Phước Hậu- Long Hồ) vào tháng 4/2014 đang được khắc phục.

Số điểm sạt lở càng tăng

Theo tự nhiên thì đường bờ sông, bờ kinh, bờ rạch nào cũng bị lở. Lở bình thường thì mỗi năm lấn vào bờ chừng vài tấc đến 1 thước, không ảnh hưởng đến công trình, sản xuất, nhưng lở bất thường là lấn vào bờ từ vài thước đến vài chục, vài trăm thước ảnh hưởng đến công trình, nhà cửa bên trên. Những năm gần đây, tình trạng lở bất thường như vậy đã xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh.

Năm 2012 có 6 điểm sạt lở, dài 583m. Năm 2013 xảy ra 10 điểm (phần lớn ở đường bờ sông Tiền, sông Cổ Chiên), có 337m bờ sông, kinh, rạch bị mất, 7 hộ bị ảnh hưởng, 3 hộ phải di dời nhà, thiệt hại khoảng 56 triệu đồng. Năm 2014 có 6 điểm sạt lở tại TP Vĩnh Long, các huyện Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn, làm mất 712m đường bờ, ảnh hưởng trực tiếp đến 4 hộ dân ở Long Hồ, 20 hộ dân ở Trà Ôn, 30ha vườn cây ăn trái, 1 quán nước, chìm 2 lồng, bè nuôi cá, có 2 người bị thương và 1 trẻ em chết đuối, thiệt hại 919,5 triệu đồng.

Từ đầu năm 2015 đến nay, số sạt lở tăng bất thường với 32 điểm sạt lở xảy ra (chưa kể những điểm sạt lở xảy ra tại công trình đang trong thời gian thi công), làm mất 2.063m bờ sông, bờ kinh và các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn trên đó, có 19 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đa số các điểm sạt lở xảy ra trong nội vùng, đoạn bờ sông, bờ kinh có các công trình thủy lợi (bờ bao, đê bao) và đường giao thông ở trên đó. Các công trình này đã được xây dựng, nâng cấp cách thời điểm sạt lở khá lâu, từ 2- 4 năm. Ngành chức năng và chính quyền tại các nơi đã xảy ra sạt lở rất khó khăn trong khắc phục hậu quả vì kinh phí quá lớn và cần thời gian dài để bờ, lòng kinh ổn định. Do vậy, việc giao thông bộ, việc ngăn lũ bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp, dân cư bên trong và nơi ở, sinh hoạt của những hộ dân gần điểm sạt lở gặp nhiều khó khăn.

Về nguyên nhân xói lở bờ sông, bờ kinh rất đa dạng và phức tạp. Ngoài yếu tố tác động do tự nhiên (do gia tăng dòng chảy tại đoạn sông, đoạn kinh bị thu hẹp hoặc uốn cong, do sóng vỗ bờ, do địa chất bờ sông, bờ kinh mềm yếu, vật liệu cấu tạo bờ có chỉ tiêu cơ lý thấp, do sự thay đổi lên xuống của thủy triều...), nhưng gần đây tác động của con người cũng rất đáng kể làm gia tăng xói lở (như nạo vét kinh, rạch quá mức để đắp bờ bao làm mất ổn định bờ sông, bờ kinh gây sạt lở, do xây dựng nhà cửa, kè sông… lấn lòng sông, lòng kinh làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở phía bờ đối diện…).

Thực tế cũng cho thấy, nguyên nhân làm gia tăng số vụ sạt lở bất thường nêu trên là do nhu cầu xây dựng đê bao ngăn lũ hoặc xây dựng đường giao thông nông thôn quá gấp nên yếu tố tính ổn định của công trình chưa được coi trọng, chưa đầy đủ hoặc “bỏ qua” (như lấy đất ở lòng kinh, lòng rạch hẹp, vực sâu, bờ kinh, bờ rạch là nền đất yếu hay đang bị sạt lở mạnh... lên đắp đê, làm đường sát bờ sông, bờ kinh; sử dụng vật liệu cát sông làm nền công trình đê bao, đường giao thông sát đường bờ sông, bờ kinh), vì vậy càng làm cho bờ sông, bờ kinh mau lở hơn!

Phòng, tránh sạt lở

Để phòng, tránh giảm thiểu sạt lở đường bờ sông, bờ kinh, khi nạo vét đất lòng sông, lòng kinh để đắp đê bao, đường giao thông, trước tiên cần xem xét hiện trạng sạt lở và địa chất nền đất tại vị trí tuyến công trình cần xây dựng.

Không nên xây dựng đê bao, đường giao thông sát đường bờ đang có dấu hiệu sạt lở mạnh. Kế đến là cần chú ý đến địa chất đất nền bờ kinh, bờ sông tại tuyến công trình đê bao, đường giao thông đi qua, cần khoan lấy mẫu đất, phân tích tính chất cơ lý của đất để tính toán sự an toàn, ổn định của bờ kinh, bờ sông trước khi quyết định xây dựng công trình.

Và điều quan trọng là cần giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc lấy đất, đắp bờ. Nạo vét, lấy đất lòng sông, lòng kinh phải dàn đều, đào đủ rộng, đủ sâu theo thiết kế, thẩm định được duyệt, không nên đào sâu một chỗ hoặc lấn sâu vào bờ. Việc đổ đất cũng dàn đều dọc theo tuyến công trình và theo từng đợt, từng lớp; không nên đổ chồng đống một chỗ, nhất là nơi đất bờ mềm yếu, sẽ dễ gây trượt lở đất bờ. Những nơi đất bờ mềm yếu cần gia cố cọc để tăng sức chịu tải, kháng trượt của bờ kinh.

Hiện tượng sạt lở bất thường bờ sông, bờ kinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi bờ sông, bờ kinh mất ổn định, nhưng thường xảy ra nhất là vào đầu và cuối mùa mưa, lũ. Những nơi bờ sông, bờ kinh, đoạn sông có dấu hiệu sạt lở cần tích cực theo dõi, chuẩn bị các biện pháp phòng, tránh, gia cố trước để sạt lở không xảy ra, không thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Bài, ảnh: Thành Thặng